23/01/2025

Người Thuỵ Sĩ ‘ở không, hưởng lương khủng’?

Ngày 5.6, người dân Thuỵ Sĩ sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý về 5 đề xuất luật, trong đó đề xuất gây chú ý nhất là thu nhập cơ bản vô điều kiện lên đến 2.500 CHF/tháng.

 

Người Thuỵ Sĩ ‘ở không, hưởng lương khủng’?

Ngày 5.6, người dân Thuỵ Sĩ sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý về 5 đề xuất luật, trong đó đề xuất gây chú ý nhất là thu nhập cơ bản vô điều kiện lên đến 2.500 CHF/tháng.




Một buổi vận động trước kỳ trưng cầu của nhóm đề xuất RBI	 /// Le Nouvel Observateur

 

 

Một buổi vận động trước kỳ trưng cầu của nhóm đề xuất RBILE NOUVEL OBSERVATEUR

 


Hồi cuối tháng 1, khi được chính phủ nước này công nhận đủ điều kiện để mang ra trưng cầu, dự luật về thu nhập cơ bản vô điều kiện (RBI) đã khiến dư luận nhiều nước, trong đó có cộng đồng mạng tại Việt Nam xôn xao.
Viễn cảnh “ngồi không hưởng lương” 2.500 franc Thuỵ Sĩ (CHF), tức hơn 56,6 triệu đồng/tháng, quả thật quá hấp dẫn. Nhưng thực tế điều này sẽ khó trở thành hiện thực.
Mơ giữa ban ngày
Dự luật về RBI thoạt nghe rất lý tưởng: áp dụng cho tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên; những ai lương thấp sẽ nhận được một khoản bù vào để đủ mức tối thiểu; ai không có thu nhập sẽ nhận toàn bộ RBI. Trẻ vị thành niên cũng được nhận 625 CHF/tháng. Nhóm đề xuất đã đưa ra nhiều lý lẽ cho dự luật, trước hết là bảo đảm được nhu cầu sống tối thiểu vì ở xứ sở của các ngân hàng, cứ thu nhập dưới 2.200 CHF (49,8 triệu đồng)/tháng thì bị xếp loại “nghèo khổ”, theo Le Nouvel Observateur.
Nhóm này cho rằng RBI sẽ tạo nên một thay đổi mang tính bước ngoặt khi công dân Thuỵ Sĩ có thể an tâm lựa chọn dành thời gian cho gia đình hoặc các hoạt động xã hội mà không phải lo chuyện tiền nong. Những mối bận tâm như thất nghiệp cũng sẽ vĩnh viễn biến mất.
Những luận điểm trên có vẻ rất lý tưởng nhưng phần lớn người dân Thụy Sĩ vẫn phản đối RBI. Trong 2 thăm dò mới nhất được thực hiện tại nước này vào ngày 22 và 29.4, tỷ lệ nói “không” lần lượt là 57% và 72%. Dựa theo 2 kết quả đó, khả năng dự luật về “ngồi không hưởng lương” được thông qua là rất thấp. Chính phủ Thuỵ Sĩ cũng làm hẳn một chiến dịch về thông tin để chống lại RBI.
Berne ước tính nếu đề xuất này được người dân ủng hộ vào ngày 5.6, ngân sách quốc gia sẽ thiệt hại tối thiểu 25 tỉ CHF/năm, chưa kể khả năng nhiều người nghỉ việc khiến thất thu thuế. Để bù lại, chắc chắn chính phủ phải áp nhiều khoản thuế mới và tăng các loại thuế đã có.
Đến nay, hầu như không có đảng phái lớn hoặc nghiệp đoàn lớn nào tại Thụy Sĩ ủng hộ RBI. Ngay cả giới truyền thông của nước này tuy tỏ ra khách quan bằng cách đăng bài viết cả hai chiều nhưng số lượng các bài bình luận theo hướng “lương vô điều kiện là mơ giữa ban ngày” vẫn nhiều hơn hẳn.
Người Thụy Sĩ 'ở không, hưởng lương khủng'? - ảnh 2

Một biểu ngữ lớn vận động cho chính sách này với dòng chữ “Bạn sẽ làm gì nếu không còn phải lo lắng về thu nhập nữa?”REUTERS

Trưng cầu nhiều nhất thế giới
Vì sao một đề xuất luật có vẻ không tưởng như RBI lại được đàng hoàng đem ra trưng cầu dân ý tại Thuỵ Sĩ? Ở nước này, người dân có quyền trực tiếp khởi xướng để chính quyền tổ chức trưng cầu trong các trường hợp sau: thu thập được chữ ký của 50.000 công dân để bác một dự luật được quốc hội thông qua chưa quá 100 ngày; trong vòng 18 tháng, thu thập được chữ ký của 100.000 công dân để đề xuất/thay đổi/bổ sung luật.
Với điều kiện quá dễ dàng như trên, chỉ trong giai đoạn từ năm 1958 – 2014, Thụy Sĩ đã tổ chức khoảng 400 kỳ trưng cầu dân ý, trong khi quốc gia láng giềng là Pháp chỉ tổ chức 9 lần. Báo mạng Slate dẫn lời chuyên gia Antoine Chollet ước tính: “Trên thế giới, cứ 2 cuộc trưng cầu dân ý thì ít nhất có 1 cuộc được tổ chức ở Thuỵ Sĩ”.
Những đề xuất luật được đưa ra trưng cầu cũng cực kỳ đa dạng, từ việc bỏ nghĩa vụ quân sự đến có nên hỗ trợ chi phí phá thai hay không. Năm 2012, 72% cử tri đã nói “có” với đề xuất quy định trong hiến pháp Thụy Sĩ về việc tạo điều kiện cho giảng dạy âm nhạc, theo Đài phát thanh France Musique. Nhóm đề xuất cho rằng chi phí học nhạc tại nước này quá cao (trung bình 1.500 euro/tháng) và những tài năng âm nhạc không được quan tâm đúng mức. Sau “thắng lợi” ở phòng phiếu, đề xuất nói trên đã trở thành điều 67a trong Hiến pháp Thuỵ Sĩ.
Người Thụy Sĩ 'ở không, hưởng lương khủng'? - ảnh 3

“Trên thế giới, cứ 2 cuộc trưng cầu dân ý thì ít nhất có 1 cuộc được tổ chức ở Thụy Sĩ”REUTERS

Cùng năm, các nghiệp đoàn cho rằng điều kiện làm việc tại Thuỵ Sĩ đang trở nên tệ hơn so với trước đây nên đề xuất tăng số ngày phép được hưởng lương từ 4 tuần lên 6 tuần. Đề xuất này được trưng cầu và thất bại thảm hại với tỷ lệ nói “không” là 67%. Theo tờ Le Temps, nguyên nhân do nhiều người Thụy Sĩ vẫn cho rằng các kỳ nghỉ là “phát minh của những kẻ lười biếng”.

Mặt trái của việc đề xuất trưng cầu quá dễ dàng là có thể dẫn đến tình trạng một số dự luật được người dân nói “có” lại phi thực tế hoặc không thể áp dụng do trái với những quy định hoặc hiệp ước quốc tế mà Thuỵ Sĩ có ký kết. Điển hình vào cuối năm 2009, người dân nước này đã thông qua đề xuất của một nhóm cực hữu với tỷ lệ 57% về việc cấm xây dựng tòa tháp trong các giáo đường Hồi giáo. Vụ việc đã gây một làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế vì ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo.
Phần Lan sẽ thử nghiệm RBI
Từ năm 2017, chính phủ Phần Lan dự định sẽ thử nghiệm áp dụng RBI lên một nhóm dân cư khoảng 5.000 người để ghi nhận những ảnh hưởng về mặt kinh tế, xã hội, theo tờ Le Temps. RBI của nước này rất khác biệt so với đề xuất sắp được trưng cầu tại Thuỵ Sĩ: chỉ từ 550 – 600 euro/tháng; áp dụng cho những người từ 25 – 63 tuổi (trong nhóm dân cư được chọn), bất chấp họ giàu hay nghèo. Khoản hỗ trợ này thật ra rất thấp vì tại Phần Lan, một người có lương ở mức trung bình cũng đã cao hơn gấp 6 lần. Ngoài ra, do thuế sẽ tăng để bù lại nên những người thu nhập cao nếu được hưởng RBI thì sau đó cũng bị trừ lại một khoản thuế tương đương.

 

Nguyễn Ngọc Lan Chi