23/01/2025

Trung Quốc ‘gây báo động’ tại Đối thoại Shangri-La

Đối thoại an ninh quan trọng nhất châu Á – Thái Bình Dương năm nay xác định Biển Đông là “vấn đề cấp bách nhất” bởi những hành động gây căng thẳng liên tục của Trung Quốc.

 

Trung Quốc ‘gây báo động’ tại Đối thoại Shangri-La

Đối thoại an ninh quan trọng nhất châu Á – Thái Bình Dương năm nay xác định Biển Đông là “vấn đề cấp bách nhất” bởi những hành động gây căng thẳng liên tục của Trung Quốc.




An ninh được thắt chặt bên ngoài khách sạn Shangri-La (Singapore), nơi diễn ra đối thoại an ninh thường niên Shangri-La /// Reuters

 

An ninh được thắt chặt bên ngoài khách sạn Shangri-La (Singapore), nơi diễn ra đối thoại an ninh thường niên Shangri-LaREUTERS


Chuyên gia về an ninh châu Á William Choong của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) – đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La (SLD) – ngày 1.6 viết rằng tại SLD lần này, “việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hoá Biển Đông sẽ thu hút phần lớn nội dung tranh luận”.
Diễn ra tại Singapore từ ngày 3 – 5.6, gần thời điểm Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc (PCA) dự kiến ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc do Philippines khởi xướng, đại biểu dự SLD càng quan tâm đến từng động thái và phát ngôn của Bắc Kinh.
Cũng ngày 1.6, tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. “Đó là một động thái khiêu khích, nếu nó thật sự xảy ra”, tiến sĩ Tim Huxley, Giám đốc IISS chi nhánh châu Á nói với Thanh Niên.
“Động thái đó sẽ không chỉ gây báo động các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, mà cả các nước bên ngoài khu vực. Và nó sẽ đẩy các nước có tranh chấp với Trung Quốc thắt chặt quan hệ với Mỹ hơn. Vì vậy, mặc dù thông tin này cũng đã xuất hiện trước đây, tuy nhiên Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc”, ông Huxley nói thêm.
Trung Quốc 'gây báo động' tại Đối thoại Shangri-La - ảnh 1

Việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hoá Biển Đông sẽ là chủ đề chính của Đối thoại Shangri-La năm nayREUTERS

Trong khi đó, một chuyên gia Bộ Quốc phòng Singapore không muốn nêu tên nói với Thanh Niên rằng, quyết định về ADIZ ở Biển Đông của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào phán quyết của PCA. “Tuỳ phán quyết ảnh hưởng thế nào đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu ảnh hưởng tiêu cực, Bắc Kinh có thể tuyên bố ADIZ phủ lên Hoàng Sa, nhưng có phủ Trường Sa không thì khó nói”.
 
 
Trong danh sách đoàn cán bộ Việt Nam dự SLD lần này, có 8 người từ Bộ Quốc phòng, 5 người từ Bộ Ngoại giao và 2 người từ Bộ Công an. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt là sự có mặt của Phó giáo sư Nguyễn Thị Lan Anh, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông thuộc Bộ Ngoại giao, người chuyên bảo vệ lập trường chủ quyền của Việt Nam trước các diễn đàn quốc tế.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cũng sẽ có bài tham luận trong phiên họp kín về “Quản trị căng thẳng ở Biển Đông”. Đây là lần đầu tiên đại biểu từ Bộ Công an có tham luận.

 

Chuyên gia William Choong trong bài viết ngày 1.6 cũng đề cập đến yếu tố phản ứng của các nước ASEAN trước phán quyết của PCA: “Nếu các quốc gia ASEAN không thể ra tuyên bố chung ủng hộ phán quyết, Trung Quốc sẽ trở nên rảnh tay trong vấn đề Biển Đông”. Khi đó, Trung Quốc có thể tuyên bố ADIZ để trả đũa phán quyết của PCA và dằn mặt hành động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

Mặt đối mặt
Nhìn nhận tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia ASEAN là vấn đề an ninh “cấp bách nhất” trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, IISS đã lần đầu tiên xếp hai trưởng đoàn của Việt Nam và Trung Quốc “ngồi chung” phiên thảo luận toàn thể thứ tư với chủ đề “Thách thức trong việc tìm giải pháp cho xung đột” vào sáng 5.6, ông Huxley giải thích với Thanh Niên trong tư cách nhà tổ chức.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu, trong khi phía Trung Quốc là đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội. “Về mặt cấp bậc, ông Vịnh và ông Tôn gần như ngang hàng nhau. Nhưng quan trọng hơn, diễn đàn muốn nghe đại diện hai bên cho biết làm thế nào để quản trị mối nguy an ninh cấp bách nhất này”, ông Huxley nói.
Ngoài đoàn Việt Nam có số lượng đại biểu cao gấp đôi năm 2015, tổng số đại biểu dự SLD lần thứ 15 này cũng ở mức “kỷ lục” – hơn 560 người, từ hơn 30 quốc gia và tổ chức khu vực như EU, NATO. Người sẽ phát biểu đề dẫn tại lễ khai mạc vào tối nay 3.6 là Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Việc IISS chọn ông Prayuth làm người “dẫn dắt” diễn đàn được giới quan sát cho là “lựa chọn thú vị”. Chưa rõ ông Prayuth sẽ nói gì, nhưng “việc một người chấp chính bằng cách lật đổ một chính phủ dân cử chấp nhận xuất hiện trước cộng đồng quốc tế và sẵn sàng đối mặt với các câu hỏi khó là điều rất thú vị”, Phó tổng biên tập Đài phát thanh Thuỵ Sĩ Fredy Gsteiger nói với Thanh Niên.
Bên cạnh vấn đề Biển Đông, SLD năm nay cũng sẽ thảo luận các vấn đề khủng bố, an ninh mạng, mối lo vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và nạn di cư bất thường. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ có bài phát biểu trong phiên toàn thể đầu tiên sáng 4.6 với chủ đề “Đáp ứng các thách thức an ninh phức tạp ở châu Á”.

 

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)