02/11/2024

Bùng nổ thương mại di động ở ASEAN

Hình thức mua bán trên điện thoại di động đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt trong thị trường thương mại điện tử tại khu vực trong năm nay.

 

Bùng nổ thương mại di động ở ASEAN

Hình thức mua bán trên điện thoại di động đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt trong thị trường thương mại điện tử tại khu vực trong năm nay.




Người dân Thái Lan dùng điện thoại thông minh để mua sắm ngày càng nhiều /// Ảnh: bloomberg

 

Người dân Thái Lan dùng điện thoại thông minh để mua sắm ngày càng nhiềuẢNH: BLOOMBERG


Theo thống kê của Uỷ ban Phát thanh truyền hình và viễn thông quốc gia Thái Lan, năm 2015 nước này có 39 triệu người sử dụng internet trên các thiết bị di động. Việc phát triển mạnh mẽ về số lượng người dùng điện thoại thông minh cũng như internet tốc độ cao tại Thái khiến thương mại trên điện thoại di động (TMDĐ) phát triển đáng kể.
Thương mại di động trên mạng xã hội
Hiện khoảng 50% giao dịch trực tuyến tại Thái Lan được thực hiện thông qua các thiết bị di động. Seubsakol Sakolsatayadorn, nhà điều hành trang Weloveshopping.com và iTruemart.com, nói trên Bangkok Post: “Năm 2016, Thái Lan sẽ có khoảng 20 triệu người tham gia mua bán trực tuyến”. Điều này có nghĩa là năm nay có khoảng 10 triệu người tham gia TMDĐ.
Trong những năm tới, TMDĐ dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ vì thế hệ sinh từ sau năm 2000 ngày càng thoải mái dùng điện thoại thông minh để mua sắm. Bên cạnh đó, hình thức mua bán trực tuyến thông qua điện thoại di động giữa người tiêu dùng với nhau (C2C) đang là mảnh đất màu mỡ nhưng cũng đầy cạnh tranh.
Rakuten, công ty thương mại điện tử khổng lồ của Nhật, đã chấp nhận đóng cửa mảng kinh doanh trực tuyến theo hình thức doanh nghiệp – doanh nghiệp – người tiêu dùng trước nay của mình để tập trung vào C2C. “Theo số liệu của Hiệp hội Nghiên cứu thị trường Thái Lan, 71% người sử dụng điện thoại thông minh mua bán trực tuyến 2 lần/tháng và 90% dự định sẽ mua bán trực tuyến trong tương lai. Những con số này dự báo một tương lai tươi sáng cho C2C”, Terence Pang, Giám đốc khu vực Singapore của Garena – một trong những công ty khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, nhận định.
 
 
Facebook thí điểm chi trả trực tuyến
Hiện tại, Facebook ở Thái Lan đang thử nghiệm việc cho phép người dùng có thể dùng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản để chi trả trực tuyến khi mua đồ của một số “cửa hàng” lớn trên Facebook. Theo TechCrunch, muốn chi trả trên Facebook, người dùng chỉ việc nhấn vào đường dẫn để chuyển sang một trang khác thực hiện việc chi trả. Facebook dự kiến mở rộng thử nghiệm chi trả trực tuyến này tại ASEAN.
 

Theo Công ty nghiên cứu công nghệ thông tin toàn cầu IDC, tại Thái Lan năm 2015 số điện thoại thông minh chiếm 50%. Số người sử dụng Facebook là 37 triệu, Line: 33 triệu và Instagram: 2 triệu. Trong đó, 80% người tiêu dùng trực tuyến sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tìm kiếm sản phẩm hoặc kết nối với người bán. “Sự tăng trưởng TMDĐ sẽ thúc đẩy sự phát triển hoạt động thương mại trên mạng xã hội”, Pawoot Pongvitayapanu, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Thái Lan, nói.

Tính đến năm 2015 đã có 500.000 người kinh doanh trên mạng tại Thái, sử dụng 10.515 “cửa hàng” trên Facebook và 11.213 “cửa hàng” trên Instagram. Sheji Ho, Giám đốc tiếp thị của Tập đoàn aCommerce tại Thái, nhận định: “33% giá trị thương mại điện tử của Thái đến từ Facebook và Instagram. Đương nhiên các công ty kinh doanh trực tuyến như Shopee, Line… nhìn thấy cơ hội này và đang cố gắng giành lấy thị phần sớm”.
Sức hấp dẫn của VN
Không chỉ cạnh tranh ở thị trường nội địa, các công ty Thái Lan còn đặt mục tiêu bành trướng sang các nước ASEAN. ShopSpot Mobility, nhà phát triển nền tảng mua sắm di động lớn của Thái Lan, đã đặt mục tiêu kêu gọi vốn vào năm 2016 để mở rộng sự hiện diện của mình tại VN và các nước ASEAN.
Theo số liệu của EuroMonitor, từ năm 2011 – 2016, số người dùng internet tại VN đã tăng từ 28 triệu lên 43 triệu (153%). Đây là mức tăng trưởng tốt nhất nhì ASEAN. Dự kiến cuối năm 2016, tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 0,71% thị trường với giá trị vốn hoá khoảng 900 triệu USD.
Vì thế, không ngạc nhiên khi các “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử đã và đang lên kế hoạch bành trướng sự hiện diện của mình ở VN như: Cdiscount, Rakuten… Garena, công ty khởi nghiệp có giá trị cao nhất ASEAN là 3,75 tỉ USD, vừa quyết định tập trung đầu tư vào thương mại trên mạng xã hội tại VN, Thái, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Singapore thông qua công ty con là Shopee – một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực.

 

Lam Yên 
(VP Bangkok)