03/11/2024

Viễn cảnh ADIZ ở Biển Đông

Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc lập ADIZ chỉ còn là vấn đề thời gian, nhưng một số bên vẫn có những biện pháp đối phó khiến Bắc Kinh e ngại.

 

Viễn cảnh ADIZ ở Biển Đông

Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc lập ADIZ chỉ còn là vấn đề thời gian, nhưng một số bên vẫn có những biện pháp đối phó khiến Bắc Kinh e ngại.




Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc trong một lần xuất hiện phi pháp trên đảo Phú Lâm  /// 81.CN

 

Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc trong một lần xuất hiện phi pháp trên đảo Phú Lâm81.CN


Cách đây 3 ngày, khi được hỏi liệu Trung Quốc có tiến hành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này là ông Hồng Lỗi trả lời rằng có nhiều yếu tố cần được xem xét, đặc biệt là mối đe doạ Bắc Kinh đối mặt từ trên không, theo Reuters.
Sự ngụy biện này khó được giới quan sát chấp nhận vì khi đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013, Trung Quốc không hề đối mặt đe doạ an ninh trên không trong khu vực, theo tạp chí Philadelphia Trumpet.
Chờ quyết định cuối cùng
Giới quan sát cho rằng việc Bắc Kinh tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian sau khi một nguồn tin tiết lộ với tờ South China Morning Post hồi tuần trước rằng quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị lập vùng này và việc công bố tuỳ thuộc vào tình hình an ninh khu vực.
Tuy nhiên, tờ Asahi Shimbun mới đây dẫn một số nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho hay kế hoạch lập ADIZ nói trên vẫn còn trong giai đoạn dự thảo. Điều này có nghĩa là nhiều chi tiết, như phạm vi và thời điểm thiết lập sẽ phải được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua sau khi đánh giá kỹ lưỡng khả năng phản ứng của Mỹ, các nước thành viên ASEAN và năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc quản lý ADIZ nói trên.
Kế hoạch này chủ yếu được soạn bởi Trường Chỉ huy không quân ở Bắc Kinh, đơn vị từng chịu trách nhiệm vạch kế hoạch lập ADIZ ở biển Hoa Đông, và đã được trình lên cấp lãnh đạo. Theo nguồn tin nói trên, Bắc Kinh muốn lập các ADIZ từ những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và từ đảo Hải Nam. Do đó, các ADIZ mới sẽ bao phủ phần lớn khu vực nằm trong “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc ngụy xưng ở Biển Đông, theo Asahi Shimbun.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc được đánh giá là chưa sở hữu đủ năng lực để giám sát một ADIZ tiềm tàng ở Trường Sa. Điều này có nghĩa Bắc Kinh có nguy cơ bị mất mặt nếu một máy bay quân sự đi vào ADIZ nhưng quân đội Trung Quốc không thể ứng phó một cách đầy đủ, theo Asahi Shimbun.

Viễn cảnh ADIZ ở Biển Đông - ảnh 1

Ngoài ra, những căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng thuộc ASEAN chắc chắn sẽ leo thang nếu ADIZ do Bắc Kinh lập xâm lấn ADIZ của các nước khác trong khu vực. Tình trạng này đã xuất hiện khi Bắc Kinh lập ADIZ trên biển Hoa Đông chồng lấn với ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản cách đây gần 3 năm, châm ngòi cho những phản đối mang tính quốc tế.
Hậu quả có thể sẽ còn tồi tệ hơn nếu Bắc Kinh lập ADIZ trên Biển Đông vì đây là tuyến hàng hải nhộn nhịp hơn biển Hoa Đông, được nhiều tàu bè và máy bay thương mại từ các nước khác nhau sử dụng. Điều này có nghĩa động thái lập ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm gia tăng các nguy cơ về an ninh và làm tổn hại nền kinh tế khu vực.
Để ứng phó những quan ngại như trên, nhiều nguồn tin cho rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu bằng việc lập ADIZ xoay quanh những địa điểm như Hoàng Sa rồi mới dần dần mở rộng đến toàn bộ khu vực trong “đường lưỡi bò”.
“Những yếu tố như trình độ giám sát của các lực lượng vũ trang và sự đánh giá liệu việc lập ADIZ có lợi cho các quan hệ quốc tế hay không sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định cuối cùng”, một cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc nhận định với Asahi Shimbun.
Đối phó
Trong bối cảnh đó, cách phản ứng khả dĩ của các bên liên quan trước động thái khiêu khích tiềm tàng nói trên của Trung Quốc hiện là chủ đề thu hút sự chú ý của giới quan sát.
Trong bài bình luận mới đây trên chuyên san The National Interest, Giáo sư Alexander L.Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng do không phải là một bên tranh chấp nên Mỹ không có nhiều lựa chọn một khi Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông. Theo đó, tương tự cách phản đối Bắc Kinh lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Washington có thể điều oanh tạc cơ, chiến đấu cơ đến khu vực nhằm thể hiện thái độ bác bỏ động thái của Bắc Kinh. Washington cũng có thể điều thêm khí tài tới khu vực, tăng tần suất tuần tra và triển khai tàu, máy bay tới gần những bãi đá Trung Quốc chiếm đóng.
Viễn cảnh ADIZ ở Biển Đông - ảnh 2

Tàu sân bay USS John C. Stennis của MỹREUTERS

Tuy nhiên, ông Vuving cho rằng dù Mỹ có tăng cường sự hiện diện quân sự gấp 3 lần mức hiện tại là 700 chuyến hoạt động của tàu hải quân/năm, điều đó vẫn sẽ không đối chọi được với hàng trăm tàu vũ trang Trung Quốc hiện diện thường trực ở khu vực.
Còn đối với những bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp, ông Vuving cho rằng Philippines không còn nhiều lựa chọn sau khi đã dùng lá bài lớn là kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông lên Toà trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh quyết áp đặt ADIZ trên Biển Đông, Manila và Washington có thể nâng cấp Thoả thuận hợp tác quốc phòng nâng cao và bổ sung thêm 3 căn cứ hải quân vào danh sách những địa điểm ở Philippines mà quân đội Mỹ có thể đóng trú luân phiên.
Ông Vuving cho rằng Việt Nam có vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng là những vị trí tốt nhất để vô hiệu hoá những ảnh hưởng từ các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, Malaysia, Philippines và Việt Nam có thể công bố ADIZ của chính mình để đáp lại ADIZ do Trung Quốc lập. Theo ông Vuving, cách này khả thi hơn so với biện pháp cho Mỹ tiếp cận sâu các căn cứ và kiện Trung Quốc ra tòa.
Tiêm kích Trung Quốc chặn máy bay Mỹ ở Hoa Đông
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ hôm qua 8.6 loan báo một chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đã thực hiện hành động ngăn chặn “không an toàn” đối với một máy bay trinh sát Mỹ RC-135 đang tuần tra trong không phận quốc tế trên biển Hoa Đông ngày 7.6.
Thông cáo từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương không nói rõ J-10 bay gần RC-135 đến mức nào, nhưng khẳng định Bộ Quốc phòng Mỹ “đang xử lý vấn đề này với Trung Quốc qua những kênh ngoại giao và quân sự phù hợp”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố đã lưu ý về thông tin trên, đồng thời khẳng định phi công nước này luôn thực hiện những hoạt động “phù hợp với luật, chuyên nghiệp và có trách nhiệm”, theo Reuters.
Cách đây gần một tháng, Lầu Năm Góc loan báo hai chiến đấu cơ Trung Quốc J-11 bay cách máy bay trinh sát Mỹ EP-3 trên Biển Đông chỉ 15 m và khẳng định hành động đó đã vi phạm thoả thuận tránh đối đầu trên không mà hai bên ký hồi năm ngoái.

 

Văn Khoa