29/12/2024

Vụ thảm sát Orlando, Mỹ: Cơ hội để IS phô trương

Dù Tổng thống Mỹ Barack Obama phủ nhận kẻ xả súng ở hộp đêm đồng tính tại Orlando có liên hệ trực tiếp với IS, nhưng giới phân tích nhận thấy nhóm khủng bố này rõ ràng đang lợi dụng vấn nạn xả súng của Mỹ để phô trương.

 

Vụ thảm sát Orlando, Mỹ: Cơ hội để IS phô trương

 

Dù Tổng thống Mỹ Barack Obama phủ nhận kẻ xả súng ở hộp đêm đồng tính tại Orlando có liên hệ trực tiếp với IS, nhưng giới phân tích nhận thấy nhóm khủng bố này rõ ràng đang lợi dụng vấn nạn xả súng của Mỹ để phô trương.

 

 

 

 

Vụ thảm sát Orlando, Mỹ: Cơ hội để IS phô trương
Tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở Orlando – Ảnh: Reuters

“Vào phút cuối Omar Mateen đã tuyên thệ trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng cho đến nay không có bằng chứng chứng tỏ hắn nhận mệnh lệnh trực tiếp từ IS” – Tổng thống Mỹ Obama kết luận, trong lúc lễ tưởng niệm các nạn nhân được tổ chức ở nhiều nơi của Orlando, Florida và các nước khác. Ông Obama dự kiến đến Orlando vào ngày 16-6 để chia buồn với các gia đình nạn nhân.

Tổng thống Mỹ nói rằng vẫn chưa biết rõ động cơ của Mateen. Dù nhận định ban đầu cho rằng hắn có thể nổ súng vì kỳ thị đồng tính nhưng thông tin ngày 14-6 cho thấy hắn là khách quen tại hộp đêm và từng nhắn tin tán tỉnh trên một số trang hẹn hò đồng tính.

Các quan chức Mỹ cho rằng Mateen đã bị ảnh hưởng bởi những thông tin cực đoan trên mạng Internet, đồng thời nhấn mạnh “không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy y là một phần trong một âm mưu lớn hơn”.

Mọi người thường sẵn sàng đổ trách nhiệm cho IS bởi điều đó dễ dàng hơn nhiều và tổ chức này đã có được chính xác điều mà nó muốn

Nhà phân tích khủng bố CHARLIE WINTER (ĐH Georgia)

Luật chơi đang thay đổi

Chuyện gì đã diễn ra trong ba giờ kể từ khi Omar Mateen nổ phát súng đầu tiên tại hộp đêm Pulse ở Orlando rạng sáng 12-6 cho đến khi bị bắn hạ, đến nay chỉ có thể hình dung chủ yếu qua lời kể của các nhân chứng và thông tin rời rạc từ chính quyền Mỹ.

New York Times dẫn lời một nhân chứng 52 tuổi đã giả chết trong nhà vệ sinh mô tả Omar đã đi rảo khắp câu lạc bộ để bắn giết, cảnh báo các con tin không được gọi 911, tịch thu điện thoại của họ rồi tuyên thệ trung thành với IS, nói rằng cần phải ngăn Mỹ đánh bom ở Syria. Một nhân chứng khác mô tả giọng cười như quỷ dữ của Omar khi hắn nã đạn vào những người cầu xin hắn tha mạng.

Cảnh sát cho biết họ đàm phán với Omar nhưng hắn dọa có mang theo thuốc nổ. Đến 5g sáng, cảnh sát phá tường để giải cứu các con tin. Omar nã súng vào những người cố trốn thoát và sau đó bị cảnh sát bắn hạ. Tổng cộng có 49 người bị sát hại và hơn 50 người bị thương.

Theo chuyên gia Moty Crystal người Israel, vụ xả súng ở Orlando và những vụ tương tự thời gian qua cho thấy có một sự thay đổi trong luật chơi bắt giữ con tin của những kẻ tấn công, các lực lượng an ninh Mỹ vốn quen với những vụ bắt cóc và giết người thông thường dường như không theo kịp.

Thay vì bắt giữ con tin để ra yêu cầu, các vụ bắt giữ con tin trong những năm qua hầu như chỉ nhằm kéo dài thời gian, thu hút truyền thông, làm tăng hiệu ứng khủng bố. Với số vụ tấn công của “sói đơn độc” ngày một tăng rõ ràng, chính quyền phương Tây “cần phải nâng cao khả năng tấn công càng nhanh càng tốt” – ông nói.

Chiêu bài của IS

Giới phân tích nhận định vụ tấn công cũng đã phơi bày nhiều bối rối trong chính sách an ninh của Mỹ và gây lo ngại rằng các vụ tấn công ở Mỹ đang xóa mờ ranh giới giữa khủng bố và xả súng hàng loạt ở Mỹ.

Sau vụ việc, cuộc khẩu chiến nổ ra trên chính trường Mỹ. Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ trích ông Obama tránh dùng từ “khủng bố cực đoan” và nhắc lại quan điểm cấm cửa Hồi giáo. Tuy nhiên trong trường hợp này, Mateen lại là một công dân sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Ngoài ra, theo cây viết Gary Yong của Guardian, không thể đổ lỗi cho Hồi giáo về 330 vụ bắn người trong một năm qua ở Mỹ.

Về vấn đề an ninh, Mateen có thể ngưỡng mộ sự tàn bạo của IS nhưng làm sao có thể bắt một người vì những gì anh ta nghĩ trong đầu. Trong khi đó, ứng viên Dân chủ Hillary Clinton cho rằng phải ngăn những kẻ điên như Mateen sở hữu vũ khí. Một số thông tin cho biết hắn đã mua súng một cách hợp pháp.

Nhưng dù nguyên nhân của vấn đề là gì, IS rõ ràng đã không bỏ qua cơ hội “nhận công” trong các vụ xả súng tại Mỹ. Sau vụ tấn công, IS đã nhanh chóng phát đi tuyên bố gọi Mateen là một “chiến binh Nhà nước Hồi giáo” và các chính trị gia Mỹ cũng nhanh chóng gọi đây là hành động khủng bố Hồi giáo.

Không giống như những vụ tấn công ở Brussels, châu Âu vào năm ngoái cho thấy rõ mối liên quan giữa những kẻ tấn công và IS, những vụ tấn công “lấy cảm hứng từ IS” ở Mỹ hầu như không có bằng chứng rõ ràng. Trong vụ xả súng San Bernardino vào tháng 12 năm ngoái, Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik đã thề trung thành với IS trước khi bắn chết 14 người. Nhưng các cơ quan điều tra Mỹ đến nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng rằng IS tham gia lên kế hoạch vụ tấn công.

Vợ chồng cảnh sát Pháp bị giết tại nhà riêng

Tổ chức IS cũng tuyên bố nhận trách nhiệm vụ sát hại cặp vợ chồng sĩ quan cảnh sát Pháp tại nhà riêng của họ ở ngoại ô Paris rạng sáng 
14-6. Theo Amaq – một trang tin có liên hệ với IS, một phần tử IS đã dùng dao đâm chết phó trưởng đồn cảnh sát ở TP Les Mureaux ngay bên ngoài căn nhà của họ ở Magnanville, sau đó bắt người vợ và con trai của sĩ quan cảnh sát nói trên làm con tin và cố thủ trong căn nhà.

Tên này sau đó đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch khẩn cấp của lực lượng đặc nhiệm Pháp ngay tại hiện trường. Theo các nhân chứng, hung thủ đã hô “Allahu akbar” (nghĩa là “Thánh Alla vĩ đại”) khi đâm viên sĩ quan cảnh sát. Người vợ của viên cảnh sát thiệt mạng trong khi con trai ông may mắn sống sót.

Hung thủ được xác định là Larossi Abballa, 25 tuổi, sinh ra tại thành phố Mantes-la-Jolie, quốc tịch Pháp. Theo các nguồn tin tư pháp, Larossi Abballa từng bị kết án 3 năm tù vì tội “liên kết với các phần tử nguy hiểm, chuẩn bị các hành động khủng bố”.

TRẦN PHƯƠNG