Bí ẩn giáo phái bạo loạn ở Ấn Độ
Đứng sau vụ bạo loạn kinh hoàng hồi tuần trước tại Ấn Độ là một giáo phái bí ẩn, bị cho là có chính phủ, quân đội, tòa án và nhà tù riêng.
Bí ẩn giáo phái bạo loạn ở Ấn Độ
Đứng sau vụ bạo loạn kinh hoàng hồi tuần trước tại Ấn Độ là một giáo phái bí ẩn, bị cho là có chính phủ, quân đội, tòa án và nhà tù riêng.
Mang tên Swadhin Bharat Vidhik Satyagrah, giáo phái này có ảnh hưởng rất lớn tại Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ nhưng lâu nay vẫn là một bí ẩn với thế giới bên ngoài. Phải đến vụ bạo lực dữ dội vừa qua, dư luận quốc tế mới biết đến Swadhin Bharat Vidhik Satyagrah.
Hôm 2.6, khoảng 3.000 tín đồ đã đụng độ với lực lượng an ninh đến cưỡng chế di dời khu lều trại của giáo phái tại công viên trung tâm TP.Mathura thuộc Uttar Pradesh. AFP dẫn lời cảnh sát trưởng Uttar Pradesh Javeed Ahmed cho biết nhóm chiếm đóng đã nổi lửa đốt lều trại và tấn công lực lượng an ninh. Cảnh sát ban đầu dùng hơi cay và đạn cao su để trấn áp nhưng đã bắn đạn thật sau khi 2 nhân viên công lực thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Hậu quả là 27 tín đồ bị bắn chết và khoảng 300 người bị bắt. Nhà chức trách cũng thu giữ nhiều vũ khí tại hiện trường, trong đó có súng AK-47.
Lập cứ địa riêng
Swadhin Bharat Vidhik Satyagrah do giáo chủ Ram Vriksha Yadav lập ra vào năm 2012 với số thành viên ban đầu khoảng 500 người. Theo tờ The Indian Express, tư tưởng của giáo phái này pha trộn giữa giáo lý đạo Hindu, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự tôn sùng đối với Subhash Chandra Bose (1897 – 1945), một trong những anh hùng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ khỏi sự cai trị của thực dân Anh trước đây.
Ông Bose từng là cộng sự của lãnh tụ Mahatma Gandhi nhưng sau đó rời khỏi đảng Quốc đại. Ông thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay ở Đài Loan năm 1948. “Nhóm thủ lĩnh giáo phái lừa các tín đồ tin rằng họ sẽ được lên cõi niết bàn và sẽ được gặp anh hùng Bose”, AFP dẫn lời một quan chức cảnh sát tên D.C Mishra.
Chỉ trong một thời gian ngắn Swadhin Bharat Vidhik Satyagrah thu hút được khoảng 3.000 người, chủ yếu là dân nghèo cũng như nhận sự tài trợ từ nhiều doanh nhân rất có ảnh hưởng tại địa phương. Từ cuối năm 2014, giáo chủ Yadav dẫn tín đồ tiến vào công viên rộng 109 ha, lập lều trại, trồng rau, chăn nuôi… và sống tự cung tự cấp hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. “Họ lập ra một “thị trấn” được điều hành bởi một dạng chính phủ tự trị”, ông Mishra cho biết.
Chưa hết, trong quá trình điều tra sau vụ bạo loạn, cảnh sát đã thu giữ nhiều tài liệu cho thấy giáo phái có hẳn lực lượng cảnh sát, an ninh và toà án riêng. Những người vi phạm giáo luật bị giam trong các khu lều “trại giam” và thường bị tra tấn. “Quân đội” được huấn luyện bài bản, trang bị súng trường tấn công và chất nổ tự chế. “Nhiều tín đồ bị bắt hôm 2.6 đã khai rằng trẻ em mới tầm 8 tuổi đã được dạy cách sử dụng vũ khí”, ông Mishra cho biết và nói thêm: “Họ thậm chí còn có kế hoạch ra đồng tiền riêng vì không tin vào hiến pháp”.
“Khủng bố tôn giáo”
Theo Đài NDTV, giáo chủ Ram Vriksha Yadav là đồ đệ của Jai Gurudev, một đạo sư Hindu nổi tiếng nhưng gây nhiều tranh cãi tại Ấn Độ. Sau khi ông Gurudev qua đời năm 2012, Yadav tự lập giáo phái riêng. Theo tài liệu thu giữ được và các đoạn phim tuyên truyền tung lên mạng xã hội, ông này và các tín đồ tuyên bố mình là “những nhà cách mạng chính trị xã hội” và mô tả giáo phái Swadhin Bharat Vidhik Satyagrah mới là “chính phủ hợp pháp của Ấn Độ”.
Suốt 2 năm qua, giáo phái này liên tục tổ chức biểu tình ngồi tại công viên đồng thời kích động người dân đòi tổng thống và thủ tướng từ chức, giải tán quốc hội và bãi bỏ các cuộc bầu cử. “Đây là một loại khủng bố tôn giáo”, AFP dẫn lời giới chức Mathura nói.
Thời gian qua, chính quyền địa phương không thể đụng tới Swadhin Bharat Vidhik Satyagrah do họ có “quân đội” hung hãn cũng như sự can thiệp của một số nhân vật có ảnh hưởng. Tuy nhiên, dưới áp lực từ trung ương, cuối cùng toà án thành phố đã ra lệnh cưỡng chế di dời khu lều trại và đã nổ ra vụ bạo loạn hôm 2.6.
Theo cảnh sát, giáo chủ Yadav đã thiệt mạng nhưng những thủ lĩnh cao cấp khác của giáo phái vẫn đang lẩn trốn. Hiện công viên đã được dọn dẹp và có lực lượng an ninh canh gác nghiêm ngặt. Con em của tín đồ được đưa về tạm trú trong các trung tâm nuôi dạy trẻ để chờ người thân đến đón và cuộc điều tra về Swadhin Bharat Vidhik Satyagrah vẫn đang tiếp tục.
Danh Toại