04/01/2025

Kiếm sống trên ngọn cây xoài

Công việc của họ không giống ai: cả ngày làm việc trên cây xoài. Từ cắt cành, tỉa nhánh đến bao trái, thu hoạch, họ đều nhận làm.

Kiếm sống trên ngọn cây xoài

 

Công việc của họ không giống ai: cả ngày làm việc trên cây xoài. Từ cắt cành, tỉa nhánh đến bao trái, thu hoạch, họ đều nhận làm. 

 

 

 

 

Kiếm sống trên ngọn cây xoài
Ông Phạm Tấn Minh bao trái xoài tại vườn anh Lê Trần Nghĩa ở P.6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Anh em làm nghề này xác định hễ còn leo cây thì chấp nhận đánh đu với nguy hiểm. Có điều tui rất đam mê công việc này vì có việc làm quanh năm, thu nhập tốt (bình quân 5-6 triệu đồng/tháng) và được chủ vườn coi trọng, đối đãi như người thân

NGUYỄN VŨ LINH (26 tuổi, 
ở xã Mỹ Thọ, 
huyện Cao Lãnh)

 

 

Nghề này nguy hiểm nhưng vì thu nhập cao và ổn định nên ngày càng nhiều người tham gia.

Giữa tháng 6-2016, vụ xoài tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã kết thúc. Nông dân đang hối hả dọn dẹp vườn tược, cắt bỏ bớt ngọn, cành để chuẩn bị vụ mới.

Ăn dưới đất, làm trên trời

7g sáng. Một nhóm thợ đi xe máy đến vườn xoài 16 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Đền (82 tuổi) ở P.6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp để cắt tỉa cành.

Anh Phan Văn Tặng Em (thường gọi là Trắng, trưởng nhóm) phân công: “Kiệt, Lực làm cây này. Xoài, Linh lại cây cao đằng kia. Còn Hải với anh làm cây kế bên”.

Mọi người tản ra lấy cưa, câu liêm, kéo chuyên dụng cắt cành rồi leo lên cây, không cần dùng thang. Nhóm thợ này đã có kinh nghiệm nên leo nhanh như sóc. Thoáng chốc sáu người đã đứng chót vót trên phần ngọn cây xoài. Không ai mang mũ bảo hiểm, cũng không ai sử dụng dây đeo bảo hiểm.

Vườn xoài của ông Đền rộng 1ha, có chiều cao từ 7-10m, rất mát mẻ. Anh Trắng nói vườn rậm rạp thế này thì cây sẽ ít trái. Phải cắt rất nhiều cành và bỏ ngọn cho thoáng.

Sau những tiếng cưa “rẹc, rẹc”, tiếng kéo cắt “cạch, cạch” là những nhánh cây rơi xuống đất. Đột nhiên mọi người đều dừng tay đưa mắt nhìn xung quanh khi nghe một tiếng “rốp” sắc gọn.

Sau vài giây định thần, anh Linh nói lớn: “Em đạp trúng nhánh cây bị mục bên trong nhưng không sao”.

Hai giờ sau một góc vườn xoài đã sáng bừng lên. Ánh nắng mặt trời xuyên qua tán cây chiếu thẳng xuống đất, xua tan cảnh âm u bấy lâu nay.

Ông Đền cởi trần đứng bên dưới gật gù: “Cây nào cắt nhánh xong cũng thấy như trẻ lại mấy tuổi vậy. Hi vọng vụ tới trái nhiều hơn, lời nhiều hơn mấy 
vụ rồi”.

Khoảng 9g, lưng áo những người thợ cắt cành đều ướt đẫm mồ hôi, tay chân mỏi nhừ. Họ chọn một nhánh cây to ngồi thở.

Anh Trắng nói: “Thường anh em cố gắng làm cho xong một cây rồi mới xuống uống nước trước khi leo cây khác. Mệt thì ngồi trên cây nghỉ một chút cho khỏe rồi làm tiếp, chứ leo xuống rồi trèo lên rất mất thời gian.

Cũng vì vậy mà người ta hay gọi tụi tui là mấy thằng ăn dưới đất, làm chuyện trên trời. Không biết là họ xỉa xói hay đùa nhưng nghe cũng vui vui”.

Cùng lúc này một nhóm thợ do ông Phạm Tấn Minh (54 tuổi) chỉ huy đang bao trái xoài tại vườn nhà anh Lê Trần Nghĩa ở khóm 6, P.6, TP Cao Lãnh. Vườn xoài của anh Nghĩa rộng 0,8ha, trồng được hơn 10 năm. Hiện xoài đang trong giai đoạn ra hoa và trái non.

Anh Nghĩa nói khi trái xoài cỡ ngón tay cái là phải bao trái. 45 ngày sau sẽ thu hoạch. Từ lúc này trái xoài sẽ phát triển trong túi giấy, hoàn toàn không bị dính thuốc bảo vệ thực vật hay côn trùng cắn phá nên an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, vỏ trái xoài khi thu hoạch cũng sáng đẹp và ít bị sần sùi, bán được giá cao. Và chỉ có xoài bao trái như vậy mới xuất khẩu được.

Công việc bao trái xoài đòi hỏi sự chính xác, nhẹ nhàng để tránh làm trầy. Một vết xước nhỏ xíu sẽ biến thành vết sẹo to đùng khi thu hoạch. Khi đó trái xoài này sẽ bị dạt thành loại 3, bán rẻ như cho. Làm ẩu sau này chủ vườn tẩy chay, không thuê nữa.

Xoài ra trái ở phần ngọn của nhánh cây nên muốn bao được phải bắc thang. Thường chủ vườn không cho dựa thang vào thân cây xoài nên thợ phải dùng dây thừng chằng ba bên bốn phía cho cây thang đứng thẳng giữa trời.

“Những chùm trái de ra mương thì làm sao bao được” – tôi hỏi. Ông Minh cười: “Hồi đầu tui cũng thấy khó nhưng rồi có cách làm được hết. Thay vì bắc thang đứng thì mình bắc thang nằm để ra đó bao thôi”.

Nói rồi, ông Minh vác cây thang sắt dài 4m cắm bên mé mương, nghiêng một góc chừng 45 độ rồi kéo hai sợi dây thừng ở đầu thang ngược vô trong cột vào thân cây xoài.

Ông “bò” ra phía đầu thang chênh vênh trên mặt nước rồi từ từ đứng lên thực hiện công việc bao trái rất nhẹ nhàng.

Ông Minh nói thêm: “Không phải tất cả trái trên cây đều phải bao. Nhiệm vụ của thợ là phải biết đánh giá trái nào đạt chuẩn để giữ lại và hái bỏ những trái èo uột, có tì vết.

Làm nghề này đòi hỏi có sức khỏe, không sợ độ cao, am hiểu kỹ thuật, đặc biệt phải có cái tâm, làm thuê cũng như làm cho nhà mình thì mới trụ được” – ông Minh nói.

Kiếm sống trên ngọn cây xoài
Công việc hằng ngày của những người thợ cắt tỉa nhánh xoài là làm việc trên ngọn cây – Ảnh: V.TR.

Nguy hiểm rình rập

Người đầu tiên lập đội thợ làm thuê bao trái, tỉa cành xoài ở Đồng Tháp là ông Huỳnh Thanh Bá (nguyên phó giám đốc HTX xoài Mỹ Xương ở huyện Cao Lãnh).

Ông Bá kể khoảng 9-10 năm trước, HTX của ông là nơi đầu tiên thử nghiệm việc bao trái xoài theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Tuy nhiên chủ vườn chỉ bao được những trái ở gần mặt đất hoặc gần các nhánh lớn có thể đứng được. Còn những chùm xoài ở xa thì… bó tay.

Ông nghĩ cách bắc thang tre, cử 2-3 người đứng vịn thang cho một người leo lên bao những trái xoài ở ngọn. Nhưng cách này tốn công lao động mà bao rất chậm.

Sau đó ông dùng dây cột vào thang rồi chằng như cột điện, không cần người vịn thang. Cách này áp dụng tới bây giờ, mỗi người vác một cây thang ra vườn, mạnh ai nấy làm.

Ông Bá kể: “Nghề này nguy hiểm lắm. Hồi đó thằng Hùng và thằng Toàn bị té thang làm anh em khác cũng nhát tay luôn. Khi bao trái xong, hai đứa nó bước xuống thang và bị trượt chân té.

May chỗ té là mương nước chứ nếu rớt trên bờ thì không biết thế nào. Tôi nghe nói ở xã khác cũng có người té hoài. Có một số người đi làm được một bữa rồi trốn luôn vì sợ độ cao”.

Ông Phạm Tấn Minh ở P.6, TP Cao Lãnh là tổng chỉ huy đội quân bao trái, cắt cành đông nhất nhì tỉnh Đồng Tháp hiện nay với hơn 50 người.

Khoảng năm năm trước ông Minh khăn gói đến HTX xoài Mỹ Xương “thọ giáo” ông Bá kỹ thuật trồng xoài và cắt cành, bao trái. Học xong, ông về áp dụng kỹ thuật cho vườn xoài của mình.

Hàng xóm thấy vậy làm theo. Ông rủ rê những anh em chạy xe ôm, thợ hồ ở địa phương gia nhập đội của mình rồi dạy nghề, ứng tiền mua sắm đồ nghề như: thang, dây thừng, cưa, câu liêm, kéo… cho họ luôn.

Ban đầu đội của ông chỉ có hơn 10 người, chủ yếu phục vụ hơn 300 hộ với hơn 170ha xoài của P.6. Dần dần nông dân ở các nơi trong tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang nghe tin tìm đến nhờ ông hỗ trợ. Hiện giờ đội của ông đã có hơn 50 người, làm tất tần tật các công việc liên quan đến vườn xoài.

Anh Trắng mà tôi gặp ở vườn xoài ông Đền cũng từng làm đủ thứ việc kiếm sống trước khi gắn bó với nghề “ăn dưới đất, làm trên trời”.

Anh tâm sự: “Hồi mới vô nghề, tui leo lên cây là mặt mày xanh lét, tay chân run lẩy bẩy vì sợ té. Rồi thấy mấy anh em đạp trúng nhánh bị mục suýt té nên sợ lắm. Tối về tui kể cho vợ nghe, bả khóc quá trời, năn nỉ đừng đi làm nữa. Riết rồi cũng quen, giờ bớt sợ rồi.

Mùa mưa này gió mạnh, nhánh cây ướt rất trơn nên phải cẩn thận, chứ sơ sẩy một giây là có thể chết như thường”.

Anh Trắng nói đã chấp nhận nghề này thì phải chấp nhận đánh đu với nguy hiểm. Chuyện bị ong đánh, sâu rầy gây dị ứng ngứa da hay gặp rắn lục trên cây xoài… đã trở nên bình thường với những người mưu sinh trên ngọn cây.

Đa số thợ làm công việc này rất mê tín, mỗi khi leo lên cây làm việc họ phải cúng vái cầu nguyện trời phật phù hộ bình an.

Nghề thời thượng

Theo ông Võ Việt Hưng – giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, nghề bao trái, cắt cành… xoài đang rất “hot” vì nhu cầu cắt, tỉa cành xoài của nông dân đồng bằng sông Cửu Long hiện rất lớn.

Ngoài ra, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, New Zealand… đều yêu cầu xoài phải được bao trái từ nhỏ để đảm bảo an toàn thực phẩm và màu sắc đẹp thì họ mới nhập khẩu.

Tỉnh Đồng Tháp có 9.000ha xoài, ai cũng bao trái và cắt cành. Nông dân các tỉnh thành lân cận như Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ cũng bắt đầu áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại như tỉnh Đồng Tháp nên nhu cầu thợ rất lớn.

Gần đây một số địa phương có bắt buộc các nhóm thợ tham dự lớp tập huấn an toàn lao động, phải trang bị phương tiện an toàn. Tuy nhiên do đeo dây đai nặng và vướng víu nên gần như không ai sử dụng khi leo cao. Nguy hiểm vì thế vẫn luôn rình rập họ.

VÂN TRƯỜNG