06/01/2025

Làm giàu từ cây dừa Mã Lai

Ông Nguyễn Ngọc Tưởng (Tám Quyền, 65 tuổi, xã Chánh An, H.Mang Thít) là người đầu tiên ở Vĩnh Long làm giàu nhờ trồng dừa Mã Lai, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Làm giàu từ cây dừa Mã Lai

Ông Nguyễn Ngọc Tưởng (Tám Quyền, 65 tuổi, xã Chánh An, H.Mang Thít) là người đầu tiên ở Vĩnh Long làm giàu nhờ trồng dừa Mã Lai, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.




Ông Tưởng bên cây dừa của mình  /// Ảnh: Thanh Đức

 

Ông Tưởng bên cây dừa của mìnhẢNH: THANH ĐỨC


Trồng dừa nuôi con ăn học
Ông Tưởng kể cách đây 10 năm, gia đình rất khó khăn, vợ mất sớm để lại 5 đứa con nhỏ với mảnh vườn chỉ có 4 công. Ông trồng nhãn da bò nhưng dịch bệnh chổi rồng hoành hành nên năm nào cũng bị thất thu. Bản thân bị tật một chân, ông nghĩ nếu trồng dừa sẽ đỡ công chăm sóc và phù hợp với sức mình. Nghĩ rồi làm, ông mua 50 trái dừa giống Mã Lai về trồng. Chỉ sau 3 năm, dừa bắt đầu cho trái. “Những buồng đầu tiên trái nằm sát đất, trông rất đẹp mắt. Thấy hiệu quả, tôi bắt đầu để giống rồi nhân rộng trồng ra 2 công đất. Nhờ dừa mau cho trái, bán có giá nên gia đình có thu nhập hằng ngày để lo cho các con ăn học. Giờ tụi nó đã có công ăn việc làm, nơi ở ổn định”, ông Tưởng phấn khởi nói.
Năm 2015 , mỗi tháng ông Tưởng bán được 800 – 900 trái dừa tươi (giá 70.000 đồng/chục) và hơn 3.000 trái dừa giống (35.000 đồng/trái), thu nhập khoảng 160 triệu đồng, chưa kể tiền dừa bỏ mối hằng ngày cho các quán giải khát ở địa phương. Ông Tưởng cho biết hiện nay vườn dừa của ông có đến 500 cây đang cho trái, trong đó có 250 cây được 10 năm tuổi. Những cây dừa từ 5 năm tuổi trở lên mỗi quầy cho từ 40 – 50 trái, thậm chí 60 trái… Ước tính sản lượng dừa thu hoạch năm nay sẽ tăng gấp đôi năm trước. Ngoài ra, đến nay đã có nhiều người đặt cọc mua 2.000 trái dừa giống, dự báo đến cuối năm sẽ tăng gấp đôi bởi loại dừa này đang hút hàng.
Nhân rộng mô hình
Theo ông Tưởng, ưu điểm của giống dừa Mã Lai là không bị đuông ăn, vỏ mỏng, gáo bự, nước ngọt thơm, thân nhỏ nên có thể trồng diện tích hẹp. Đặc biệt, khi ươm giống thì có nhiều trái ra tới 2 – 3 đọt. Nói về bí quyết trồng dừa thành công, ông Tưởng cho rằng trồng cây gì cũng phải biết chăm sóc đúng cách thì mới mang lại hiệu quả cao. Với cây dừa phải bón phân hằng tháng, đảm bảo đúng cách, đúng kỹ thuật. Có 2 cách bón phân. Cách thứ nhất là xới đất xung quanh gốc dừa, bón phân xong lấy bùn dưới mương ốp một lớp mỏng lên vừa tránh bị trôi phân vừa tạo độ ẩm giúp phân hòa tan nhanh và đều. Cách thứ hai là đào khoảng 4 – 5 lỗ nhỏ ở xung quanh gốc dừa rồi cho phân vào lỗ tưới nước. Từ đây, chất dinh dưỡng sẽ thấm qua nền đất vòng quanh gốc mà không bị lãng phí hạt phân nào ra ngoài môi trường.
Đối với giống dừa Mã Lai, khâu chăm sóc có một số khác biệt so với các loại dừa khác. Khi cây có trái “chiến” (đợt trái đầu tiên) đến 5 – 7 năm sau, phải dùng tre chống đỡ các buồng dừa để tránh tình trạng buồng bị gãy giữa chừng. Bên cạnh đó, để giúp buồng dừa bám chặt vào thân cây thì không nên làm vệ sinh đọt dừa bởi các yếm dừa sẽ giữ buồng chắc chắn hơn. Những kinh nghiệm và kỹ thuật trồng dừa được ông Tưởng nhiệt tình hướng dẫn cho các nhà vườn ở địa phương. “Nhờ ông Tám (ông Tưởng) vừa bán giống vừa hỗ trợ kỹ thuật mà mấy năm gần đây vườn dừa hàng trăm cây của tôi tươi tốt, nhiều cây đã cho trái. Ông Tám cũng rất nhiệt tình giới thiệu nơi tiêu thụ đầu ra cho trái dừa Mã Lai này nên bà con ở đây ai cũng thấy phấn khởi”, ông Nguyễn Văn Nhỏ (cùng địa phương), chia sẻ.
Ông Trần Hoàng Tín, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chánh An, cho biết hiện nay dừa Mã Lai cho thu nhập cao nhưng cung không đủ cầu. Ông Tưởng đã chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giống cho hơn 30 hộ ở địa phương trồng theo và đều đạt kết quả khả quan. “3 tháng trước, mặn xâm nhập làm nhiều vườn cây ăn trái ở đây chết trơ trọi, riêng vườn dừa của ông Tưởng không bị ảnh hưởng gì. Đây là một trong những mô hình chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi hiệu quả, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu nên rất cần được nhân rộng”, ông Tín nói.

 

Thanh Đức