28/12/2024

Cái bẫy “cung ứng nhân đạo” của Trung Quốc

Bằng những dự án phủ chiếc áo “cung ứng nhân đạo”, Trung Quốc đang kéo các nước vào quá trình “công nhận thực trạng mới” tại Trường Sa.

 

Cái bẫy “cung ứng nhân đạo” của Trung Quốc

 

Bằng những dự án phủ chiếc áo “cung ứng nhân đạo”, Trung Quốc đang kéo các nước vào quá trình “công nhận thực trạng mới” tại Trường Sa. 

 

 

 

 

Cái bẫy “cung ứng nhân đạo” của Trung Quốc

Đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và tăng tốc xây dựng nhiều công trình trên đó – Ảnh: Nguyễn Công Thành

 

 

Mùa bão sắp đổ đến trên Biển Đông, và Trung Quốc đang nuôi ý định tận dụng yếu tố “thiên thời”.

Tuần cuối tháng 5, truyền thông Trung Quốc cho biết nước này sắp triển khai một tàu lớn hoạt động như một “trung tâm ứng cứu cao cấp” tại quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2016. 

Mục đích của con tàu với trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy bay không người lái, robot lặn biển… hướng tới nhiệm vụ ứng cứu khi các tàu đánh cá gặp bão hay các sự cố trên biển, cần sự trợ giúp.

Gần nhất là việc Tân Hoa xã tuyên bố bệnh viện trên đá Chữ Thập được xây xong vào cuối tháng này và sớm đưa vào hoạt động.

Cùng lúc, Bắc Kinh còn tuyên bố đang thúc đẩy nhanh kế hoạch xây thêm hai ngọn hải đăng ở đá Vành Khăn và đá Chữ Thập. Động thái này là một bước nối tiếp của việc phát triển cơ sở hạ tầng tại những đảo, đá mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Do vậy, đã có nhiều ý kiến cảnh báo về ưu thế của các cơ sở hạ tầng này so với các đảo lân cận.

Chẳng hạn như ở đá Chữ Thập, cầu cảng, âu tàu cửa vào rộng khoảng 260m, chiều rộng lớn nhất khoảng 630m đã được hoàn tất. Ngọn hải đăng ở đá Châu Viên cao 50m, tầm chiếu sáng 20 hải lý, kết hợp cùng bãi đậu trực thăng, cầu tàu và đê chắn sóng.

Hay như ở Gạc Ma, đê chắn sóng được tăng cường xung quanh toàn bộ đảo. Có hai bãi đỗ tàu tự động và một cầu tàu ở phía tây bắc. Giống như ở Châu Viên, ngọn hải đăng ở Gạc Ma cũng cao khoảng 50m, tầm chiếu sáng 20 hải lý.

Nếu có thể gọi tên thì đây là “cung ứng nhân đạo tạo chủ quyền” – một chiến lược mà Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện.

Năm 1932, khi chưa đánh chiếm các đảo, Trung Quốc đã lẳng lặng đăng ký với Tổ chức Khí tượng quốc tế (IMO) để đặt các trạm khí tượng trên Hoàng Sa phục vụ công tác nghiên cứu chung.

Năm 1988, Trung Quốc từng nêu lý do thiết lập các trạm quan sát khí tượng theo chương trình của Tổ chức Hải dương quốc tế để biện minh cho hoạt động đánh chiếm bảy bãi đá ngầm của Việt Nam ở 
quần đảo Trường Sa.

Những ghi nhận gần đây cho thấy một bức tranh tương phản. Trong khi các dự án khủng liên quan đến cứu hộ – cứu nạn tại Biển Đông được Bắc Kinh công bố (như trung tâm ứng cứu cao cấp hay đề xuất thành lập một trung tâm tư vấn và cảnh báo các cơn bão trong Biển Đông), thì cùng thời điểm đó, trên biển, phía Trung Quốc tiếp tục xua đuổi tàu thuyền ngư dân của các nước trong trường hợp xin lánh 
nạn vì thời tiết xấu.

Bằng những dự án phủ chiếc áo “cung ứng nhân đạo”, Trung Quốc đang kéo các nước vào quá trình “công nhận thực trạng mới” tại Trường Sa. Các tàu thuyền sẽ chính thức sử dụng những cơ sở trên đảo nhân tạo làm nơi trú ẩn khi có bão.

Những chuỗi sự việc này sẽ vô hình trung thừa nhận sự hiện diện của Trung Quốc như một chủ thể quản lý và cung cấp hỗ trợ cho thuyền viên của các quốc gia gặp nạn.

Đây là sự lặp lại của chiêu bài tạo thành một “chuyện đã rồi” và kêu gọi sự công nhận thực trạng mới về chủ quyền tự tạo.

Với mục đích sử dụng “cung ứng nhân đạo” như một chiêu bài, Trung Quốc sẽ vận động các tổ chức quốc tế chuyên môn và công luận quốc tế hợp pháp hoá “mục tiêu dân sự và nhân đạo” của các đảo nhân tạo đang thành hình.

Những tàu bè gặp nạn hoặc cần tránh bão trên vùng biển gần Trường Sa có thể hướng đến những ngọn hải đăng và bến cảng neo đậu của Trung Quốc, cần đến sự hỗ trợ của các trung tâm cứu trợ hay tiện nghi của các con tàu cứu nạn cùng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại.

Sự khốc liệt của các cơn bão trên Biển Đông sẽ buộc họ phải ưu tiên bảo vệ tính mạng và tài sản.

Giúp đỡ các tàu thuyền gặp nạn, hay trợ giúp người dân trong các trường hợp khẩn cấp thiên tai là nghĩa vụ quốc tế của thành viên chung cộng đồng, chứ chưa kể đến là một cường quốc đang mong muốn 
xây giấc mơ lãnh đạo.

Các hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông – từ những kinh nghiệm quá khứ đến hành động hiện tại – luôn tạo ra nghi ngờ nhiều hơn đồng thuận.

Dù với chiêu bài gì thì lần này cũng không ngoại lệ nếu quốc gia này vẫn khăng khăng giữ “đường lưỡi bò” và chính sách Biển Đông thiên về đơn phương và cưỡng chế bằng sức mạnh như hiện tại.

Hội thảo quốc tế về an ninh biển ở Hạ Long

Sáng nay (9-6), hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển và an ninh biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Âu – Á” khai mạc ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với sự tham gia của 20 diễn giả đến từ các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Hội thảo hai ngày này do Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức.

Các diễn giả tập trung thảo luận các chủ đề gồm: các vấn đề an ninh biển truyền thống, phi truyền thống, phát triển và quản lý biển, cơ chế hợp tác và quản trị liên quốc gia, các nguyên tắc luật pháp và cơ chế giải 
quyết tranh chấp.

Q.TRUNG

MINH VŨ