24/01/2025

Bò sữa của những nông dân triệu phú USD

Việc nuôi bò tưởng chừng thô sơ, nhưng mỗi hộ nông dân ở thung lũng Goulburn (Úc) tổ chức sản xuất như một doanh nghiệp với cơ ngơi trị giá hàng triệu USD.

 

Bò sữa của những nông dân triệu phú USD

Việc nuôi bò tưởng chừng thô sơ, nhưng mỗi hộ nông dân ở thung lũng Goulburn (Úc) tổ chức sản xuất như một doanh nghiệp với cơ ngơi trị giá hàng triệu USD.



Đàn bò được lùa để chuẩn bị vào khu vực vắt sữa /// Ảnh: N.M.T

Đàn bò được lùa để chuẩn bị vào khu vực vắt sữaẢNH: N.M.T


Lâu nay, chữ “farmer” trong tiếng Anh khi được dịch ra tiếng Việt vẫn thường mang nghĩa là “nông dân”. Thế nhưng, khái niệm “farmer” ở một số nước phát triển có sự khác biệt khá lớn so với “nông dân” VN. “Farmer” ở các nước phát triển có thể xem là những chủ nông trại quy mô lớn, hoạt động bài bản, chuyên môn hóa cao, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến. Họ không phải những “nông dân” chân lấm tay bùn, cuộc sống bấp bênh.
300 ha đồng cỏ cho 400 cô bò
Anh nông dân trẻ lái chiếc mô tô địa hình 4 bánh chầm chậm hộ tống hàng trăm cô bò lững thững bước đi tiến về khu vực lấy sữa. Cứ thế, lần lượt các cô bò lần lượt tiến vào các vị trí của hệ thống vắt sữa tự động. Hệ thống vắt sữa này có giá trị lên đến 1,2 triệu AUD (khoảng 20 tỉ đồng), con số mà chúng tôi, nhóm du khách đến từ VN, khó nghĩ rằng do một hộ nông dân tự đầu tư nhằm hạn chế nhân công. Tại xứ sở chuột túi, chi phí nhân công cực kỳ đắt đỏ. Như một người bạn mô tả thì chi phí thi công gắn mỗi máy lạnh 2 mã lực tương đương với số tiền phải bỏ ra để mua chiếc máy lạnh ấy. Bởi chi phí nhân công đắt đỏ nên bí bách lắm mới thuê người ngoài làm. Đó là chưa kể nếu thuê lâu dài, không phải mùa vụ, thì người thuê còn phải chịu chi phí bảo hiểm cũng tốn kém không ít. Bởi thế, các hộ nông dân ở Úc thường đầu tư máy móc hỗ trợ để vừa tăng tính chuyên môn hóa, vừa giảm lệ thuộc nhân công.
Ở một gia đình nông dân mà nhóm du khách chúng tôi đến thăm, cả nhà chỉ gồm 2 vợ chồng già cùng 2 cậu con trai và 2 cô con dâu nhưng đảm đương gần như toàn bộ công việc của cả một nông trại với 400 cô bò sữa.
Bò sữa của những nông dân triệu phú USD 2

Hệ thống vắt sữa tự động

Hơn thế nữa, gia đình không hề nuôi nhốt 400 cô bò trong chuồng để dễ kiểm soát mà nuôi thả hoàn toàn tự nhiên trên đồng cỏ bạt ngàn rộng đến 300 ha. Trên khắp các nông trại ở thung lũng Goulburn (bang Victoria) – nơi được mệnh danh là “thủ phủ sữa tươi” của xứ sở chuột túi, các cô bò sữa trưởng thành đều được chăn thả tự nhiên trên những đồng cỏ như các thảo nguyên bao la, giữa khí hậu ôn hòa. Người dân địa phương cho biết diện tích đồng cỏ dành cho mỗi cô bò tối thiểu phải đạt 0,5 ha để đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên theo tiêu chuẩn của các công ty sữa đề ra, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp hay hormone tăng trưởng.
Kỹ thuật phức tạp
Theo giới chuyên môn, việc chăn thả và ăn cỏ tự nhiên còn giúp bò sữa tăng sức đề kháng. Nếu cô bò nào bị bệnh, sẽ lập tức bị cách ly để chữa trị. Sau khi được chữa trị khoẻ mạnh, cô bò còn phải trải qua một khoảng thời gian theo dõi cho đến khi nào các kiểm tra cho thấy sữa từ cô bò không còn chứa chất kháng sinh tồn dư trong quá trình dùng thuốc. Khi đó, việc vắt sữa mới được thực hiện trở lại.
Chăn thả tự nhiên để đảm bảo nguồn sữa thuần tự nhiên, nhưng việc nuôi bò ở Goulburn là cả một quy trình gồm nhiều kỹ thuật phức tạp. Để đảm bảo thuần tự nhiên, người nông dân cũng không sử dụng phân bón hóa học hay các loại hoá chất trừ sâu. Thay vào đó, họ phải dùng tảo sinh học để nuôi trồng cỏ. Cứ mỗi
5 năm, toàn bộ vùng đồng cỏ rộng lớn được “làm đất”. Lớp đất trên sẽ được xới xuống để đảm bảo chất lượng đất, giúp cỏ tự nhiên sinh trưởng.
Hằng ngày, việc lấy sữa diễn ra hai lần lúc 5 giờ sáng và 4 giờ chiều. Cứ mỗi năm, chúng cho sữa trong khoảng 10 tháng, còn lại 2 tháng được xem là khoảng thời gian nghỉ ngơi. Mỗi cô bò trưởng thành trung bình được vắt sữa từ 5 – 6 năm.
Dây chuyền triệu USD
Không chỉ được trang bị hệ thống vắt sữa tự động đắt tiền. Các hộ nông dân còn đầu tư thiết bị cắt cỏ và lưu giữ cỏ để bò ăn trong mùa đông. Số cỏ để dành này cũng không được sử dụng hóa chất trong quá trình cất giữ nên chi phí đầu tư trang thiết bị cũng tốn kém không ít. Kèm theo đó, mỗi hộ nông dân còn làm các bồn chứa chuyên dụng để đảm bảo nhiệt độ và điều kiện phù hợp cho sữa vắt được. Đó là chưa kể nhiều trang thiết bị cần thiết khác. Tổng chi phí cho một dây chuyền như thế lên đến khoảng 3,5 triệu AUD (gần 60 tỉ đồng) và ngân hàng có thể cho vay từ 40 – 60% giá trị trang thiết bị. Tính luôn cả giá trị đất đai thì mỗi hộ nông dân đều là những triệu phú đô la.
Sở dĩ họ đầu tư tốn kém như vậy bởi những tiêu chuẩn mà các công ty sữa đề ra rất nghiêm ngặt. Công ty sữa Pactum (Úc), là đối tác phối hợp cùng Công ty sữa quốc tế IDP để cung cấp sữa tươi LiF thuần tự nhiên tại VN, gần như theo dõi kiểm soát chặt chẽ quá trình nuôi bò vắt sữa tại các hộ nông dân ở thung lũng Goulburn mà họ tổ chức thu mua sữa. Sau khi sữa được vắt tự động, đưa vào bồn chở đến nhà máy thì mỗi bồn sữa đều được lấy mẫu kiểm tra. Việc kiểm tra khiến người nông dân chẳng dám “ăn gian”.
Sữa đã qua giai đoạn kiểm tra và đảm bảo chất lượng sẽ được đưa vào thùng. Toàn bộ quá trình xử lý đều khép kín và tự động hoàn toàn cho đến khi đóng gói. Tất cả đều diễn ra ở khu vực tiệt trùng. Chính vì thế, lần duy nhất sữa sẽ được mở là khi đến tay người dùng. Hơn thế nữa, quy trình còn được kiểm soát chặt chẽ đến mức từ mã số trên mỗi hộp sữa được bán ra, người tiêu dùng có thể kiểm tra qua internet để biết rõ thời điểm sữa trong hộp được vắt và xử lý là khi nào.
Từng chi tiết đều được chăm chút để góp phần tạo nên một giá trị chung về chất lượng sữa tiêu chuẩn quốc tế mà những hộ nông dân triệu phú và các công ty sữa xứ sở chuột túi kết hợp chinh phục khách hàng toàn cầu.
Theo thống kê được cung cấp bởi Tổ chức Dairy Australia, chuyên phụ trách nghiên cứu và phát triển ngành sữa của Úc, sản lượng sữa của nước này trong niên vụ 2014 – 2015 tăng 3,8% so với niên vụ kế trước, đạt 9,731 tỉ lít. Trong đó, bang Victoria có sản lượng đến 6,39 tỉ lít, chiếm hơn 65% sản lượng cả nước. Đứng vị trí thứ 2 là bang New South Wales với 1,159 tỉ lít.
Từ sản lượng sữa này, ngành thực phẩm Úc chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu như: bơ, sữa tươi, sữa bột, phô mai… Tổng giá trị xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Úc đạt 2,2 tỉ AUD trong năm tài khóa 2015 – 2016, tăng trưởng 4% so với năm 2014 – 2015.
Gần đây, các công ty sữa của Úc tăng cường phát triển ra nhiều thị trường ở các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ và thị trường Trung Đông.

 

Ngô Minh Trí