01/11/2024

Trump và Hillary trong mắt nhau

Đã đến thời điểm Donald Trump và Hillary Clinton tranh đua khẳng định bản thân thông qua chính sách đối ngoại – những điều ảnh hưởng không chỉ nước Mỹ mà còn cả thế giới.

 DONALD TRUMP QUÁI ĐẾN MỨC NÀO – KỲ CUỐI:

Trump và Hillary trong mắt nhau

 

Đã đến thời điểm Donald Trump và Hillary Clinton tranh đua khẳng định bản thân thông qua chính sách đối ngoại – những điều ảnh hưởng không chỉ nước Mỹ mà còn cả thế giới. 

 

 

 

 

Trump và Hillary trong mắt nhau
Gần đây cảnh sát thường phải xuất hiện ngăn chặn khả năng đụng độ giữa hai bên ủng hộ và chống Donald Trump như tại cuộc vận động của ông Trump ở San Jose, bang California, ngày 2-6 – Ảnh: Reuters

Những ngày qua nhiều người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế đã chứng kiến màn khẩu chiến ác liệt nhất giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ sáng giá là Donald Trump và Hillary Clinton về tầm nhìn đối ngoại.

Trong một bài phát biểu gây sửng sốt nhất từ đầu mùa tranh cử vào ngày 2-6, cựu ngoại trưởng Clinton thôi không còn dùng những từ ngữ ngoại giao, lịch sự nữa mà tung ra một tràng công kích dữ dội nhắm vào đối thủ Donald Trump.

Đáp lại, nhà tỉ phú chỉ trích bài phát biểu của đối thủ “đầy những lời nói dối” và bản thân bà Clinton “không có chút tài năng”!

Tất cả có thể xảy ra trong những tuần cuối, tháng cuối cùng trước ngày bầu cử chính thức. Nếu xảy ra chuyện Anh rời EU, nếu xảy ra khủng bố như vụ ở Paris, có thể cử tri không muốn bầu cho người không có kinh nghiệm chính trị nhưng khi đó có thể họ lại mong muốn một lãnh đạo có cá tính. Ta không thể biết được

NORMAN ORNSTEIN (nhà quan sát đời sống chính trị Mỹ trả lời Hãng thông tấn AFP)

“Đừng để ông ta chạm tay vào nút hạt nhân”

“Cứ tưởng tượng Donald Trump ngồi trong phòng tình huống khẩn cấp, đưa ra quyết định sinh tử thay mặt nước Mỹ. Cứ tưởng tượng ông ta quyết định có nên gửi người thân, con cái các bạn ra chiến trường… Chúng ta có muốn ngón tay ông ấy gần cái nút hạt nhân?” – bà Clinton châm biếm Donald Trump trước các cử tri ở San Diego, bang California.

Đài CNN bình luận đây là một giọng điệu “chua” và châm biếm quá giới hạn mà cựu ngoại trưởng Clinton trước nay chỉ dùng để giao tiếp với bạn bè hoặc các nhà báo chứ ít khi thể hiện trước công chúng.

Giới quan sát cho rằng bà muốn trấn an các đại biểu Dân chủ, những người bắt đầu dao động sau các kết quả thăm dò dư luận cho thấy ông Trump không hề yếu thế.

Mặt khác, vạch ra được điểm yếu về kiến thức đối ngoại của Donald Trump, về nguy cơ ông này đem “đổ sông đổ biển” mọi thành quả đối ngoại của các tổng thống trước đây, có thể khiến những người mang quan điểm bảo thủ cân nhắc lại.

“Ông ta nhận là mình có kinh nghiệm đối ngoại vì ông ta từng tổ chức Hoa hậu hoàn vũ ở Nga (!). Nhưng “vốn liếng” trong quản lý đối ngoại toàn cầu lớn và phức tạp hơn vạn lần thế giới của những khách sạn xa xỉ. Không ai gặp rủi ro bỏ mạng nếu anh thất bại một phi vụ trên sân golf, nhưng các vấn đề quốc tế không vận hành kiểu đó… Ông ta tin rằng chúng ta có thể xem nền kinh tế Mỹ như một sòng bài và chả cần trả nợ nước ngoài” – bà Clinton “vạch áo” đối thủ.

Nhưng tranh thủ những điểm yếu của Donald Trump thôi cũng chưa đủ, bà Clinton sẽ còn phải nát óc nghĩ ra cách bảo vệ “thành tích” đối ngoại của mình trên cương vị ngoại trưởng trước đây. Những chỉ trích phổ biến nhất bao gồm hậu quả can thiệp của NATO vào Libya hay xìcăngđan dùng email cá nhân trong việc công.

Không mất nhiều thời gian, tỉ phú Trump lên tiếng ngay trong lúc bà Clinton đang phát biểu: “Bà ấy không đủ tiêu chuẩn làm tổng thống. Bà ấy nhận định rất tồi. Hãy nhìn vào cuộc chiến Iraq mà xem, hay những gì bà ấy làm với Libya – tất cả là thảm họa!”.

Không kể đến những bình luận mang tính cá nhân, hay việc Donald Trump “quên” là mình cũng từng ủng hộ can thiệp quân sự vào Iraq và Libya, những vấn đề cấp bách trong chương trình đối ngoại của Mỹ như NATO, giao thương, quan hệ với Nga… sẽ còn tiếp tục hâm nóng các cuộc tranh luận trong giai đoạn tổng bầu cử. Tất nhiên, nếu ông Trump và bà Clinton có duyên gặp lại.

Trump mâu thuẫn và Clinton khôn ngoan

Bình luận trên tạp chí Foreign Policy, ông Jeffrey Stacey – cố vấn an ninh quốc gia Mỹ – nhận định chính sách đối ngoại của Donald Trump có khả năng sẽ thất bại trước khi ông kịp có cơ hội thực hiện vì nó khá mâu thuẫn, khó hiểu và khó triển khai.

Ví dụ, ông hứa khôi phục “hoà bình toàn cầu”, tái xây dựng quân đội Mỹ, xoá bỏ lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), kiềm chế Hồi giáo cực đoan… nhưng trong khi đó, ông cũng doạ rút khỏi NATO nếu các đồng minh không nhận thêm trách nhiệm đối với an ninh của chính họ.

Nhưng tỉ phú Trump không thể khiến các quốc gia đồng minh chi hàng tỉ USD cho ngân sách quốc phòng một cách dễ dàng, ngay cả khi Mỹ vẫn ở lại NATO. Ông cũng không thể tăng thêm số lượng binh lính hay hệ thống vũ khí để chiến đấu với IS và al-Qaeda dù muốn làm điều đó.

Chính sách kinh tế của tỉ phú Trump nhiều khả năng không thể tạo ra sự linh hoạt ngân sách cần thiết để chi trả cho việc triển khai thêm binh lính và các loại vũ khí mới, trong khi vẫn phải dành hàng tỉ USD để chống lại các nhóm cực đoan ở Trung Đông.

Mặc dù tuyên bố “giữ hòa bình” và “tái xây dựng quân đội” nhưng chính sách đối ngoại của ứng viên Trump thiếu sự chủ động. Cuối cùng, ông Trump lại còn kêu gọi chống can thiệp.

“Làm sao có thể làm được cả hai điều này cùng một lúc – ông Stacey đặt câu hỏi – Nếu Trump muốn thực hiện những tuyên bố của mình, chính sách đối ngoại của ông sẽ phải trải qua những thay đổi to lớn”.

Trong khi đó, ông Stacey cho rằng đường lối đối ngoại của bà Clinton có thể là khôn ngoan nhất. Chính sách của bà mạnh mẽ hơn chính sách của tổng thống đương nhiệm Barack Obama, hướng đến thực thi quyết liệt vai trò lãnh đạo của Mỹ chứ không phải là chủ nghĩa hoà hoãn.

Lấy ví dụ xung đột Syria, ở thời điểm Quân giải phóng Syria có thể tiến hành lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad, bà Clinton đã đề xuất xây dựng một vùng cấm bay để hỗ trợ các cuộc tấn công.

Điều này đáng lẽ có thể ngăn chặn Nga tham gia cuộc xung đột và không thể hỗ trợ Assad. Bà Clinton cũng kêu gọi thành lập một khu vực tị nạn an toàn nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu trước khi nó bắt đầu.

Nếu ông Obama ủng hộ sự thay đổi thể chế ở Syria, bà Clinton có thể hỗ trợ triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình lớn nhất cho đến thời điểm đó.

Điều này có thể ngăn chặn IS bám rễ tại quốc gia này và dẫn đến sự chuyển giao quyền lực trong ổn định.

Thế giới đã có thể tránh khỏi một cuộc nội chiến kéo dài vốn đã biến thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm đe dọa an ninh châu Âu và Trung Đông.

Theo đánh giá chung, bất ổn toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục và nhiều khả năng gia tăng sau khi ông Obama rời nhiệm sở.

Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải giải quyết những vấn đề này với áp lực không được sai sót. Tất nhiên, chính sách của bà Clinton không phải là hoàn hảo.

Bà sẽ có một khoảng thời gian khó khăn xây dựng sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với đường lối đối ngoại của mình. Tuy nhiên, chính sách của bà đưa ra nhiều hứa hẹn hơn các nỗ lực của ông Obama hay chính sách rời rạc của ông Donald Trump.

“Học thuyết Obama” ra đi cùng chủ nhân

“Học thuyết Obama” được biết tới là giữ cho Mỹ tránh khỏi các xung đột mà không tạo ra mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh quốc gia Mỹ. Chính sách này có những thành công nhưng cũng nhiều thất bại.

Khi ông Obama rời nhiệm sở thì chính sách đối ngoại này cũng sẽ ra đi cùng ông. Bất kể ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới thì họ cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận và giải quyết những thách thức trên thế giới.

Do vậy, chính sách đối ngoại của tân tổng thống Mỹ là một vấn đề rất quan trọng đang được cả thế giới theo dõi.

MINH TRUNG