28/12/2024

Người đi dựng chòi trồng cỏ

Một chàng trai dáng vẻ thư sinh tìm đến cánh đồng hoang hóa ở ngoại ô Sài Gòn dựng căn chòi lá. Người dân tò mò hỏi sao lại dựng chòi chăn vịt giữa đồng khô, Võ Thành Ngân, đáp: “Cháu dựng chòi để trồng cỏ”.

 

Người đi dựng chòi trồng cỏ

 

Một chàng trai dáng vẻ thư sinh tìm đến cánh đồng hoang hóa ở ngoại ô Sài Gòn dựng căn chòi lá. Người dân tò mò hỏi sao lại dựng chòi chăn vịt giữa đồng khô, Võ Thành Ngân, đáp: “Cháu dựng chòi để trồng cỏ”. 

 

 

 

 

Người đi dựng chòi trồng cỏ
Anh Võ Thành Ngân bên cánh đồng cỏ của mình ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) – Ảnh: N.Hiển

 

 

Nghe câu trả lời, ai cũng nói: “Ngộ quá, hết thứ để trồng lại đi trồng cỏ”.

Ba năm sau, cánh đồng khô nay đã khoác lên mình màu xanh mướt của những thảm cỏ kiểng phẳng lì. Còn Ngân giờ đã trở thành giám đốc công ty có tiếng ở Sài Gòn về cỏ kiểng và có trong tay ba cánh đồng cỏ tại Hóc Môn, Củ Chi và Long An.

Trong khi nhiều thanh niên rời bỏ đồng quê đi làm thuê, làm mướn ở các nhà máy thì Ngân lại trở về làm giàu từ chính những đồng ruộng hoang hóa bằng hai bàn tay trắng. Đây là một nỗ lực tuyệt vời của những con người có ý chí

Anh TRẦN HỚN QUANG (phó chủ tịch 
Hội LHTN Việt Nam huyện Hóc Môn)

Cử nhân hoá học 
lang thang tìm việc

Buổi chiều nắng bỏng rát, Ngân dẫn chúng tôi rời trụ sở công ty ở đường Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đến cánh đồng cỏ kiểng đầu tay của mình. Trên những thửa ruộng trồng cỏ lá gừng xanh ngắt, cả chục nhân công lom khom nhổ cỏ dại, chăm sóc cỏ kiểng.

Ngồi trong căn chòi lá ở góc ruộng, chàng giám đốc 27 tuổi có nước da đen giòn này nói: “Từ hai bàn tay trắng, tôi vừa làm vừa lo muốn chết, từng bỏ cỏ để đi bán hàng đa cấp rồi. Nhưng nhờ cái duyên và kiên trì lắm mới 
nên chuyện”.

Ngân quê ở xã Long Định (huyện Bình Đại, Bến Tre), tốt nghiệp ngành hoá học Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Như phần lớn sinh viên ở vùng sông nước miền Tây, Ngân tiếp tục ở lại thành phố, cầm tấm bằng cử nhân gõ cửa xin việc ở các doanh nghiệp.

Làm việc một thời gian ở một công ty hóa chất tại Bình Dương, Ngân bị viêm xoang, không thể tiếp tục làm việc trong phòng thí nghiệm. Rời công ty, chàng trai trẻ này lăn lộn mưu sinh đủ ngành nghề từ nhân viên tiếp thị, phục vụ nhà hàng đến nhân viên kinh doanh…

Loay hoay một thời gian, đến đầu năm 2012, dượng của Ngân biết chuyện nên kéo cháu về giúp mình trồng cỏ kiểng ở quận 12. Vốn là con nhà nông nên việc quay lại chăm sóc cỏ cây đối với Ngân chẳng mấy khó khăn.

“Hằng ngày dượng chở cỏ đến bán ở đường hoa kiểng, thu nhập rất đều đặn. Tìm hiểu thì biết nhu cầu nhập cỏ kiểng rất lớn mà lượng cung còn hạn hẹp nên tôi thấy đây đúng là công việc tiềm năng” – Ngân kể.

Đêm nghe tiếng côn trùng, lo cho tương lai

Nhờ sự góp sức của người thân, Ngân về Hóc Môn thuê một bãi đất hoang rộng 6.000m2 để trồng cỏ. Ngân dựng một căn chòi lá ở góc thửa đất sống tạm.

Miếng đất này hoang hóa đã nhiều năm, muốn trồng cỏ phải thuê máy móc đến cày xới, san ủi nhưng trong tay lại không có tiền nên Ngân về quê vay mượn tứ phía. Đất san xong, Ngân mua chịu cỏ của dượng để cấy lứa đầu tiên.

“Đêm nằm trong chòi hiu quạnh giữa đồng chỉ nghe tiếng côn trùng kêu vừa thấy sợ mà thấy lo cho tương lai của mình. Mở mắt ra thấy nợ nần chồng chất mà nhắm mắt lại thì không biết mình có đi đúng đường hay không.

Ba đặt hi vọng vô đứa con trai có tấm bằng cử nhân mà giờ lại đi trồng cỏ nên ba nổi giận, mình cũng buồn nên tránh mặt ba không về quê, trốn luôn bạn bè, chỉ ở miết trong căn chòi” – Ngân bộc bạch.

Hai tháng vật lộn giữa đồng cỏ Ngân trở nên gầy còm, đen hơn vì âu lo. Thế nhưng, niềm vui đã đến với chàng trai này khi lứa cỏ lá gừng đầu tiên “xuất đồng” thành công.

Từ đó, Ngân bắt đầu lên mạng tìm tòi, xây dựng website quảng bá các loại cỏ kiểng đến nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng. Nhiều cuộc điện thoại, email gửi đến hỏi kỹ càng giá cả từng loại cỏ. Nhưng một tháng, hai tháng trôi qua, chẳng ai hồi âm, chẳng có khách hàng nào tìm đến mua cỏ.

“Họ không đặt hàng vì tôi không có thương hiệu, chẳng có uy tín nên mình chỉ là kênh để họ tham khảo. Nhưng không thể như thế mãi được, tôi phải thay đổi để có được hợp đồng lớn” – Ngân nói.

Lập công ty, 
ký hợp đồng trăm triệu

Từ chỗ sản xuất cỏ, Ngân bắt đầu đi tìm tòi, học hỏi kỹ thuật để thiết kế, trồng cỏ trong các công trình, biệt thự theo mô hình khép kín.

“Vừa trực tiếp ươm cỏ, vừa cung ứng, nhận thi công luôn phần cỏ trang trí các công trình thì sẽ có lợi cho cả nhà đầu tư và người trồng cỏ nên tôi quyết định phát triển theo hướng đó” – Ngân chia sẻ.

Nói là làm, Ngân thuê người chăm sóc vườn để bản thân đi kiếm mối ở các công trình, các công ty xây dựng. Sau một thời gian chờ đợi, chàng trai này nhảy cẫng lên vì sung sướng khi ký được hợp đồng trồng cỏ cho một công trình ở Thủ Đức với trị giá 50 triệu đồng.

“Hợp đồng đầu tiên nên với tôi rất quý giá. Nhưng vừa làm vừa lo không lấy được tiền vì tôi chưa có tư cách pháp nhân, phải nhờ một công ty khác đứng ra làm hợp đồng, tiền nhà đầu tư cũng chuyển khoản cho công ty đó. Trong khi tiền thuê nhân công tôi phải trả hằng ngày, có khi hụt tiền phải mượn nóng của mẹ tiền để trả lương.

Ngày công trình hoàn thành, cầm cục tiền trong tay mừng húm luôn” – Ngân nói.

Sau hợp đồng đó, Ngân lập công ty, đảm nhiệm vai trò giám đốc kinh doanh. Khi có công ty, Ngân mạnh dạn đấu thầu trồng cỏ trên sân thượng với công nghệ hiện đại ở một dự án tại Bình Dương với số tiền lên đến 400 triệu đồng.

Từ đó, vị giám đốc trẻ tuổi này bắt đầu khẳng định thương hiệu của mình khi đấu thầu được nhiều dự án lớn, thi công trồng cỏ ở công viên, resort…

Võ Thành Ngân đã mở rộng diện tích trồng các loại cỏ lên đến 3ha ở Hóc Môn, Củ Chi và Long An để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mới đây, Ngân kết hợp với kỹ sư cơ khí để cho ra đời các loại máy cắt cỏ thảm, cải thiện năng suất thu hoạch cỏ so với cắt cỏ thủ công.

Trong tương lai, Ngân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ và đẩy mạnh cung ứng cỏ cho các sân golf và sân vận động.

“Dù là giám đốc công ty nhưng tôi vẫn xem mình chỉ là một anh nông dân, bởi gắn với cỏ cây thì đúng là nông dân rồi, nhưng phải là nông dân hiện đại, làm giàu từ chính cỏ cây” – Ngân chia sẻ.

NGỌC HIỂN ([email protected])