Trung Quốc tăng kiểm soát chất lượng gạo VN: Mừng nhiều hơn lo
Dù không ít ý kiến lo ngại hoạt động xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn khi nước này siết chặt việc kiểm soát chất lượng gạo VN, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc xuất khẩu gạo chính ngạch sang thị trường này sẽ hưởng lợi.
Trung Quốc tăng kiểm soát chất lượng gạo VN: Mừng nhiều hơn lo
Dù không ít ý kiến lo ngại hoạt động xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn khi nước này siết chặt việc kiểm soát chất lượng gạo VN, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc xuất khẩu gạo chính ngạch sang thị trường này sẽ hưởng lợi.
Với những quy trình về kiểm tra vùng trồng, nhà máy xay xát và quá trình khử trùng, xuất khẩu gạo VN sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới – Ảnh: T.Mạnh |
Theo nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu gạo, cám gạo VN vừa được Bộ NN&PTNT công bố, tất cả các lô gạo của VN xuất sang Trung Quốc sẽ phải được cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm tra chất lượng từ vùng trồng, nhà máy sản xuất, kho bãi và khử trùng trước khi xuất khẩu vào thị trường này.
Không lo nếu có vùng nguyên liệu ổn định
Sau thời gian tạm ngưng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do các thủ tục kiểm dịch, Công ty CP Vinh Phát (TP.HCM) đang chuẩn bị xuất khẩu trở lại thị trường này khi nghị định thư về xuất khẩu gạo giữa VN – Trung Quốc mới được ký kết.
Ông Trần Ngọc Trung, tổng giám đốc Vinh Phát, cho biết nghị định thư vừa được ký sẽ giúp các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn khi xuất khẩu sang thị trường này.
Cũng theo ông Trung, đây chỉ là các quy định thông thường được các quốc gia nhập khẩu đưa ra để đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch hại.
“Những doanh nghiệp lớn, có vùng nguyên liệu ổn định, hệ thống nhà máy xay xát và kho bãi bảo quản đạt chuẩn thì không có gì đáng phải lo. Mỹ có nhiều tiêu chuẩn hơn mà chúng ta vẫn xuất khẩu được sang thị trường này” – ông Trung cho biết.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho rằng việc Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc sẽ giám sát các lô hàng gạo VN từ vùng trồng nguyên liệu đến nhà máy xay xát và xuất khẩu, nhằm hạn chế tối đa các đối tượng dịch hại mà Trung Quốc không có hoặc không cho phép được thâm nhập vào Trung Quốc.
Chẳng hạn, nếu hạt gạo không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có lẫn đất cát, cỏ dại hay chưa được khử trùng… sẽ không vào được thị trường này.
“VN cũng có những quy định tương tự đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Đã có những thời điểm VN không cho nhập khẩu hàng chục ngàn tấn bắp từ Ấn Độ vì nhiễm mọt TG, một loại dịch hại mà VN không có. Nếu để loại mọt này vào nội địa thì các lô hàng nông sản của VN xuất khẩu đi các nước khác sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn nhiều” – vị này nói.
Ông Lê Văn Bảnh (cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối) cho rằng Trung Quốc cũng phải bảo vệ người tiêu dùng cũng như nền sản xuất trong nước.
“Nếu để lọt gạo VN có lẫn các hạt cỏ dại, đất chứa vi sinh hay gạo chứa các loại mối mọt mà nước họ không có hoặc chưa kiểm soát được, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà mùa màng của họ có thể bị ảnh hưởng” – ông Bảnh cho biết.
Còn theo ông Phạm Thái Bình – tổng giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), kiểm dịch là một yêu cầu mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo VN phải đáp ứng. “Sẽ có một số doanh nghiệp gặp khó khăn ban đầu khi điều chỉnh quy trình theo yêu cầu của phía Trung Quốc, nhưng về lâu dài ngành xuất khẩu gạo của VN sẽ được hưởng lợi từ nghị định thư này” – ông Bình nhận định.
Hoạt động xuất khẩu gạo sẽ nề nếp hơn
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nghị định thư về kiểm dịch gạo VN xuất khẩu sang Trung Quốc không phải là quá mới mẻ để có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Bởi ngay từ năm 2004, một nghị định tương tự đã được ký kết giữa hai nước và đến nay các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu qua Trung Quốc bình thường.
Nghị định lần này được ký kết lại có một số thay đổi có lợi cho doanh nghiệp VN.
Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết theo quy định cũ, việc kiểm soát khâu khử trùng gạo sẽ do các chuyên gia Trung Quốc sang đảm nhận.
Như vậy mỗi lần cần giám sát, VN lại phải có văn bản đề nghị phía Trung Quốc cử người sang sẽ tốn rất nhiều thời gian. Chưa kể toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở của chuyên gia Trung Quốc, doanh nghiệp đều phải chi trả rất tốn kém.
Với nghị định thư mới này, công việc trên sẽ được chuyển cho Cục Bảo vệ thực vật thực hiện nên sẽ tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.
“Chưa kể sau khi nghị định thư có hiệu lực, các cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát, hạn chế nhập khẩu gạo tiểu ngạch và thúc đẩy nhập khẩu gạo chính ngạch. Đây sẽ là tín hiệu tốt với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của VN vào Trung Quốc, hạn chế rủi ro như trước đây” – ông Hoàng Trung khẳng định.
Cũng theo ông Trung, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ định 9 đơn vị khử trùng và phối hợp với Hiệp hội Lương thực VN (VFA) lập danh sách doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc để gửi cho phía Trung Quốc thẩm định và công nhận.
Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký VFA, cho biết theo quy định cũ, có 131 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, nhưng chỉ có khoảng 30-40 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang thị trường này.
Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của VN và còn tiếp tục giữ vị trí này trong thời gian tới.
Trong những năm qua, xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc rất lớn nhưng không có thống kê, kiểm soát hay tiêu chuẩn cụ thể. Vì vậy, rất khó để có những định hướng trong xuất khẩu chung của cả nước cũng như kiểm soát chất lượng gạo xuất khẩu.
“Nghị định thư sửa đổi sẽ tạo điều kiện tốt hơn để xuất khẩu gạo VN sang Trung Quốc theo đường chính ngạch” – ông Huệ nói.
Xuất khẩu gạo giảm Theo VFA, xuất khẩu gạo tháng 5-2016 đạt khoảng 400.000 tấn, giảm trên 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức xuất khẩu thấp nhất từ đầu năm đến nay. Ông Huỳnh Minh Huệ cho biết hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo trong tháng 4 và 5-2016 đều sụt giảm so với mức trung bình, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn nhất của VN – tăng chậm lại do nước này đang siết nhập khẩu tiểu ngạch. Giá gạo xuất khẩu của VN bị tác động khi cả hợp đồng và lượng gạo xuất khẩu trong tháng 5-2016 giảm khá mạnh. Từ mức cao nhất trong các quốc gia châu Á, hiện VN lại trở thành nước có giá gạo chào bán rẻ nhất. |