Cơ hội vào ĐH cho thí sinh thi cụm địa phương
Theo quy chế thi và tuyển sinh, thí sinh dự thi tại cụm thi tốt nghiệp do sở GD-ĐT chủ trì không được sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tham gia xét tuyển.
Cơ hội vào ĐH cho thí sinh thi cụm địa phương
Theo quy chế thi và tuyển sinh, thí sinh dự thi tại cụm thi tốt nghiệp do sở GD-ĐT chủ trì không được sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tham gia xét tuyển.
Do vậy, việc các trường tuyển sinh bằng hình thức xét học bạ là cơ hội để các thí sinh này vào ĐH, CĐ. Nội dung trên đã được đại diện các trường ĐH phân tích trong buổi Tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức tại địa chỉ thanhnien.vnchiều qua 8.6.
Ngành nào dễ trúng tuyển ?
Nhiều băn khoăn của bạn đọc được đặt ra về điểm chuẩn trúng tuyển của các trường theo phương thức học bạ. Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cho biết năm nay trường chỉ dành 50% chỉ tiêu các ngành để xét tuyển theo hình thức học bạ (tổng chỉ tiêu của trường 3.800). Ông Huy cho rằng dù xét tuyển theo hình thức học bạ nhưng thí sinh (TS) nộp hồ sơ ngay nguyện vọng 1 sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Kinh nghiệm năm 2015, ngành dược học điểm trúng tuyển ở nguyện vọng 1 theo hình thức xét tuyển học bạ chỉ 19. Tuy nhiên, đến nguyện vọng bổ sung, tùy từng đợt mà điểm chuẩn dao động từ 23 – 27 điểm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Trưởng phòng Truyền thông và sự kiện Trường ĐH Văn Hiến, cũng thông tin trường xác định điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành. Thạc sĩ Diệu Anh khuyên: “Nếu xác định ngành học mình yêu thích, TS nên xét tuyển bằng phương thức học bạ ngay từ đầu để tăng thêm cơ hội trúng tuyển”.
Còn tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho hay kinh nghiệm các năm trước cho thấy tỷ lệ chọi ngành kỹ thuật thường thấp hơn khối ngành kinh tế. Đặc biệt ngành thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn, điểm trúng tuyển chỉ ở mức 18 điểm. Các ngành nhân văn và môi trường có xét tuyển bổ sung đợt 2 với hình thức học bạ, còn ngành kinh tế thì rất khó. Tiến sĩ Hải lưu ý thêm, TS phải lựa chọn môn học có điểm cao nhất mới có thể có cơ hội trúng tuyển bằng hình thức học bạ.
Xét học bạ có chọn được người giỏi ?
Câu hỏi này đã được bạn đọc đặt ra ngay trong buổi trực tuyến. Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết trường đã có câu trả lời dựa trên sự phân tích bằng số liệu cụ thể sau 2 năm thực hiện xét tuyển theo phương thức này. Ông Hải nói, khi xét tuyển dựa trên kết quả học bạ 5 học kỳ, điểm của TS tăng dần qua các học kỳ cuối bậc THPT. Ngoài ra, kết quả học tập năm đầu ĐH cũng có thể thấy sinh viên xét tuyển vào trường bằng kết quả học bạ 2 học kỳ lớp 12 có lực học tốt hơn so với những sinh viên xét tuyển bằng 5 học kỳ. Chính vì cơ sở này, hội đồng tuyển sinh của nhà trường quyết định chỉ xét tuyển học bạ 2 học kỳ lớp 12 vào năm nay.
Tuy nhiên theo ông Hải, trường này không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ với 2 ngành: y đa khoa và dược học. Lý giải điều này, ông Hải cho biết 2 ngành này ảnh hưởng trực tiếp đến con người, đòi hỏi người học bên cạnh năng lực về học vấn theo chuẩn thì phải có đủ bản lĩnh. Bản lĩnh này có thể đánh giá được thông qua việc TS tham dự kỳ thi tốt nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh cũng nhận định, việc xét tuyển học bạ và điểm thi tốt nghiệp chỉ khác nhau về hình thức xét tuyển. Yếu tố quan trọng hơn cả quyết định chất lượng sinh viên là sự thích nghi với những khác biệt giữa cách học bậc phổ thông và ĐH.
Bạn đọc xem thông tin chi tiết buổi tư vấn tại địa chỉthanhnien.vn.
Hà Ánh