24/12/2024

Doanh nghiệp bắt tay, người tiêu dùng được lợi

Sự “bắt tay” giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển là động thái rất tích cực trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa ngày càng tăng.

 

Doanh nghiệp bắt tay, người tiêu dùng được lợi

 

Sự “bắt tay” giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển là động thái rất tích cực trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa ngày càng tăng. 

 

 

 

 

Doanh nghiệp bắt tay, người tiêu dùng được lợi
Khách hàng chọn mua rau sạch tại siêu thị Vinmart Thảo Điền, Q.2, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Làn sóng DN nước ngoài đổ bộ vào VN đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt, nhưng đây là thách thức mà các DN Việt không được sợ và phải đối mặt. Phải có tâm thế cạnh tranh, chứ đừng lo sợ co cụm lại theo kiểu chống chọi bị động và đơn lẻ

Bà Đinh Thị Mỹ Loan 
(chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN)

Đặc biệt, với sự “bắt tay” này, chính người tiêu dùng hưởng lợi nhiều nhất.

Nhiều chuyên gia và cả các DN đều cùng có chung nhận định như vậy về sự kiện Vingroup ký kết với 250 DN sản xuất diễn ra tại Hà Nội ngày 1-6. Bởi mục tiêu của việc liên kết này nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, xây dựng những thương hiệu Việt và mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nội

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, cho rằng các DN VN hiện có thể cảm thấy áp lực cạnh tranh “nóng sát ngay sau gáy” vì hàng hoá ngoại đã phủ đầy các siêu thị Hà Nội, TP.HCM, chiếm ưu thế trên thị trường hàng tiêu dùng.

Theo bà Hạnh, các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, mới đây nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, cùng làn sóng DN nước ngoài đổ bộ vào VN đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn gây áp lực lên toàn bộ nền sản xuất nội địa.

“Đây là thách thức mà các DN VN không được sợ và phải đối mặt. Phải có tâm thế cạnh tranh, chứ đừng lo sợ co cụm lại theo kiểu chống chọi bị động và đơn lẻ” – bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN, nhấn mạnh.

Có lẽ không ít DN sản xuất trong nước cũng đã xác định được phương hướng đối mặt trong xu thế cạnh tranh này, nên ngay khởi đầu đã có tới 250 DN hưởng ứng chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa” do Vingroup khởi xướng.

Theo các chuyên gia, việc hình thành một cộng đồng DN sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, xây dựng những thương hiệu mạnh cho hàng Việt, tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng đảm bảo chất lượng cho người Việt.

Trong những DN đầu tiên tham gia ký kết và triển khai chương trình đã có sự góp mặt của đủ các ngành hàng tiêu dùng cơ bản: thực phẩm, hoá mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, thời trang…

Điều này cũng phản ảnh một thực tế của các DN Việt tuy sản xuất kinh doanh ở những ngành hàng khác nhau, nhưng đều có chung nhu cầu và sẵn sàng tham gia một sân chơi công khai về chất lượng, cạnh tranh về giá cả… để có thể nâng cao vị thế sản phẩm của mình nói riêng và hàng Việt nói chung.

Bà Mỹ Loan nhận xét: “250 DN đã ký kết chứng tỏ họ đủ tự tin đứng được trong siêu thị với những yêu cầu khắt khe, cạnh tranh được với đối thủ ngoại và Vingroup cũng có đủ cơ sở để tin tưởng ở DN Việt”.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Tại lễ ký kết, ông Lê Khắc Hiệp, phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, chia sẻ: “Tập đoàn và các công ty thành viên gồm Vincommerce, Vincom Retail, VinEco, VinDS sẽ triển khai các gói giải pháp hỗ trợ như ưu đãi về phân phối, tăng cường hiện diện thương hiệu của DN trong hệ sinh thái hàng h, dịch vụ của Vingroup”.

Theo ông Hiệp, một số DN sẽ được tư vấn về công nghệ, quản trị, kiểm soát chất lượng, marketing, tiêu thụ hàng hoá và tham gia góp vốn nâng cao hiệu quả trong vòng một năm.

“Riêng các DN cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng chiết khấu bằng 0% khi tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của tập đoàn” – ông Hiệp khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, để tham gia chương trình các sản phẩm phải là sản phẩm sạch, an toàn, phải được các hệ thống kiểm định chất lượng công nhận và chứng minh được nguồn gốc…

“Ngoài việc được kiểm soát từ quy trình sản xuất, các lô hàng nhập vào hệ thống siêu thị Vinmart sẽ được kiểm tra chất lượng đầu vào tại các phòng thí nghiệm hiện đại để đảm bảo các sản phẩm và các nhà sản xuất không đạt tiêu chuẩn sẽ không “lọt” vào hệ thống bán lẻ Vinmart” – ông Hiệp cho biết thêm.

Theo Vingroup, cùng với việc ký kết đưa thực phẩm sạch vào hệ thống siêu thị, tập đoàn này đã đầu tư xây dựng hệ thống 16 phòng thí nghiệm tại các địa phương có hệ thống Vinmart. Cùng với hai phòng thí nghiệm lớn nhất tại Hà Nội và TP.HCM, toàn bộ sản phẩm tiêu thụ trong hệ thống Vinmart và Vinmart+ sẽ được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giám đốc một DN tham gia ký kết cho biết sau khi cân nhắc các điều kiện, DN nhận thấy tham gia chương trình sẽ có một số lợi thế, được hỗ trợ tối đa cho đầu ra sản phẩm. “Chẳng hạn thay vì chi trả cho Vinmart, toàn bộ phần chiết khấu sẽ được hoàn lại để DN có thêm kinh phí, có điều kiện tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có thể giảm giá thành, tăng thêm sức cạnh tranh” – vị này nói.

Ngược lại, theo các DN, Vingroup cũng sẽ thu được lợi ích từ việc đa dạng hóa nguồn cung cấp sản phẩm có chất lượng, an toàn, đồng thời có cơ hội thúc đẩy hệ thống bán lẻ của Vingroup phát triển, đặc biệt là hệ thống thương mại điện tử có thương hiệu là Adayroi. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, với việc bắt tay giữa Vingroup và các DN sản xuất, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn những sản phẩm Việt có chất lượng, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

“Việc kết nối giữa Vingroup với các DN sẽ giảm được các chi phí trung gian, sản phẩm đi thẳng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng thông qua phương thức phân phối hợp lý. Như thế người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc, có đủ thông tin, quyền lựa chọn phong phú hơn, giá cả hợp lý” – bà Loan nói.

Bà Vũ Kim Hạnh (chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao):

Doanh nghiệp bắt tay, người tiêu dùng được lợi
Ảnh: N.KHÁNH

Hợp tác thực chất nâng cao vị thế doanh nghiệp

Nâng cao vị thế của hàng VN không thể nói chung chung, mà phải do mỗi DN xác lập bằng chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ, lòng tin của người tiêu dùng… Sự tham gia của Vingroup với vai trò một DN lớn đồng hành cùng các DN sản xuất hàng Việt gỡ khó đầu ra là rất đáng hoan nghênh và sẽ tạo ra sự lan toả, đồng hành, tiếp sức từ cộng đồng.

Vì vậy, Hội DN hàng VN chất lượng cao nhận thấy nên đồng hành với Vingroup để hỗ trợ các DN trong nước tiếp tục xây dựng thương hiệu “Hàng VN chất lượng cao”, thúc đẩy sản xuất hàng hoá có chất lượng và tiêu thụ nội địa, cùng nhau củng cố vị thế của DN VN.

Tôi mong đợi việc ký kết của Vingroup với 250 DN sẽ không mang tính hình thức mà đi vào hoạt động thật sự, có hiệu quả. Chương trình này phải đi vào thực chất để góp phần nâng cao thực lực cho các DN, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay, sự tiên phong đi đầu của Vingroup là rất cần thiết, nhất là trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm sạch.

Bà Phạm Chi Lan 
(chuyên gia kinh tế):

Doanh nghiệp bắt tay, người tiêu dùng được lợi
Ảnh: N.KHÁNH

Hỗ trợ nhau cùng phát triển

Suốt những năm gắn bó với việc hỗ trợ DN, xúc tiến thương mại, điều chúng tôi mong mỏi nhất là các DN trong nước phải có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng đồng hành và phát triển. Đó là sự liên kết giữa DN lớn với DN nhỏ, giữa các DN nhỏ với nhau. Các DN sản xuất phát triển, nhưng muốn đưa sản phẩm ra thị trường thì cần sự hỗ trợ của các DN khác như DN về dịch vụ, về 
phân phối, logistics…

Con đường để phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm của DN cần tìm được đối tác mạnh, có khả năng kết nối. Vì thế, nếu Vingroup làm được vai trò kết nối các DN nội địa để cùng nhau phát triển mạng lưới tiêu thụ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh cho các DN trong nước là một việc làm rất đáng ủng hộ.

MỸ KHANH