24/12/2024

Người Trung Quốc làm nông trên đất Pháp

Nhiều chuyên gia Pháp đã tỏ ra lo ngại về việc hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp ở miền trung nước này được bán cho các công ty Trung Quốc.

 

Người Trung Quốc làm nông trên đất Pháp

Nhiều chuyên gia Pháp đã tỏ ra lo ngại về việc hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp ở miền trung nước này được bán cho các công ty Trung Quốc.




Đất nông nghiệp ở tỉnh Indre đang thu hút giới đầu tư Trung Quốc /// TV5

 

Đất nông nghiệp ở tỉnh Indre đang thu hút giới đầu tư Trung QuốcTV5


Trong 2 năm qua, liên doanh của 2 tập đoàn China Hongyang và Beijing Reward International Trade cùng 2 doanh nhân Trung Quốc đã mua tổng cộng 1.700 ha đất nông nghiệp tại tỉnh Indre, miền trung Pháp, theo kênh truyền hình TV5. Các thương vụ này diễn ra rất âm thầm và nhóm đầu tư Trung Quốc đã lợi dụng triệt để những bất cập trong luật pháp của nước sở tại để tránh được sự kiểm soát của chính quyền địa phương.
Chỉ mua 98%
Việc nhiều tập đoàn kinh tế Trung Quốc mua đất nông nghiệp ở nước ngoài tuy đã có từ lâu nhưng gần đây, các vùng đất được thu mua không chỉ tập trung ở những khu vực có nhiều nước đang phát triển như ở châu Phi, Nam Mỹ hay châu Á mà đã mở rộng sang châu Âu, Bắc Mỹ. Theo tờ La Nouvelle République, các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng quan tâm đến lĩnh vực nói trên. Một trong những nguyên nhân chính là nước này chiếm gần 20% dân số thế giới trong khi “chỉ” sở hữu khoảng 10% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu.
Trong thương vụ tại tỉnh Indre, nhóm đầu tư Trung Quốc đã mua các cánh đồng nằm ở 3 khu khai thác nông nghiệp. Những cánh đồng này được chủ cũ trồng lúa mì, đại mạch và cải dầu. Điều đáng chú ý là các thương vụ đã “né” một cách hợp pháp sự kiểm soát của Cơ quan Quản lý đất đai nông thôn (Safer).
Theo luật của Pháp, Safer phải được cung cấp thông tin về các dự án mua bán đất nông nghiệp. Cơ quan này có quyền ưu tiên mua lại các khu đất đang được thương thảo. Đây là biện pháp để Pháp có thể đảm bảo được chính sách về nông nghiệp, bao gồm những mô hình sản xuất truyền thống ở các địa phương. Tuy nhiên, Safer chỉ có quyền can thiệp khi khu đất được mua là tài sản riêng của một nông dân hoặc toàn bộ cổ phần của một công ty nông nghiệp dân sự (SCA).
Theo tờ Le Figaro, nhóm đầu tư Trung Quốc đã đi “đường vòng” để đưa Safer vào thế “việt vị” hoàn toàn: Yêu cầu các cá nhân sở hữu đất thành lập SCA và sau đó mua lại… 98% cổ phần của công ty bình phong này. Do không phải là 100% nên thương vụ hầu như tránh được mọi sự kiểm soát. Giám đốc Safer miền trung nước Pháp Valérie Diagne thừa nhận: “Trong trường hợp các tập đoàn Trung Quốc mua đất nông nghiệp ở Indre, chúng tôi không thể làm gì”.
Trên thực tế, do không bị kiểm soát nên thương vụ này rất “bí ẩn”. Hầu như không thấy bóng dáng người Trung Quốc nào xuất hiện ở những khu đất mà họ đã thu mua. Ngay cả những nông dân Pháp được thuê làm việc ở những cánh đồng này cũng cho biết “chưa từng gặp” chủ nhân thật sự. Ông Jaques Charlot, một nông dân có cánh đồng sát với các “khu đất Trung Quốc”, nhận định với kênh truyền hình France 2: “Có những phần của Pháp bị bán cho nước ngoài. Họ có quyền sử dụng đất, nghĩa là họ gần như có thể làm mọi thứ họ muốn…”.
Giá trị thật sự của các thương vụ cũng khó có thể biết được thật sự, vì nhóm đầu tư Trung Quốc không mua đất mà mua cổ phần của SCA. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Nông nghiệp của tỉnh Indre Robert Chaze, nhóm đầu tư này mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung: “Qua nhiều nguồn tin mà chúng tôi có được, họ mua với giá 10.000 euro/ha, trong khi giá trung bình ở đây khá rẻ, chỉ trên dưới 4.000 euro/ha”.
Chưa rõ động cơ
Lai lịch và động cơ của nhóm đầu tư Trung Quốc là gì? Theo TV5, Tập đoàn China Hongyang chuyên kinh doanh trang thiết bị cho các trạm xăng và ngành công nghiệp dầu khí. Công ty Beijing Reward International Trade thì chuyên sản xuất và phân phối sữa bột. Về động cơ, Safer chỉ có thể “đánh giá” trong một thông cáo rằng nông sản từ những khu đất nông nghiệp của nhóm đầu tư Trung Quốc ở Indre sẽ được xuất khẩu. Đến nay, những SCA được nhóm này thu mua lại đều thông qua đầu mối là doanh nhân người Pháp Marc Fressange.
Ông Fressange vốn là chủ của Công ty Ouh La La France chuyên xuất khẩu rượu vang và nông sản sang Trung Quốc. Từ năm 2014, doanh nhân này là “Giám đốc tại châu Âu” của Tập đoàn Chambrisse Investment, chuyên về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm ở EU và Trung Quốc. Theo TV5, nhiều khả năng vợ của ông Fressange, một luật sư Trung Quốc, chính là 1 trong 2 doanh nhân ẩn danh của nhóm đầu tư tại Indre.
Các chuyên gia và giới hữu trách Pháp hiện chỉ có thể phỏng đoán mục đích thật sự của thương vụ này. Chủ tịch Phòng Nông nghiệp Indre Robert Chaze nhận định: “Theo tôi thì có 2 giả thuyết. Thứ nhất, đây là một dạng đầu cơ, họ mua đất với giá cao và tìm cách đẩy giá lên để bán lại và thu lời. Thứ hai, nền nông nghiệp của Pháp được sự hỗ trợ về nhiều mặt từ chính sách chung của EU nên đây là một lĩnh vực đầu tư khá an toàn. Ngoài ra, có một điểm cũng cần lưu ý là về mặt địa lý, Indre nằm giữa Paris với vùng cao nguyên miền trung nước Pháp”.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo nếu các nhà đầu tư Trung Quốc mua đất nông nghiệp như một hình thức mở rộng quy mô canh tác của nước này thì có thể là mối đe doạ đến khả năng tự chủ về lương thực của Pháp.
Từ rượu vang đến sữa
Trước thương vụ ở tỉnh Indre, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã “để ý” đến ngành nông nghiệp Pháp. Theo tờ Les Echos, các công ty, cá nhân của nước này từ nhiều năm qua đã chi tiền để mua các trang trại trồng nho và cơ sở làm rượu vang ở thành phố Bordeaux và các vùng lân cận. Sau thương vụ đầu tiên vào năm 2008, đến năm 2015, các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt qua Bỉ để trở thành nhóm người nước ngoài có nhiều bất động sản nhất ở khu vực này. Hiện nay, trong hàng trăm khu đất được rao bán hằng năm tại Bordeaux, người Trung Quốc và người Pháp thu mua nhiều nhất, cùng chiếm tỷ lệ xấp xỉ 33%.
Rượu vang không phải là sản phẩm “làm tại Pháp” duy nhất thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc. Hồi tháng 4, Tập đoàn Synutra của nước này đã khánh thành “siêu nhà máy” sản xuất sữa tại tỉnh Finistère, tây bắc Pháp, đồng thời thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy thứ 2. Đây là chiến lược vì “tiêu chuẩn Pháp” sẽ thuyết phục khách hàng Trung Quốc, vốn đã mất niềm tin với các sản phẩm trong nước sau nhiều vụ bê bối về sữa bẩn.


 

Lan Chi