26/12/2024

Vải thiều được mùa, trúng giá

Những ngày gần đây, các đại lý vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) – thủ phủ vải thiều cả nước – đã bắt đầu mua trái vải tươi, giá bán tại nhà vườn từ 20.000 – 28.000 đồng/kg tuỳ vào chất lượng trái.

 

Vải thiều được mùa, trúng giá

 

Những ngày gần đây, các đại lý vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) – thủ phủ vải thiều cả nước – đã bắt đầu mua trái vải tươi, giá bán tại nhà vườn từ 20.000 – 28.000 đồng/kg tuỳ vào chất lượng trái.

 

 

 

 

Vải thiều được mùa, trúng giá
Diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP có sản lượng khoảng 10 tấn của gia đình ông Vi Văn Bảy chuẩn bị thu hoạch cho ra thị trường – Ảnh: QUANG THẾ

 

 

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, phần lớn thương lái ở các tỉnh phía Nam đến các điểm mua trái vải tươi gom hàng, đưa vào tiêu thụ tại thị trường TP.HCM. Trong khi đó, những hộ nông dân trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hiện đang hồi hộp chưa biết giá cả thế nào do vào mùa thu hoạch chậm hơn.

Đang dừng nghỉ chân trên đường chở sọt vải ra thị trấn bán cho các đại lý thu mua, ông Phạm Niu Tơn (xã Mỹ An) cho biết không chỉ được mùa, giá trái vải năm nay cũng khá tốt nên ngay từ đầu vụ, gia đình ông đã thuê người đến hái giúp bán những cây chín trước. “Những quả đầu vụ không được đều và chín chưa mọng, nhưng ra các điểm mua tôi vẫn bán được 17.000 – 20.000 đồng/kg” – ông Niu Tơn hào hứng cho biết.

Ông Huỳnh Thanh Tuấn (quê Tiền Giang) – một chủ mua vải thiều nhiều năm ở thị trấn Kim – cho biết năm nay trái vải đẹp hơn, giá mua vào của các đại lý cũng cao hơn những năm trước, có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg. Theo ông Tuấn, hai điểm mua của gia đình ông gom khoảng 5 tấn trái vải ngay vào đầu vụ và lên tới vài chục tấn ngay vào chính vụ để đưa vào thị trường TP.HCM tiêu thụ. “Ngoài chất lượng, nhu cầu thị trường là yếu tố quyết định đến giá cả” – ông Tuấn nói.

Theo ông Lê Bá Thành – phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, đến nay chỉ các vườn vải chín sớm mới có hàng bán. Tuy nhiên đã có một doanh nghiệp tại TP.HCM mua và xuất khẩu gần 1,1 tấn vải tươi đầu mùa sang thị trường Mỹ.

Riêng những nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật… phải chờ đến giữa tháng 6 mới thu hoạch. Để nông dân không bị ép giá, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm việc với đơn vị doanh nghiệp, cửa khẩu cũng như tìm các thị trường mới nhằm tạo ra thị trường cạnh tranh cho bà con nông dân và thương lái.

“Vụ này chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Lục Ngạn sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 75.000 tấn, thị trường trong nước chiếm khoảng 60%. Ngoài ra, có hơn 150ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất sang Mỹ và các thị trường khó tính khác. Hi vọng mùa vải năm nay sẽ không còn tình trạng ứ đọng như năm trước…” – ông Thành nói.

Tuy nhiên, nhiều nông dân trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP được phía Mỹ cấp các mã vùng cũng đang hồi hộp trước vụ thu hoạch chính. Ông Vi Văn Bảy (xã Hồng Giang) cho biết năm nay gia đình ông sẽ cung ứng ra thị trường trên 20 tấn trái vải tươi theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, nhưng điều mà ông Bảy lo lắng nhất là giá bán.

“Chúng tôi làm theo tiêu chuẩn quốc tế nên mọi khâu chăm sóc đều cẩn thận từng bước và đúng yêu cầu. Chất lượng trái đã được cải thiện hơn những năm trước, nhưng phải nửa tháng nữa mới thu hoạch nên chẳng biết giá bán thế nào” – ông Bảy tâm sự.

Ông Phạm Văn Tuyên – hộ trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP và từng xuất hơn 5 tấn vải sang Nhật vào năm 2015 – cho biết rất kỳ vọng sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch sẽ, có đầu ra ổn định và bán được giá hợp lý với công sức bỏ ra.

Sản xuất sạch là yếu tố sống còn

Ông Trần Quang Tấn – giám đốc Sở Công thương Bắc Giang – cho biết khi trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế, các hộ phải vào nhóm sản xuất để giám sát nhau triển khai ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn thường xuyên tập huấn cho các hộ dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch.

Theo ông Tấn, muốn có thị trường ổn định, nông dân phải giữ được chữ tín trong quá trình sản xuất, đảm bảo cung cấp cho nhà thu mua những sản phẩm sạch thật sự. “Không chỉ thị trường khó tính mà cả với thị trường nội địa, sản xuất sạch là yếu tố sống còn để kéo người mua do các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao” – ông Tấn khẳng định.

QUANG THẾ