04/01/2025

Vừa nghỉ hè đã lo tựu trường

Khái niệm “tựu trường” hay “khai giảng” ngày càng mất dần ý nghĩa khi học sinh phải cắp sách đến trường từ tháng 7 dù dưới hình thức bắt buộc hay “tự nguyện”.

 

Vừa nghỉ hè đã lo tựu trường

Khái niệm “tựu trường” hay “khai giảng” ngày càng mất dần ý nghĩa khi học sinh phải cắp sách đến trường từ tháng 7 dù dưới hình thức bắt buộc hay “tự nguyện”.



 

 


Ba tháng hè với học sinh Hà Nội là ước mơ xa vời  	 /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

Ba tháng hè với học sinh Hà Nội là ước mơ xa vờiẢNH: NGỌC THẮNG

 


Tháng 7 đã học chính thức
Văn bản chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng về việc phải đảm bảo 3 tháng hè cho tất cả học sinh (HS) phổ thông của thành phố này vẫn là một ước mơ rất xa xỉ đối với HS ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết các trường ngoài công lập ở Hà Nội đều thông báo lịch tựu trường từ rất sớm. Dù nhiều năm gần đây, Bộ GD-ĐT đều quy định khung kế hoạch thời gian năm học đối với từng cấp học nhưng dường như các trường ngoài công lập không thuộc phạm vi phải chấp hành các quy định ấy.
 
 
Bộ GD-ĐT quy định tựu trường sớm nhất đầu tháng 8
Khung kế hoạch thời gian năm học áp dụng chung cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn quốc của Bộ GD-ĐT quy định: Ngày tựu trường sớm nhất là 1.8.2016 và chậm nhất là ngày 25.8.2016, các trường tổ chức khai giảng vào ngày 5.9.2016. 
  T.Mai
 

Một phụ huynh có con học lớp 8 Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh cho biết, năm nào cũng vậy, cuối tháng 5 nghỉ hè đồng thời cũng nhận được thông báo lịch học chính thức năm học mới là từ… 1.7. Phụ huynh khác có con học tại trường này cũng chia sẻ: “Con chỉ có vỏn vẹn 1 tháng hè nên bố mẹ dù có bận đến mấy cũng phải thu xếp để cho con đi du lịch, về quê thăm ông bà, học thêm các khóa học kỹ năng… trong tháng 6. Nhiều khi cơ quan bố mẹ tổ chức cho các gia đình đi nghỉ hoặc có những trại hè bổ ích tổ chức vào tháng 7, tháng 8 thì gia đình cũng đành từ chối tham gia vì cháu đã phải đi học chính thức rồi, không thể xin nghỉ dài ngày được”.

Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng thông báo buổi học đầu tiên với HS lớp 6 năm học tới là ngày 19.7. Lịch học chính thức từ tháng 7 cũng được một loạt các trường ngoài công lập như Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Lomonoxop, FPT… áp dụng từ nhiều năm nay.
Đại diện của một số trường này giải thích rằng với cấp trung học, HS phải học tới 11 môn bắt buộc, môn nào cũng phải học đầy đủ theo phân phối chương trình, trong khi đó nội dung môn nào cũng nặng. Hơn nữa, nhu cầu của phụ huynh khi gửi con vào học trường ngoài công lập thì đều muốn con phải được học tăng thời lượng các môn để đi thi như ngoại ngữ, toán, văn; rồi muốn đưa vào các chương trình ngoại khóa để rèn kỹ năng sống nên nếu không bắt đầu năm học sớm hơn thì không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu đó.
Tuy nhiên, một phụ huynh có con học Trường Nguyễn Siêu cũng chia sẻ, nhiều gia đình ở thành phố thực ra cũng không muốn cho con nghỉ hè dài ngày vì không có người quản lý, con cũng không có chỗ vui chơi nên muốn gửi trường quản lý. Nhưng thay vì buộc HS phải nhập học sớm để dạy theo chương trình chính khóa thì nên tổ chức các hoạt động hè bổ ích dưới dạng tự nguyện thì sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền được nghỉ hè của HS.
Lại phải tự nguyện… học hè
Nếu như các trường ngoài công lập nghỉ hè tháng nào là thâm hụt khoản thu rất lớn của tháng ấy nên tỏ ra “sốt sắng” tổ chức dạy học sớm hơn thì ngược lại, các trường công lập đều thông báo tựu trường từ khoảng 15.8 trở đi. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều có tổ chức dạy học dưới dạng ôn tập trong hè cho HS từ tháng 7 dưới hình thức tự nguyện.
Một trường tiểu học ở Q.Hai Bà Trưng vào buổi họp phụ huynh cuối năm học cũng đã phát cho phụ huynh một mẫu đơn tự nguyện đăng ký học hè cho con từ 15.7, hình thức học
3 buổi/tuần với một khoản kinh phí đóng góp được tính theo quy định dạy thêm, học thêm. Dù trường có mẫu đơn soạn sẵn nhưng giáo viên chủ nhiệm từng lớp lại yêu cầu phụ huynh không được điền thông tin vào đó mà phải mang về chép tay để khẳng định tinh thần… tự nguyện, không bị bắt buộc.
Đây không phải là trường hợp cá biệt, năm nay phần lớn các trường công lập đều tổ chức dạy hè từ khoảng 18.7. Phụ huynh sẽ phải chép đơn theo mẫu chung, có nội dung: “Căn cứ vào kết quả học tập, năng lực nhận thức của con – em, gia đình tôi có nhu cầu cho con đi học hè để ôn tập và nâng cao kiến thức…”.
Mang tiếng là tự nguyện nhưng rất hiếm phụ huynh không cho con tham gia vào khóa học hè này của các trường. Một phụ huynh có con học Trường THCS Đống Đa tâm sự: “Ai chẳng muốn con mình được thoải mái vui chơi, nhưng một khi các trường đã tổ chức dạy học mà không cho con đi học thì bất an ghê gớm. Đủ mọi nỗi lo, lo con mình không đi học sẽ bị thầy cô “soi”; lo bị hổng kiến thức, không theo kịp các bạn khi vào năm học mới…”.
Sở GD-ĐT Hà Nội đến thời điểm này cũng chưa có hướng dẫn tổ chức hoạt động hè ra sao với bậc phổ thông. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết dự kiến thời gian tựu trường sớm nhất của Hà Nội sẽ là 1.8, trường nào làm trái quy định Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra, xử lý.
Dạy trước chương trình trong hè
Sau kỳ tuyển sinh lớp 10, các trường THCS ở nhiều quận tại TP.HCM chuẩn bị tổ chức các lớp dạy hè trong nhà trường, bắt đầu từ khoảng giữa tháng 6. Điều quan trọng là mặc dù mang tiếng học hè nhưng tất cả HS đều học trước chương trình.
Mặc dù Sở GD-ĐT TP.HCM quy định không cho các trường dạy chương trình năm học mới trong thời gian hè nhưng để thu hút HS tham gia, từ nhiều năm nay các trường đều yêu cầu giáo viên dạy chương trình của năm học mới ngay từ khoá học hè. 
Các lớp dạy hè được thông báo với các bậc phụ huynh và HS trong buổi họp phụ huynh và tổng kết cuối năm của trường. Đặc biệt là HS các khối đầu cấp. Khi phụ huynh vào làm thủ tục, biết  tâm lý của phụ huynh cần cho con em làm quen trường lớp, thầy cô nên các trường thường bố trí người tư vấn, phát cả lịch học hè, thu tiền học… HS tham gia các lớp hè thường học các môn toán, ngữ văn, Anh văn, lý, hoá. Thậm chí có hiệu trưởng trường THCS còn nhờ một số giáo viên khối 5 của  các trường tiểu học phát tờ rơi, lịch học hè của trường mình trong buổi họp phụ huynh khối năm cuối năm học.
Nhiều phụ huynh không muốn con học hè nhưng vì tâm lý sợ con không học trước, vào năm học mới sẽ không theo kịp bạn bè nên đành đăng ký cho con. Trong khi đó, nhiều phụ huynh dù chấp nhận cho con học hè nhưng lo lắng vì khi đã học chương trình, vào năm học mới, học lại những kiến thức đó liệu HS có chủ quan.
Để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm theo yêu cầu của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng thì việc làm đầu tiên và cần thiết là không nên tổ chức dạy hè trong các nhà trường. Điều này sẽ được đông đảo phụ huynh ủng hộ vì giải toả được lo lắng của bao phụ huynh và HS từ nhiều năm nay và để HS có được một mùa hè vui chơi, phát triển năng khiếu…, chuẩn bị bước vào năm học mới.  
Trương Quang Ngọc (Giáo viên tại TP.HCM)


 

Tuệ Nguyễn