27/12/2024

Có cơ chế đặc biệt, chiếc bánh sẽ to hơn

Chiếc áo mà TP.HCM đang mặc quá chật chội và bí bách. Vì vậy TP xin cơ chế đặc biệt để tạo chiếc bánh to hơn, nộp về trung ương nhiều hơn chứ không phải xin giữ lại cho mình nhiều hơn.

 

Có cơ chế đặc biệt, chiếc bánh sẽ to hơn

 

Chiếc áo mà TP.HCM đang mặc quá chật chội và bí bách. Vì vậy TP xin cơ chế đặc biệt để tạo chiếc bánh to hơn, nộp về trung ương nhiều hơn chứ không phải xin giữ lại cho mình nhiều hơn.

 

 

 

 

Có cơ chế đặc biệt, chiếc bánh sẽ to hơn
Bà Phan Thị Thắng, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết khi nhận dự toán năm nay ai cũng hồi hộp, có thể nói là nín thở khi điều hành dự toán – Ảnh: Duyên Phan

 

 

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đã nói như vậy tại buổi làm việc giữa Uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội với UBND TP.HCM chiều 7-6. Dù còn nhiều ý kiến tranh luận, tất cả thành viên đoàn giám sát của Uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội đều nhất trí với việc TP.HCM phải có một cơ chế đặc thù về tài chính.

Không có tiền tiêu, lấy gì để dành?

Tại buổi làm việc, TP.HCM tiếp tục đề xuất được cấp lại một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu; cho phép TP nghiên cứu cơ chế phụ thu thuế đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn TP phù hợp với tình hình thực tế; được giữ lại nguồn thu từ việc cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội, cho rằng những kiến nghị mà TP cho là cơ chế ưu đãi, đặc thù quá rải rác, phân tán và chồng chéo. “Bây giờ TP cần cái gì mà trung ương có thể xem xét quyết định được ngay, TP cần tỉ lệ điều tiết 23% như hiện nay hay là phải tăng lên? Ngoài 23% đó còn có những nguồn thu khác nữa, rồi cơ chế thưởng vượt thu, lại muốn cả cơ chế đầu tư trở lại, rất là chồng chéo” – ông Nhã nói.

Ông Nguyễn Hữu Quang, uỷ viên Uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội, lấy dẫn chứng về trường hợp của TP Thâm Quyến (Trung Quốc) thành công vì được có cơ chế, chứ không phải xin tiền trung ương hay xin giữ lại tiền từ việc thu ngân sách. Từ đó, ông Quang cho rằng TP.HCM muốn thành công cần tránh việc xin tiền trung ương và xin giữ lại tiền từ việc thu ngân sách.

Tuy nhiên bà Phan Thị Thắng, giám đốc Sở Tài chính, khẳng định chưa bao giờ TP xin trung ương tiền mà chỉ xin cơ chế và mỗi lần xin cơ chế cũng vô cùng chật vật, khó khăn. Chưa kể những cơ chế đã có nhưng thực hiện gặp vướng mắc, chẳng hạn như chuyện thưởng vượt thu. Về ý kiến cho rằng kiến nghị của TP quá vụn vặt, bà Thắng nói để tính ra tỉ lệ điều tiết thì phải từ những cơ chế chính sách.

“Các đồng chí cho rằng tại sao chúng tôi kiến nghị vụn vặt, nhưng nếu không đi từ các chi tiết đó thì không thể nào ra được tỉ lệ điều tiết” – bà Thắng nói. Theo bà Thắng, TP thực hiện theo đúng luật, nhưng vì không có tiền để chi tiêu thì làm sao mà để dành? “Chúng tôi đã kiến nghị vấn đề này nhiều lần và Thanh tra Chính phủ cũng đồng thuận với TP để kiến nghị lên trung ương xin cơ chế cho TP, chứ không phải tự nhiên chúng tôi nói ra” – bà Thắng cho biết.

Luật ngân sách “cực kỳ bảo thủ”

Ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng TP không xin đặc thù mà xin cái bình thường của mọi đô thị trên thế giới là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương, thế nhưng việc xin cơ chế cũng hết sức khó khăn. Theo ông Lịch, TP.HCM bị “ép” ngân sách quá căng. Lâu nay chúng ta làm ngân sách dựa trên chi rồi tính ngược lại tỉ lệ điều tiết, chứ không dựa theo nguồn thu.

“Trong khi cân đối ngân sách địa phương phải đứng trên quan điểm nguồn thu theo Luật ngân sách chứ không phải cò kè bớt một thêm hai, rồi TP chỉ được giữ lại 23%. Trong khi lẽ ra phải ngược lại mới minh bạch. TP đề nghị rất nhiều cơ chế, đề nghị các vị ủng hộ những đề nghị của TP.HCM” – ông Lịch nói.

Cũng theo ông Lịch, Luật chính quyền địa phương đã nói rõ ba cơ chế phân quyền, uỷ quyền và phân cấp thì ngân sách cũng phải vậy. Đề nghị làm rõ các vấn đề này chứ Luật ngân sách hiện nay cực kỳ bảo thủ. Trong khi những đề xuất của TP đâu có gì ghê gớm và những điều này thế giới đều làm, chỉ có VN là không làm, thành ra đặc thù. Cần cho TP được đặt ra một số loại phí, chứ hiện nay TP không có quyền gì cả.

Một số đại biểu cũng thống nhất cần có cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Đại biểu Bùi Đức Thụ nhận định cơ chế hiện hành chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của TP. Mà TP.HCM chậm lại một nhịp là cả nước lao đao, bởi TP đóng vai trò quá lớn trong sự phát triển của cả nước. “Tôi cho rằng không có đột phá về cơ chế thì khó làm” – ông Thụ nhấn mạnh.

Một thành viên của đoàn giám sát là ông Lê Thanh Văn cho rằng vấn đề quan trọng nhất của TP.HCM là phân cấp phân quyền, cá biệt hóa một số thẩm quyền trên cả ba bình diện: tổ chức bộ máy, nhân sự và thẩm quyền ban hành thể chế. TP phải có một đề án trên cả ba bình diện đó mới giải quyết được căn bản cơ chế đặc thù cho TP. “Nhưng trong thời gian chờ cơ chế đó, TP.HCM có thể làm gì khác được không?” – ông Thụ đặt câu hỏi, đồng thời gợi ý TP có thể xin sử dụng quỹ dự trữ tài chính.

Trả lời vấn đề mà ông Quang đặt ra, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định TP xin cơ chế đặc biệt để tạo chiếc bánh to hơn, để nộp về trung ương nhiều hơn chứ không phải xin giữ lại cho mình nhiều hơn.

Theo ông Thăng, các TP như Thâm Quyến, Thượng Hải đều có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách, TP.HCM thì chắc là khó, nhưng TP sẽ kiên trì đề xuất. “TP đang tập trung phối hợp với các cơ quan trung ương, các chuyên gia xây dựng cơ chế để làm sao TP được mặc một chiếc áo vừa” – ông Thăng nhấn mạnh.

Đừng để luật 
bị vướng rồi xin 
cơ chế

Theo bà Phan Thị Thắng, có những trường hợp ngay khi vừa đưa ra luật TP đã vướng, trong khi đó đề xuất lại không được ghi nhận. “Chúng tôi tha thiết kiến nghị các cơ quan nghiên cứu sao cho khi ra luật thì TP có thể thực hiện được ngay, chứ không luật ban hành ra TP lại vướng rồi đi xin cơ chế. Chẳng hạn quản lý xe, quy định mỗi cơ quan chỉ có hai chiếc xe, cả nước vi phạm vì đâu có cơ quan nào mà chỉ có hai chiếc xe?” – bà Thắng khẳng định.

MAI HOA – ÁNH HỒNG