03/11/2024

Người Sài Gòn lên núi trồng rau

Nhiều người Sài Gòn đang đầu tư hàng triệu đôla lên vùng núi cao ở Măng Đen (huyện Kon Plong, Kon Tum) với tham vọng biến vùng đất lạnh lẽo này thành trung tâm xuất khẩu rau sạch cạnh tranh với thủ phủ rau xanh Đà Lạt.

 

Người Sài Gòn lên núi trồng rau

 

 Nhiều người Sài Gòn đang đầu tư hàng triệu đôla lên vùng núi cao ở Măng Đen (huyện Kon Plong, Kon Tum) với tham vọng biến vùng đất lạnh lẽo này thành trung tâm xuất khẩu rau sạch cạnh tranh với thủ phủ rau xanh Đà Lạt.

 

 

 

 

Người Sài Gòn lên núi trồng rau
Ông Lê Văn Phước theo dõi tiến độ làm nhà kính trồng rau củ quả của mình tại Măng Đen – Ảnh: V.Hùng

 

 

Măng Đen không khí mát dịu quanh năm không những thu hút nhà đầu tư ở Sài Gòn mà còn kéo cả những doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp đến chỉ để… trồng rau.

Vấn đề ở đây là thương hiệu, niềm tin và các tiêu chuẩn quốc tế mà ta chưa làm được
Ông LÊ VĂN PHƯỚC

Bỏ phố lên rừng

Nằm cách TP Kon Tum gần 50km, độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, huyện Kon Plong được ví như một Đà Lạt thứ hai của Việt Nam bởi thời tiết quanh năm mát lạnh.

Nhiều năm trước chính quyền tỉnh Kon Tum từng có một dự án ưu đãi tối đa về tiền thuê đất cho nhà đầu tư với mong ước biến vùng đất này thành thiên đường nghỉ dưỡng của miền Trung – Tây nguyên, kết quả hơn 200 biệt thự ra đời, nhưng mọi thứ đều “chết yểu”, nhiều khu biệt thự bị bỏ hoang vì sản phẩm du lịch nơi này quá đơn điệu nên ít du khách tìm đến.

Gần một năm trở lại đây, nhiều dự án rau sạch bắt đầu khởi động trên vùng đất này, nhiều kỳ vọng cho sự đổi thay đã bắt đầu nhen nhóm.

Giữa nắng trưa nhưng nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 20 độ C, từng tốp công nhân của Công ty TNHH Kon Plong Agri-Tourism đang điều khiển máy ủi, máy đào san lấp một ngọn đồi để cải tạo mặt bằng.

Bên dưới là hàng chục công nhân khác đang lắp thiết bị cho những căn nhà kính vừa được dựng lên trên diện tích rộng khoảng 1ha thuộc thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plong.

Ông Lê Văn Phước, giám đốc Công ty TNHH Kon Plong Agri-Tourism, cho biết đây chỉ là bước đầu của dự án trồng rau sạch theo công nghệ Úc mà ông đang triển khai.

Đang là giám đốc một công ty ăn nên làm ra tại TP.HCM chuyên sản xuất trụ đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, đột ngột ông Phước đổi ý và chuyển hẳn lên 
rừng núi này làm nông.

Việc làm nông đến với ông Phước khá bất ngờ. Trong một lần sang Úc thăm con du học, bỗng dưng ông muốn chọn nghiệp làm nông vì: “Bạn cũ của tôi người Việt, lớn lên ở Úc và làm nông, những trang trại của họ rộng 80-100ha tính hàng trăm triệu USD trồng rau sạch xuất khẩu khắp thế giới. Thấy vậy, tôi quyết định chuyển hướng đầu tư với sự hợp tác của đối tác và chuyên gia đến từ Úc”.

Ông Phước cho biết để được đối tác là Công ty Four Way (Úc) chọn hợp tác trồng rau tại Việt Nam, ông phải trải qua rất nhiều công đoạn và tiêu chuẩn khắt khe. Trước tiên là diện tích trồng rau cho dự án tối thiểu để có thể triển khai là 80ha, với khoản đầu tư cho 1ha nhà kính ít nhất là 7 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên đến 7,5 triệu USD, mỗi bên đối tác chịu một nửa.

“Bước đầu tôi phải bỏ ra 1,5 triệu USD. Nhiều lúc suy nghĩ thấy mình rất mạo hiểm nhưng làm nông là công việc đầy đam mê” – ông Phước nói.

Để có được những nhà kính mà bên trong sẽ là hệ thống tưới nước và bón phân hoàn toàn tự động, rồi hệ thống kho lạnh và dây chuyền đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn Úc, các chuyên gia của Four Way phải nhiều lần sang Kon Plong để nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu.

Ông Phước cho biết bước đầu triển khai dự án, ông sẽ trồng dưa leo và ớt chuông nhiều màu, củ quả theo tiêu chuẩn Úc và bán hàng theo hệ thống có sẵn của họ.

Ông nói: “Tôi đi nhiều siêu thị ở các nước, thấy rau củ quả Việt Nam cũng có mặt, dù giá rẻ nhưng chúng bị chất đống vào một góc. Trong khi rau củ quả các nước khác giá đắt hơn nhưng khách hàng vẫn tìm mua. Vấn đề ở đây là thương hiệu, niềm tin và các tiêu chuẩn quốc tế mà ta chưa làm được”.

Ông Phước cho rằng việc trồng rau của ông ở đây không đơn độc và một khi trang trại của ông đã hình thành thì những hộ nông dân lân cận cũng sẽ được thụ hưởng.

Hiện có 37 hộ dân ở thôn Kon Tu Rằng được chính quyền bố trí tái định cư ở khu vực giáp ranh với trang trại ông Phước. Những hộ dân này đều làm nghề trồng rau sạch và bán cho cộng đồng người Nhật đang sinh sống tại Việt Nam.

“Khi dự án của tôi hoàn thành, những hộ dân này hoàn toàn có thể trồng rau quả theo tiêu chuẩn của mình kiểm soát để cùng nhau xuất khẩu. Các chuyên gia của Four Way sẽ qua đây 6 tháng một lần để kiểm tra. Thậm chí họ có thể ngồi một chỗ để bón phân, tưới nước cho cây và nắm tình hình…” – ông Phước chia sẻ.

Người Sài Gòn lên núi trồng rau
Bà Thiện Mỹ (Q.2, TP.HCM) trong trang trại nhà lưới hơn 2.000m2 trồng dâu tây Nhật Bản ở Măng Đen – Ảnh: V.Hùng

Quận 2 trên Măng Đen

Cách trang trại ông Phước chừng 1km về phía đông, một xóm nhỏ với hơn 12 trang trại được người dân địa phương đặt tên là xóm “Quận 2”, bởi có hàng chục hộ dân từ quận 2, TP.HCM lên đây trồng rau củ quả.

Đẩy cánh cửa khép hờ, bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ (58 tuổi, quận 2, TP.HCM) đón chúng tôi bằng nụ cười của người nông dân Nam bộ rạng rỡ. Bà Mỹ bảo 6 năm trước bà lên Măng Đen cùng với bạn bè thăm chơi rồi yêu quý quang cảnh núi rừng nơi đây và quyết định ở lại lập nghiệp.

Bà lên và chòm xóm cũng lên theo rồi họ cùng trồng rau sạch và bán về Sài Gòn… Bây giờ, trang trại rộng gần 20ha của bà Mỹ với 85% diện tích đất đã ken kín các loài cây xứ lạnh đang mùa đơm hoa trái gồm: khoai Lệ Cần, dâu tây Nhật Bản, bơ sáp, cà chua 
bi, bắp cải, hoa phong lan…

Dẫn chúng tôi ra vườn dâu tây Nhật Bản xanh mượt, những trái dâu mọng nước, đỏ tươi chờ thu hoạch, bà Mỹ hồ hởi: “Dâu tây Nhật này đến mùa thu hoạch tôi đóng gói gửi về bán ở TP.HCM, giá 250.000 đồng/kg nhưng không có hàng để bán. Những loại rau củ quả còn lại chủ yếu cung cấp cho dân địa phương là hết sạch”.

Bà Mỹ tính toán sẽ mở rộng diện tích trồng rau, quả và nhắm đến thị trường miền Trung từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, TP Đà Nẵng… bởi khoảng cách từ Kon Plong đến các thành phố này chỉ bằng 1/3 quãng đường so với rau quả chuyển về từ Đà Lạt.

Trong khi đó đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở Kon Plong không khác nào Đà Lạt, thậm chí đất đai còn màu mỡ hơn vì chưa bị khai phá, bào mòn.

Bà Mỹ chỉ tay một vòng quanh các đồi đất đỏ nhấp nhô giờ đã phủ lên màu xanh của rau, cây củ quả của những cư dân đến từ quận 2 như bà Hoà, ông Thành, 
chị Hạnh, bà Huệ…

Chúng tôi ghé thăm Lâm Vũ (23 tuổi, quê Hậu Giang), chàng kỹ sư thiết kế phần mềm tại TP.HCM quyết định đến với nghề nông trên vùng đất mới này bằng cách trồng khoai tây.

Dựng căn nhà trên một đồi thông vi vút gió, hoa mười giờ tràn ngập lối vào, qua 3 năm trang trại của Vũ đã dần hình thành và bắt đầu cho thu hoạch.

Vũ khoe với chúng tôi trang trại rộng gần 4ha vừa bội thu khoai tây và được Công ty TNHH Nico Nico Yasai (Nhật Bản) ký hợp đồng cho mùa vụ kế tiếp. Một hệ thống tưới nước tự động cho 1ha với giá 30 triệu đồng vừa được Vũ đầu tư, kỳ vọng sẽ đảm bảo đủ nước tưới cho mùa khô.

“Người Nhật rất khó tính trong việc sử dụng thực phẩm, tất cả cây trái mình trồng bán cho họ đều phải sạch và tuyệt nhiên không dùng phân bón, hoá chất. Đất ở đây thiếu chất kali nên tôi phải dùng củi đốt thành tro, than bón vào. Tôi hi vọng mùa sau chất đất ở đây sẽ ổn” – Vũ nói với khuôn mặt sáng bừng hi vọng.

Kêu gọi đầu tư vùng chuyên canh rau

Ông Đỗ Văn Khánh, cán bộ Phòng tài nguyên và môi trường huyện Kon Plong, hồ hởi khoe: “Sau khi mượn đất của người dân trồng thí điểm bí đỏ thành công, một doanh nghiệp Nhật Bản đã chính thức đầu tư trồng 30ha bí đỏ ở Măng Đen và 100% sản phẩm được xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp Nhật khác cũng đã đầu tư từ 30-35ha để trồng rau củ quả.

Công ty TNHH Kon Tum Belllest của Hàn Quốc cũng đang đầu tư 100ha trồng rau xuất khẩu. Một doanh nghiệp của Pháp cũng chọn 5ha làm thí điểm. Mọi việc đang triển khai rất nhanh từ đầu năm 2016 
đến nay”.

Ông Nguyễn Đức Tuy, phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết tỉnh đã quyết định quy hoạch 1.392ha đất ở Kon Plong để thành lập những vùng chuyên canh “rau hoa xứ lạnh” cùng nhiều cơ chế ưu đãi kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, một dự án trồng rau công nghệ cao của Sở Khoa học và công nghệ Kon Tum rộng hơn 170ha cũng được hình thành. Trong tương lai gần, Kon Plong sẽ là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và là mũi nhọn chính của kinh tế địa phương.

“Mọi thứ đều bắt đầu từ những hộ dân nhỏ lẻ đến từ TP.HCM. Họ rất năng động và đã tạo ra cầu nối quan trọng cho việc thúc đẩy chuyên canh nông nghiệp của vùng” – ông Tuy nói.

TẤN VŨ – VIỆT HÙNG