29/12/2024

Mưu tính mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc đang nỗ lực thiết kế, xây trạm nghiên cứu dưới nước để thăm dò khoáng sản ở Biển Đông cũng như phục vụ cho mục đích quân sự.

 

Mưu tính mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc đang nỗ lực thiết kế, xây trạm nghiên cứu dưới nước để thăm dò khoáng sản ở Biển Đông cũng như phục vụ cho mục đích quân sự.




Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc từng lập kỷ lục lặn sâu 7 km  /// Nhân Dân nhật báo

 

Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc từng lập kỷ lục lặn sâu 7 kmNHÂN DÂN NHẬT BÁO


Không chỉ thực hiện nhiều hành động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông như bồi đắp, xây đảo nhân tạo cùng nhiều cơ sở phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự, Trung Quốc còn đang mưu tính tận dụng công nghệ để khai khác nguồn tài nguyên ở vùng biển này.
Bằng chứng là trong một báo cáo thuyết trình gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST) cho hay giới chức nước này đã rà soát và quyết định tăng tốc việc thực hiện dự án xây trạm nghiên cứu dưới biển để thăm dò khoáng sản ở Biển Đông, theo Bloomberg. Dự án được mệnh danh là “trạm không gian dưới biển” từng được đề cập trong Kế hoạch kinh tế 5 năm (2016 – 2020) của Trung Quốc và xếp thứ 2 trong danh sách 100 dự án khoa học và công nghệ được ưu tiên hàng đầu của nước này.
Chiến lược biển sâu
Chịu trách nhiệm chính cho việc lập dự án xây trạm nghiên cứu nói trên là Công ty công nghiệp đóng tàu Trung Quốc, theo Bloomberg dẫn thông báo từ website của MOST. Một khi đi vào hoạt động, nó sẽ hoạt động ở độ sâu 3 km và hàng chục người có thể làm việc ở đó khoảng một tháng.
Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết về dự án như các mốc thời gian cụ thể, bản thảo chi tiết, chi phí hoặc vị trí trạm nghiên cứu có thể được đưa đến. Tuy nhiên, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng trở nên mạnh bạo ở Biển Đông, bất chấp phản đối và chỉ trích của nhiều nước. “Vùng biển nước sâu chứa nhiều thứ quý hiếm vẫn chưa được khám phá và khai thác và để có được chúng, chúng ta phải làm chủ được những công nghệ quan trọng có thể giúp khám phá và khai thác vùng nước sâu”, Bloomberg dẫn lời ông Tập tại hội nghị khoa học quốc gia ở Trung Quốc hồi tháng rồi cho hay.
Tuy dự án trên xuất phát từ cơn khát nguồn tài nguyên của Trung Quốc, nhưng MOST lưu ý rằng trạm nghiên cứu dưới biển có thể di chuyển và được dùng cho mục đích quân sự. “Dự án của Trung Quốc chủ yếu dùng cho mục đích dân sự, nhưng chúng tôi không loại trừ khả năng nó sẽ thực hiện vài chức năng quân sự. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu những dự án nước sâu kiểu này và Trung Quốc chỉ nằm trong số những quốc gia đó”, Bloomberg dẫn lời nhà nghiên cứu Từ Lập Bình tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc
Ông Từ còn nhấn mạnh: “Phát triển đại dương là chiến lược quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc, “trạm không gian dưới biển” này được thiết kế không nhằm vào quốc gia hay khu vực nào”.
Thách thức công nghệ
Dự án xây “trạm không gian dưới biển” được phát triển khoảng một thập niên và hiện là phần trọng tâm trong nỗ lực trở thành siêu cường công nghệ trên toàn cầu của Trung Quốc vào năm 2030. Việc hoàn thành dự án này sẽ giúp Trung Quốc rút ngắn khoảng cách trong công nghệ khai thác vùng nước sâu với Mỹ, Nhật, Nga và Pháp. Trung Quốc đã đạt được một số thành công, như việc tàu lặn Giao Long đã lập kỷ lục thế giới khi lặn xuống độ sâu 7 km hồi năm 2012, theo Bloomberg.
Nhận định về trạm nghiên cứu của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Bryan Clark tại Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược (Mỹ) cho rằng những tàu lặn có người lái đã hoạt động ở độ sâu như trên trong gần 50 năm qua, nhưng vẫn gặp thách thức khi vận hành trong thời gian kéo dài hàng tháng. Trong khi đó, nhiều khu vực ở Biển Đông thường đối mặt những thách thức về công nghệ và địa lý, đặc biệt là độ sâu của biển và bão, theo Bloomberg.
Hồi cuối năm 2015, tờ South China Morning Post trích nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Trung Quốc cho hay những tàu ngầm xuất phát từ căn cứ hải quân Du Lâm của Trung Quốc nằm dọc bờ biển phía nam đảo Hải Nam có nguy cơ mắc “bẫy tử thần” nếu di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa, do bị các dòng nước xoáy hút và nghiền nát bởi áp suất ở độ sâu chết người.
Ngoài ra, chuyên gia Clark còn cho rằng do dễ bị phát hiện nên trạm nghiên cứu dưới biển của Trung Quốc sẽ kém hấp dẫn đối với mục đích quân sự so với việc sử dụng tàu ngầm và thiết bị không người lái, theo Bloomberg.
Trung Quốc điều khinh hạm mới xuống Hoàng Sa?
Ngày 9.6, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin Hạm đội Nam Hải vừa nhận thêm chiếc khinh hạm tàng hình Type 056, mang tên Khúc Tĩnh với số hiệu 508.
Tàu có chiều dài 89 m, rộng 11 m và độ choán nước 1.300 tấn. Sau khi được đưa vào biên chế, tàu Khúc Tĩnh sẽ thực hiện nhiều hoạt động như tuần tra, bảo vệ ngư dân, chống tàu ngầm, tác chiến trên biển. Chuyên trang Navy Recognition trích thông cáo từ hải quân Trung Quốc cho hay khu vực hoạt động chính của khinh hạm Khúc Tĩnh là ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

 

Văn Khoa