04/01/2025

​Những phi lý của Bắc Kinh

Thông cáo báo chí ngày 8-6-2016 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thực chất là câu trả lời sẵn cho phán quyết sắp tới của Toà trọng tài thường trực quốc tế (PCA).

 

​Những phi lý của Bắc Kinh

 

Thông cáo báo chí ngày 8-6-2016 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thực chất là câu trả lời sẵn cho phán quyết sắp tới của Toà trọng tài thường trực quốc tế (PCA). 

 

 

 

​Những phi lý của Bắc Kinh
Một cuộc biểu tình của người dân Philippines đòi Trung Quốc rút khỏi bãi cạn Scarborough – Ảnh: Getty Images

Có thể điểm qua các lý lẽ của Bắc Kinh và đối chiếu với thực tế cùng tuyên định của PCA ngày 29-10-2015 về việc thụ lý đơn kiện của Philippines.

1. “Trước khi Philippines đơn phương khởi động việc tài phán Nam Hải (tức Biển Đông) vào ngày 22-1-2013, tình hình chung ở Nam Hải vẫn còn là ổn định bất chấp vài tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines” – Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập luận. Lý giải như thế chính là xem thường lý do tại sao Philippines buộc lòng phải khởi kiện.

Đầu tháng 4-2012, tàu cá Trung Quốc kéo đến dải Scarborough khai thác san hô, ngọc trai và cá mập, một việc làm bị cấm và bị chiến hạm BRP Gregorio del Pilar của Philippines chặn lại, song sau đó được giải cứu bởi hai tàu hải giám của Trung Quốc.

Đến lượt tàu chiến của Philippines bị vây hãm, cô thế nên đành phải bỏ đi, tàu Trung Quốc cứ thế mà ở lại cho tới ngày nay! Philippines chỉ khởi kiện từ sau vụ chèn ép đó.

2. “Trung Quốc và Philippines có thỏa thuận chung và cam kết sẽ giải quyết tranh chấp có liên quan ở Biển Đông thông qua đàm phán.

Từ lâu, lập trường của Trung Quốc là giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp phân định lãnh thổ và hàng hải thông qua đàm phán với các nước liên quan trực tiếp trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Đây là lập luận then chốt của Bộ Ngoại giao Trung Quốc để đòi chỉ đàm phán trực tiếp song phương.

Trung Quốc trích Tuyên bố quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) ra để biện minh cho yêu sách chỉ đàm phán song phương trực tiếp:

“Ngày 4-11-2002, Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết DOC, trong đó các bên liên quan long trọng cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình mà không đe doạ hay sử dụng vũ lực, thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận toàn cầu, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật biển”.

Điều 4 DOC có nêu như thế, song Bắc Kinh, khi khăng khăng giở vế sau của điều khoản này để buộc “hiệp thương hữu nghị và đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan”, đã cố ý bỏ qua vế đầu của chính điều này là “không đe dọa hay sử dụng vũ lực”.

Một khi vế đầu này đã bị chà đạp như có thể thấy qua thực tế ở dải Scarborough, rồi vụ đưa giàn khoan, lệnh cấm đánh cá… tất cả đều cậy vào ưu thế quân sự của một nước đông gần 1,4 tỉ dân, xem như đã triệt tiêu vế sau, các nước “bị hại” bắt buộc phải thôi “hiệp thương và đàm phán” mà gõ cửa các định chế quốc tế.

3. Philippines không kiện Trung Quốc về chủ quyền hay tranh chấp lãnh thổ, mà chỉ đề nghị toà ra “tuyên bố rằng các quyền và nghĩa vụ tương ứng của các bên liên quan đến các vùng biển, đáy biển, hàng hải và các thực thể Biển Đông là thuộc thẩm quyền của công ước, và rằng các yêu sách của Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử” vốn bao trùm cái gọi là “đường chín đoạn” là không phù hợp với công ước và do đó không hợp lệ” (trích tuyên định ngày 29-10-2015 của PCA).

Nghĩa là nội dung kiện của Philippines không hề là chỉ giữa Philippines và Trung Quốc mà còn là của tất cả các nước quanh Biển Đông.

Trung Quốc không chỉ “tự ý đục bỏ” nửa vế đầu của điều 4 DOC, chỉ giữ lại vế sau thích hợp cho mình, mà còn cố tình không nêu ra điều 5 mà nội dung đã ghi rõ là “các bên kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác… Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa”.

Nếu tuân thủ điều này thì Trung Quốc đã không bao giờ biến các bãi đá nửa chìm nửa nổi kia thành các căn cứ quân sự như hiện nay, đồng thời giúp đỡ ngư dân các nước bị nạn thay vì tự tay gây hoạ cho họ!

Vài dẫn chứng và tham chiếu trên đủ để cho thấy lẽ phải không thuộc về Bắc Kinh không chỉ trong vụ kiện với Philippines mà còn trong toàn cục diện Biển Đông cũng như trong đại cục hữu nghị với các nước. Tiếc là do đuối lý, nên Bắc Kinh giở lý lẽ của sức mạnh để nuôi mộng bá chủ thiên hạ!

ASEAN – Trung Quốc sẽ thảo luận các vấn đề cấp bách

Ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng đặc biệt với Trung Quốc trong hai ngày 13 và 14-6 trong một nỗ lực để tăng cường sự tham gia và đối thoại về các vấn đề cấp bách trong khu vực.

Báo Jakarta Post ngày 11-6 dẫn lời ông Derry Aman – lãnh đạo Cơ quan hợp tác liên khu vực và đối tác đối thoại ASEAN, Bộ Ngoại giao Indonesia – cho hay cuộc họp đặc biệt này diễn ra tại một thời điểm quan trọng và được lên kế hoạch một cách có mục đích trước Hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN (AMM) hằng năm sẽ diễn ra trong tháng 7.

“Chắc chắn nhiều người hi vọng rằng vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận” – ông Derry nói trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Jakarta.

Ông Derry cho biết liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra, Indonesia sẽ luôn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của nước này, cụ thể là thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ DOC.

“Ưu tiên hiện nay của Indonesia là hoàn thiện các quy tắc ứng xử, là một phần của chính DOC” – ông Derry cho biết, nhấn mạnh rằng lập trường của nước này thậm chí sẽ không thay đổi trong 20 năm tới.

Theo ông Derry, không như các cuộc họp khác, cuộc họp sắp tới, trùng với dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác ASEAN và Trung Quốc, sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào.

Chủ tịch đương nhiệm ASEAN là Lào cùng với Singapore – nước chịu trách nhiệm giám sát quan hệ hợp tác của ASEAN với Trung Quốc – đã đề xuất ý tưởng về cuộc họp trên với Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, cuộc họp được tổ chức tại thành phố Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc). Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh sẽ tham dự cuộc họp. 

ANH THƯ

DANH ĐỨC