Nước giải khát rơi vào tay doanh nghiệp ngoại: Không khai thác lợi thế nguyên liệu
Không chỉ bị thua thiệt tại các dòng sản phẩm nước giải khát có ga, ngay sản phẩm sử dụng nguyên liệu trong nước sẵn có như trái cây, hàng Việt cũng đang nhường sân chơi này cho hàng ngoại.
Nước giải khát rơi vào tay doanh nghiệp ngoại: Không khai thác lợi thế nguyên liệu
Không chỉ bị thua thiệt tại các dòng sản phẩm nước giải khát có ga, ngay sản phẩm sử dụng nguyên liệu trong nước sẵn có như trái cây, hàng Việt cũng đang nhường sân chơi này cho hàng ngoại.
Tại siêu thị Metro (Q.2, TP.HCM), chiều cuối tuần, cô Phan Thanh Hương, giáo viên tiếng Anh tại trường quốc tế đóng trên địa bàn quận, cho biết nước ép trái cây tiện dụng nếu chúng ta không có thời gian hoặc chỉ đơn giản là làm biếng gọt trái cây vẫn có thể bổ sung vitamin cần thiết. “Trước đây, tôi hay mua nước ép táo, nho, cam, kiwi của Berri (Úc), nhưng nay thấy siêu thị bán nhiều nước đóng lon của Thái, hàng còn nguyên thịt xoài, nho, cam lẫn trong nước… uống có vị ngọt thanh tự nhiên rất thích”, cô Hương nói.
|
Tại các siêu thị, một lít nước ép trái cây của Berri giá khoảng 43.000 đồng, lốc 6 lon nước ép xoài hiệu Chabaa của Thái Lan giá từ 60.000 đồng, tính trung bình, 10.000 đồng/lon nước ép xoài dung tích 230 ml. So với giá nước ép của các mặt hàng cùng loại ở trong nước, giá nước ép trái cây nhập tại các siêu thị cao hơn sản phẩm trong nước nhưng “chấp nhận được”. Theo cô Hương, khi đã chọn sản phẩm liên quan thức uống, giá cả chưa phải là yếu tố quyết định. “Hộp nước ép đào, táo, cam của một doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất có giá từ 33.000 – 38.000 đồng/lít. Trong khi hàng nhập của Úc, Thái có vị ngon thơm và thật hơn nhiều, giá chỉ cao hơn 15 – 20%, thường người mua sẽ chọn hàng ngoại nhập. Vì nước ép trái cây Việt làm không ngon, mất vị tự nhiên và thường ngọt gắt rất khó uống”, cô Hương chia sẻ.
Lười thay đổi
Thực tế, một số DN trong nước cũng đã đầu tư làm nước ép trái cây đựng trong hộp giấy và đóng lon, mức đầu tư không thua kém DN ngoại. Tuy nhiên, theo nhận xét của đa số người tiêu dùng, vị nước ép trái cây Việt chưa “thật” bằng nước ép trái cây ngoại. Đại diện Công ty Bidrico của VN cũng thừa nhận công ty có 5 sản phẩm nước ép trái cây nhưng đó là những sản phẩm đầu tư làm để đón xu hướng thị trường chứ hiện chưa là dòng sản phẩm mạnh.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần nhận xét ngành giải khát trong nước “lười thay đổi” và chậm so với xu hướng thị trường. “Nước ép cam mà chỉ có vị cam công nghiệp, không thấy tép cam nào lẫn trong nước thì người tiêu dùng thường nghĩ sản phẩm sử dụng hương liệu. Riêng yếu tố này, Thái Lan hơn hẳn chúng ta. Chabaa là thương hiệu không lớn ở Thái Lan, nhưng họ làm được nhiều sản phẩm tốt, ngon mà chưa thấy DN lớn nào trong nước làm được”, ông Robert Trần nói và tiếc hùi hụi vì VN là quốc gia giàu có nguồn nguyên liệu trái cây nhiệt đới không thua kém Thái Lan, nhưng công nghệ chế biến của chúng ta đang đi sau họ cả mấy chục năm.
“Trái cây trong nước đến mùa thường rơi vào tình trạng không có người mua, bị bán đổ bán tháo, hoặc hái bỏ hoặc may mắn hơn là trông chờ vào các cuộc giải cứu. Song thực tế, bài toán dễ nhất và hiệu quả nhất là đầu tư vào công nghệ chế biến dường như không thấy ai làm đến nơi đến chốn. Chúng ta thích làm cái dễ, thích sử dụng hương liệu hơn là dùng công nghệ để bảo quản, “ép” những nguyên liệu thật đó thành sản phẩm tốt để tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa. Sản phẩm của mình còn “lười” thay đổi lắm”, ông Robert Trần nói.
TIN LIÊN QUAN
Nước giải khát rơi vào tay doanh nghiệp ngoại
Chỉ tính riêng nước giải khát không cồn, doanh số năm 2014 lên tới gần 4 tỉ USD. Với tốc độ tăng bình quân hơn 10%/năm, cuộc chiến giành thị phần trên thị trường nước giải khát nội đang diễn ra quyết liệt nhưng phần thắng đã nghiêng hẳn về các doanh nghiệp ngoại.
Không bắt kịp xu hướng
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho rằng lịch sử của sản phẩm nước uống đóng chai do chính các nhà kinh doanh nước ngoài viết bởi đó là sản phẩm được khai sinh từ xứ sở của họ. Nhưng cơ hội ở thị trường nội địa vẫn rất lớn, nhất là mấy năm trước khi cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Các DN trong nước có nhiều cơ hội để tạo ra chỗ đứng cho mình hơn. Với tình hình hiện nay, nhất là trong xu thế mở rộng thị trường hoàn toàn, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. DN nếu không nỗ lực để tiến thì sẽ thụt lùi và có nguy cơ bị xóa sổ.
Giải pháp được cả ông Đoàn Đình Hoàng và ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, đưa ra cho DN nội là tìm sự khác biệt và thị trường ngách mà đi. “Bản thân các DN trong nước vốn có quy mô nhỏ, thương hiệu ít nổi tiếng hơn thì nên tìm hướng đi khác biệt, tìm đến thị trường ngách cùng với các sản phẩm riêng. Ví dụ sản xuất ra các loại nước uống có nguồn nguyên liệu đặc thù của VN hay đưa ra sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình, giới học sinh, sinh viên… Quan trọng nhất là phải đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm mới đứng vững được”, ông Lê Phụng Hào chia sẻ.
Không chỉ nước ép trái cây, trao đổi với chúng tôi tại buổi giới thiệu “Hương vị New Zealand”, đại diện nhà xuất khẩu các loại trái cây từ New Zealand vào VN cho biết, nước ép trái cây trong thị trường đồ uống đã ổn định, ngành nước giải khát của New Zealand cũng như các nước phát triển đang đẩy mạnh các loại nước uống ép từ các loại rau, trong đó, rất nhiều loại rau có công dụng chữa bệnh. Bình luận điều này, ông Robert Trần cảnh báo: “VN càng mở cửa, các dòng nước giải khát theo hướng tốt cho sức khoẻ chắc chắn càng đổ vào thị trường trong nước mạnh, người tiêu dùng cũng đang theo xu hướng dùng sản phẩm này. DN nếu cứ chủ quan và bằng lòng với các sản phẩm thức uống truyền thống, sử dụng nhiều hương liệu sẽ bị giảm dần thị phần và tiến đến mất hẳn”.
Nguyên Nga – Mai Phương