04/01/2025

‘Ông trùm’ nuôi tôm hùm ở Quy Nhơn

Trong khi nhiều hộ nuôi tôm hùm ở Sông Cầu (Phú Yên) lao đao vì tôm chết hàng loạt, thì hơn trăm lồng nuôi của “ông trùm” nuôi tôm hùm ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) vẫn “đẻ” ra tiền tỉ.

 

‘Ông trùm’ nuôi tôm hùm ở Quy Nhơn

Trong khi nhiều hộ nuôi tôm hùm ở Sông Cầu (Phú Yên) lao đao vì tôm chết hàng loạt, thì hơn trăm lồng nuôi của “ông trùm” nuôi tôm hùm ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) vẫn “đẻ” ra tiền tỉ.




Lồng bè nuôi tôm hùm giữa biển  /// Ngọc Nhuận

 

Lồng bè nuôi tôm hùm giữa biểnNGỌC NHUẬN


Trước biển, ngôi nhà ông Phạm Thành Thệ (60 tuổi, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, Bình Định) bình lặng, khiêm nhường như bao ngôi nhà khác. Thế nhưng, ông Thệ là người khá nhất giới nuôi tôm hùm ở đây, với bề dày kinh nghiệm của một lão ngư từng trải. Ông khoe, các con trai ông đều đã cất nhà bạc tỉ ở, còn ông thì “chưa thích nên chưa cất đó thôi”.
Ông Thệ kể, gia đình ông vốn dân biển, mưu sinh bằng ngư nghiệp đã nhiều đời. Tuy nhiên, biển đã khó lường, cá tôm ngày càng khan hiếm, ông quyết định theo học nghề nuôi tôm hùm với hy vọng mở ra cơ hội mới cho mình và gia đình. Sau khi đã học hỏi kinh nghiệm nuôi từ các vùng biển khác, ông trở lại quê nhà và khởi đầu bằng việc săn tôm hùm giống về nuôi rồi bán lại.
Năm 2008, ông Thệ bắt đầu nuôi tôm hùm thịt. Thời gian đầu, có những khó khăn tưởng chừng như đã đánh gục ông, như năm 2011 ông và 4 người con trai gần như phá sản, mất trắng 500 triệu đồng. Đây là thời điểm ở địa phương nạo vét cửa biển, chất thải khiến tôm chết hàng loạt trước ngày thu hoạch. Thế nhưng, gia đình ông không bỏ cuộc, tiếp tục vực dậy nghề.
“Nhờ trời, mọi thứ dần thuận lợi. Thức ăn rẻ, giống rẻ, chẳng mấy chốc 5 cha con tôi lấy lại vốn và bắt đầu thu lãi”, ông Thệ nói và hào hứng chia sẻ: “Tui có tổng cộng 40 lồng lớn, 100 lồng cỡ trung và nhỏ để nuôi tôm hùm. Mỗi mùa thả hơn 3.000 con tôm giống (360.000 đồng/con), sau 18 tháng thì thu hoạch tôm thịt để xuất bán. Mỗi lần xuất từ 4 – 5 tạ tôm (hơn 1 kg/con). Trừ chi phí hết thì lời cả tỉ đồng mỗi năm. Nuôi cái giống này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, con nước và công chăm sóc. Muốn chăm tốt thì nhất định phải biết lặn thiệt giỏi, lặn xuống nước mỗi ngày để coi con tôm có khỏe không rồi thu dọn lồng cho sạch sẽ…”.
'Ông trùm' nuôi tôm hùm ở Quy Nhơn - ảnh 1

Một người con của ông Thệ lặn bắt tôm hùm thành phẩm

Theo ông Thệ, việc nuôi tôm hùm tại đây rất thuận lợi, trong đó “sướng” nhất là tôm ít khi bị dịch bệnh. Chất lượng tôm hùm Nhơn Hải cũng được ưa chuộng bởi thịt ngọt, dai ngon. Người nuôi thường gặp chút trở ngại ban đầu là con giống. Lựa được con giống tốt coi như đã thành công 50%. “Mình phải tự tìm tòi, học hỏi và cố gắng để tồn tại được rồi mới từ đó làm giàu từ con tôm hùm. Cũng có nhiều khi gặp thử thách hay thất bại nhưng nếu kiên trì thì cũng học được kinh nghiệm quý báu để lần sau không lỗ nữa mà có lời. Năm vừa rồi, gia đình tui nhẩm tính sơ sơ lời hơn 1 tỉ từ con tôm hùm. Nhiều gia đình ở đây cũng khấm khá lên từ mô hình làm ăn này”, ông Thệ nói thêm.
Quy hoạch nuôi tôm hùm
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải, cho biết hiện cả xã có 32 bè với 52 hộ nuôi tôm hùm. Cứ đến mỗi đợt xuất bán tôm hùm, cả xã Nhơn Hải lại rộn ràng như ngày hội. Người mua kẻ bán tấp nập. Với số lồng bè trên thì có khoảng 40.000 con tôm hùm thương phẩm được cân cho thương lái thu mua. So với nghề đi biển, những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm ven bờ đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể và ổn định đời sống của nhiều người dân. “Chính quyền đã quy hoạch các điểm nuôi tôm cho các hộ, thu phí mặt nước là 400.000 đồng/bè/năm. Đây là hành động định hướng và khống chế số lượng nuôi để không làm ảnh hưởng nhiều tới môi trường biển, hạn chế các rủi ro khác. Đầu ra của tôm hùm Nhơn Hải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Quy hoạch nuôi tôm hùm cũng là một cách để người dân chủ động hơn trong vấn đề tiêu thụ”, ông Nghĩa nói.


 

Tâm Ngọc