28/12/2024

Nuôi cá tra theo công nghệ Đan Mạch

Người nuôi cá tra có thể tăng năng suất, lợi nhuận song song với giảm ô nhiễm môi trường và mở rộng quy mô nuôi.

 

Nuôi cá tra theo công nghệ Đan Mạch

Người nuôi cá tra có thể tăng năng suất, lợi nhuận song song với giảm ô nhiễm môi trường và mở rộng quy mô nuôi.




Ao nuôi cá tra ứng dụng công nghệ sục khí ô xy	 /// Tú Uyên

 

Ao nuôi cá tra ứng dụng công nghệ sục khí ô xyTÚ UYÊN


Đây là kết quả khả quan của dự án “Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại VN”, vừa được công bố ở Cần Thơ. Dự án do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ; Hiệp hội Thuỷ sản VN (VASEP) là chủ đầu tư; Khoa Thuỷ sản (Trường ĐH Cần Thơ) thực hiện. Mục tiêu của dự án là cải thiện môi trường nước trong ao nuôi cá tra bằng cách lắp đặt những công nghệ nuôi trồng tiên tiến, giảm thức ăn, tăng sản lượng nuôi trên một đơn vị diện tích và giảm gánh nặng về ô nhiễm môi trường.
Khép kín trong ao xi măng
Dự án được nuôi thí điểm ở 2 môi trường khác nhau là trong bể xi măng (từ tháng 1.2016) và ở ao nuôi thông thường bên ngoài (từ tháng 6.2015). Cả 2 mô hình đều được kiểm soát một cách kỹ lưỡng để có sự so sánh đối chứng với những ao nuôi truyền thống.
Sự khác biệt cơ bản với nuôi thông thường là mô hình nuôi cá tra của dự án áp dụng công nghệ sục khí ô xy trong ao. Đặc biệt, mô hình nuôi ở Khoa Thuỷ sản (Trường ĐH Cần Thơ) đã thí điểm thành công nuôi cá tra thương phẩm trong bể xi măng theo công nghệ nuôi tuần hoàn nước. Bể nuôi xi măng rộng hơn 300 m2 được lắp đặt hệ thống sục khí ô xy, hệ thống lọc sinh học, tuần hoàn nước, thu gom chất thải tự động… Theo TS Phạm Thanh Liêm, Trường ĐH Cần Thơ, sục khí làm tăng ô xy hoá tan trong nước giúp cá tra có môi trường sống lý tưởng hơn. “Tập tính của cá tra là phải ngoi lên mặt nước lấy ô xy nên khi ao có sục khí, ô xy hoà tan nhiều hơn giúp cá sẽ hạn chế vận động, năng lượng sẽ dành để tăng trưởng. Cùng với đó, khả năng chuyển hoá thức ăn cũng tốt hơn, qua đó giảm chi phí thức ăn – vốn chiếm tới 75 – 80% giá thành”, TS Liêm nói.
Điểm tối ưu khác là nước trong ao nuôi tuần hoàn được lọc liên tục, không phải thay nước nên hạn chế ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài, đồng thời không nhất thiết phải nuôi cá tra gần sông.
Phân cá thải ra được lắng và thu gom có thể dùng cho trồng trọt, làm biogas…
Mô hình thí điểm còn lại là 4 ao nuôi (mỗi ao rộng 3.000 m2) ứng dụng công nghệ sục khí, lắng sinh học thí điểm tại vùng nuôi của Công ty TNHH Thuận Hưng (THUFICO). Tháng 2.2016, vụ thu hoạch đầu tiên đã cho kết quả rất khả quan khi so sánh với những ao đối chứng nuôi thông thường. “Trong cùng mật độ nuôi, sản lượng trong ao có ứng dụng công nghệ sục khí tăng 18,7 – 29,3% so với ao nuôi truyền thống. Điều tích cực là chất lượng phi lê tăng trong khi chi phí sử dụng thuốc, hoá chất giảm đáng kể”, TS Liêm cho biết thêm.
Nuôi cá tra theo công nghệ Đan Mạch

Nuôi cá tra trong bể xi măng công nghệ tuần hoàn nước tại Trường ĐH Cần Thơ

Khả năng ứng dụng cao
Phân tích về khả năng ứng dụng các mô hình thí điểm trong dự án, GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng công nghệ sục khí ô xy, tuần hoàn nước thực chất là để tạo điều kiện sinh trưởng của con cá tốt nhất, qua đó giúp cá lớn nhanh hơn, ăn ít, môi trường nuôi được kiểm soát tốt, không phải sử dụng kháng sinh, cá sạch hơn, ngon hơn, thịt trắng hơn… Tuy nhiên, hạn chế của mô hình là chi phí đầu tư cao, điện năng tiêu thụ nhiều. “Khi các vùng nuôi lấy nước sông thoải mái, không phải trả phí môi trường để làm lời thì các mô hình nuôi truyền thống còn phổ biến. Tuy nhiên, trong tương lai, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, những yêu cầu về môi trường cao hơn, nguồn nước hạn chế thì việc nuôi cá tra nói riêng và thủy sản nói chung áp dụng công nghệ tuần hoàn nước, không phải thay nước sẽ là cứu tinh”, ông Phương nhìn nhận. Bên cạnh đó, ông Phương cho rằng mô hình sục khí, công nghệ tuần hoàn nước sẽ tối ưu nhất để ươm cá giống chất lượng cao thay vì nuôi thương phẩm. “Người dân thường thả cá giống trọng lượng 30 gr, tỷ lệ sống sót từ 60 – 70%. Nếu áp dụng mô hình tuần hoàn nước cho trang trại có thể nâng trọng lượng giống trước khi thả xuống ao lên khoảng 150 gr, chắc chắn tỷ lệ sống sẽ cao hơn và thời gian thu hoạch cũng rút ngắn”, ông Phương nói.
Riêng về mô hình ứng dụng sục khí, lọc sinh học ở các ao nuôi thông thường, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, cho rằng khi ứng dụng công nghệ thường sẽ kéo theo chi phí đầu vào tăng. Đây là trở ngại trong ứng dụng khi mà giá thành sản phẩm cá tra hiện khá cao. “Giá bán cá tra phải tương ứng với chất lượng sản phẩm thì những mô hình nuôi theo công nghệ như trên mới có thể ứng dụng rộng rãi. Nhưng ngược lại, muốn có giá bán cao, trước hết cần phải có sản phẩm chất lượng. Vì vậy, thành công ở mức độ nào còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có mạnh dạn để thay đổi sản xuất, ứng dụng để tạo ra sản phẩm chất lượng hơn”, ông Hoè phân tích.
Đánh giá về kết quả từ 2 mô hình trong dự án trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: “Dự án có ý nghĩa rất thiết thực đối với lĩnh vực nuôi cá tra. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu về môi trường ngày càng quan trọng. Con cá tra lại là sản phẩm chiến lược quốc gia có lợi thế cạnh tranh cao của VN”.
Theo kết quả nuôi thí điểm ở Công ty Thuận Hưng, gồm 3 ao ứng dụng công nghệ và 1 ao theo cách truyền thống làm đối chứng, mật độ thả giống 100 – 120 con/m2. Kết quả, trong ao có thiết bị công nghệ tỷ lệ cá giống sống và tăng trưởng hằng ngày, sản lượng đều cao hơn trong khi lượng thuốc và hoá chất sử dụng ít hơn ao đối chứng. Tuy chi phí tiền điện cao hơn ao đối chứng nhưng tổng chi phí giá thành (gồm cả giống, thức ăn, thuốc…) cá trong ao nuôi có thiết bị là 22.083 – 22.826 đồng/kg, thấp hơn so với ao đối chứng 23.254 đồng/kg.
Riêng bể xi măng nuôi cá tra 320 m2 ở Khoa Thuỷ sản Trường ĐH Cần Thơ có tổng chi phí đầu tư lên đến khoảng 1,2 tỉ đồng (bao gồm cả bể nuôi, hệ thống sục ô xy, lọc sinh học…). Nước trong ao nuôi được sử dụng tuần hoàn, lắng chất thải, lọc sinh học. Điểm ưu việt của mô hình này là cá nuôi lớn nhanh hơn, không sử dụng kháng sinh.

 

Đình Tuyển