02/11/2024

Lại ‘tắc’ hoàn thuế

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó đủ đường khi vừa bị chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng, vừa bị truy thu thuế vì quy định không rõ ràng.

 

Lại ‘tắc’ hoàn thuế

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó đủ đường khi vừa bị chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng, vừa bị truy thu thuế vì quy định không rõ ràng.




Khai thác rừng thông tại Lâm Đồng  /// Lâm Viên

 

Khai thác rừng thông tại Lâm ĐồngLÂM VIÊN


“Nằm gai nếm mật” chờ hoàn thuế
Trong văn bản gửi UBND TP.HCM giữa tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) cho biết đang gặp khó với thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trước đó, hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn năm 2006 giữa đại diện thành phố là Sở TN-MT và VWS có nêu rõ: đơn giá xử lý mỗi tấn rác là đơn giá thuần, không bao gồm thuế GTGT. Nhưng sau đó, Bộ Tài chính ban hành quy định mới bắt đầu từ năm 2014, loại hình dịch vụ “xử lý rác” là mặt hàng chịu thuế với thuế suất 10%. Từ 1.4.2014 đến tháng 3.2016, số tiền thuế GTGT 10% mà Sở TN-MT không thanh toán cho VWS là hơn 107 tỉ đồng. Trước tình trạng thành phố chậm trễ không chi trả thuế GTGT và phát sinh phạt lãi nộp chậm của VWS với Cục Thuế TP.HCM tăng lên quá lớn, nhiều khả năng Cục Thuế sẽ phong toả tài khoản giao dịch của VWS tại ngân hàng. “May là chúng tôi vừa mới được thanh toán khoản tiền thuế hơn 107 tỉ đồng, tránh không bị cơ quan thuế cưỡng chế”, đại diện VWS thở phào nhẹ nhõm cho biết.
Nhưng vừa trút gánh nặng này thì VWS vẫn còn gánh nặng khác. Theo đó, thoả thuận trong hợp đồng là thành phố sẽ giao rác phân loại tại nguồn, rác hữu cơ và rác tái chế cho VWS để vận hành nhà máy phân loại tái chế và làm nguyên liệu sản xuất phân compost. Các nhà máy và thiết bị này đều được miễn thuế GTGT. VWS đã nhập khẩu tài sản cố định phục vụ cho hoạt động này với thuế GTGT là hơn 106 tỉ đồng và đã được xét hoàn thuế vào năm 2013. Tuy nhiên, do thành phố không giao được rác phân loại tại nguồn nên nhà máy phân loại tái chế buộc phải “trùm mền”. VWS bị thiệt hại nặng vì phải trả nợ vay và lãi suất ngân hàng mà nguồn thu lại không có. Điều đáng nói là trong đợt thanh tra sau hoàn thuế tại doanh nghiệp, Cục Thuế kết luận công ty chưa có hoạt động của hai nhà máy này và đòi truy thu lại khoản hoàn thuế đã được hoàn trước đó. “Đây không phải là lỗi của chúng tôi, mà việc vi phạm hợp đồng của đối tác dẫn đến hệ lụy này. Đề nghị Cục Thuế không truy thu để hỗ trợ chúng tôi thực hiện tốt nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài và yên tâm hoạt động theo cam kết hợp đồng”, ông David Dương, Tổng giám đốc VWS, nói.
Thẳng thừng từ chối hoàn thuế
Một doanh nghiệp khác phải đi đòi hoàn thuế suốt 3 năm liền mà vẫn bị “tắc” là Công ty TNHH – sản xuất – thương mại – xuất nhập khẩu Hoàng Thịnh (Công ty Hoàng Thịnh), trụ sở H.Dương Minh Châu (Tây Ninh). Công ty được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 20.3.2009 để thực hiện dự án “Trồng cao su kết hợp quản lý rừng” tại xã Mỹ Đức, H.Đạ Tẻh (Lâm Đồng). Trong quá trình thực hiện dự án, công ty đã nộp đủ tiền bồi thường tài nguyên rừng là 6 tỉ đồng (làm tròn), trong đó phần thuế GTGT là hơn 686 triệu đồng và công ty đã nộp vào ngân sách.
Ngày 12.3.2013, Công ty Hoàng Thịnh có đơn xin tách phần thuế GTGT xuất ra hóa đơn 2 đợt để nộp cho Chi cục Thuế Tây Ninh, nhưng Sở Tài chính Lâm Đồng từ chối. Gần đây nhất ngày 10.4.2016, công ty có văn bản kiến nghị khấu trừ thuế GTGT trong tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng. Đến ngày 12.5.2016, Sở Tài chính Lâm Đồng có Văn bản 1070/STC-GCS nêu: “Căn cứ Công văn số 2376/TCT- CS của Tổng cục Thuế, từ ngày 4.7.2012, sản phẩm rừng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc mới qua sơ chế bán ra và chuyển quyền sử dụng đất rừng không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật. Do đó, khoản thu tiền bồi thường tài nguyên rừng không bao gồm thuế GTGT”. Cũng tại Văn bản 1070, Sở Tài chính khẳng định số tiền hơn 6 tỉ đồng mà Hoàng Thịnh đã nộp là tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng để làm cơ sở cho doanh nghiệp được khai thác tận dụng lâm sản, không phải là khoản thu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nên không thực hiện khấu trừ thuế theo quy định.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Tường Vân, Phó giám đốc Sở Tài chính Lâm Đồng, thừa nhận: “Sở có sai sót trong việc tách thuế GTGT từ tiền bồi thường tài nguyên rừng của Công ty Hoàng Thịnh chưa đúng quy định của luật Thuế GTGT. Đây chỉ là tách nội nghiệp, nên không phải hoàn trả thuế GTGT cho doanh nghiệp”. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thịnh, bức xúc: “Theo Công văn số 2376/TCT-CS ngày 4.7.2012 của Tổng cục Thuế, thì công ty chúng tôi không phải nộp khoản thuế GTGT nêu trên. Nhưng trước đó, Sở Tài chính Lâm Đồng đã tính toán và phê duyệt buộc chúng tôi phải nộp tổng số tiền thuế GTGT là 686.224.985 đồng, nay chúng tôi kiến nghị khấu trừ thì Sở Tài chính Lâm Đồng lại thẳng thừng từ chối”.
Bà Trang cho biết thêm Cục Thuế tỉnh Tây Ninh đang yêu cầu Công ty Hoàng Thịnh phải nộp thuế GTGT lần 2 (căn cứ lượng gỗ chế biến xuất xưởng) là trên 300 triệu đồng. Do công ty đang kiến nghị Sở Tài chính Lâm Đồng tách và khấu trừ thuế GTGT đã nộp thì Cục Thuế tỉnh Tây Ninh ghi công nợ, tính lãi suất nộp chậm và phạt đến cuối tháng 3.2016 lên tới 371 triệu đồng. Cũng theo bà Trang, bà từng kiến nghị Sở Tài chính Lâm Đồng gặp gỡ doanh nghiệp để đối thoại làm rõ vấn đề nhưng cũng bị khước từ.
Theo luật sư Trương Quang Quý (Đoàn luật sư Lâm Đồng), việc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng tính toán khoản thu tiền bồi thường tài nguyên rừng đã bao gồm thuế GTGT đối với Công ty Hoàng Thịnh không phù hợp với quy định của pháp luật về GTGT. Đúng ra, Sở Tài chính Lâm Đồng phải có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp biết để yêu cầu khấu trừ và hoàn trả lại cho công ty theo hướng dẫn tại Thông tư số 68/2001/TT – BTC ngày 24.8.2001 “Hướng dẫn hoàn trả các khoản thu đã nộp ngân sách nhà nước” và Thông tư số 91/2002/TT – BTC ngày 11.10.2002 “Bổ sung, sửa đổi Thông tư số 68/2001/TT-BTC ngày 2.8.2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoàn trả các khoản thu đã nộp ngân sách nhà nước” của Bộ Tài chính và Công văn số 2376/TCT – CS ngày 4.7.2012 của Tổng cục Thuế.

 

Hồng Sương – Lâm Viên