Doanh nghiệp đào hào rộng 6m sâu 3m phòng thủ voi rừng
Công ty Hoàn Vũ, xã Ia Lốp, H.Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã đào khoảng 13km đường hào (rộng 6m, sâu 3m) xung quanh vùng dự án gần 1.400ha được tỉnh giao quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả để ngăn chặn voi rừng phá cây ăn trái…
Doanh nghiệp đào hào rộng 6m sâu 3m phòng thủ voi rừng
Công ty Hoàn Vũ, xã Ia Lốp, H.Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã đào khoảng 13km đường hào (rộng 6m, sâu 3m) xung quanh vùng dự án gần 1.400ha được tỉnh giao quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả để ngăn chặn voi rừng phá cây ăn trái…
Nhiều người lo ngại hào ngăn voi của Công ty TNHH Hoàn Vũ sẽ gây nguy hiểm cho voi – Ảnh: TIẾN THÀNH |
Doanh nghiệp không thể lấy lý do bảo vệ tài sản của mình để muốn làm gì thì làm trên đất rừng được |
Ông NGUYỄN NGỌC PHÚ (trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn H.Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) |
Ngày 30-5, có mặt tại khu vực dự án của Công ty TNHH Hoàn Vũ (gọi tắt là Công ty Hoàn Vũ), chúng tôi thấy doanh nghiệp này vẫn tiếp tục cho đào những đường hào sâu xung quanh và trong vùng dự án.
“Không còn cách nào”
Ông Hà Cẩm Bình – người quản lý dự án của Công ty Hoàn Vũ, phụ trách việc đào hào – dẫn chúng tôi đi thăm gần 100ha đất trồng chuối, cỏ voi trong vùng dự án đã bị voi rừng, trâu bò ăn, phá tả tơi, phải bỏ hoang.
“Từ cuối năm 2015, công ty cho đào hào xung quanh vùng dự án và các đường băng bên trong thì bò, voi không vào phá được nữa. Cách đây ít lâu đàn voi rừng lọt qua chỗ đất chưa đào vào ăn chút đỉnh hà” – ông Bình kể.
Theo ông Bình, mỗi khi mùa hạn đến là người dân địa phương cứ vô tư thả hàng trăm con bò vào ăn chuối, cỏ của công ty, không thể ngăn cản nổi. Còn mỗi lần “ông tượng” về thì cả cánh đồng tan hoang, đường ống dẫn nước chôn chìm bên dưới cũng bị giẫm nát, hư hại phải làm lại.
“Không còn cách nào khác, công ty đành phải tính đến phương án đào hào để ngăn voi. Ngoài ra, năm rồi công ty cũng đã thu hồi khoảng 200ha đất bị lấn chiếm, hỗ trợ người dân khoảng 2 tỉ đồng. Thu hồi đất đến đâu, chúng tôi đào hào đến đó để phân ranh giới” – ông Bình nói.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lê Xuân Phương – phó giám đốc Công ty Hoàn Vũ – cũng cho biết hết cách rồi mới phải đào hào ngăn voi rừng, trâu bò phá hoại cây trái.
Ông Phương kể trong hai năm 2014 và 2015 đàn voi rừng, trâu bò phá tan hoang khoảng 50-70ha chuối, cỏ đang trong kỳ sinh trưởng, thiệt hại gần 20 tỉ đồng nhưng khi làm đề xuất Nhà nước hỗ trợ thì không được…
Chúng tôi đặt vấn đề dư luận lo ngại việc công ty đào hào như vậy sẽ gây nguy hiểm cho voi rừng nếu voi lọt xuống hào.
Ông Phương cho rằng công ty đã có phương án là mỗi khi đàn voi về và bỏ đi, công nhân sẽ đi tuần tra dọc đường hào để kiểm tra và sẽ có phương án cứu hộ ngay nếu voi lọt xuống hào.
“Hơn nữa, sau này chúng tôi sẽ trồng một hàng cây bên mép ngoài của hào, vừa tạo cảnh quan vừa ngăn ông tượng, đảm bảo an toàn cho người dân” – ông Phương giải thích thêm.
Làm khi chưa xin phép
Việc đào hào để ngăn voi của Công ty Hoàn Vũ gặp sự phản đối từ nhiều cơ quan chức năng. Một cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho rằng việc đào hào quá sâu và rộng gây rủi ro rất cao cho đàn voi rừng, có thể khiến voi con bị rơi xuống hào. Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã nhiều lần phản đối việc này.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn H.Ea Súp, cho biết vừa qua UBND huyện đã giao đơn vị chủ trì, lập đoàn kiểm tra việc Công ty Hoàn Vũ tự ý đào hào xung quanh và trong vùng dự án.
Theo ông Phú, việc công ty tự ý đào hàng chục kilômet giao thông hào khi chưa xin phép là vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
“Việc công ty này cho đào hào còn làm thay đổi địa hình, địa mạo, môi trường, thảm thực vật tại khu vực” – ông Phú nói.
Ông Phú phân tích thêm dự án này phần lớn là đất rừng nên khi doanh nghiệp muốn tác động, thay đổi dự án thì phải làm thủ tục xin phép. Nếu tỉnh đồng ý về mặt chủ trương thì doanh nghiệp phải thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế, diện tích phải thu hồi đất, chuyển đổi mục đích, số cây rừng phải tận thu, đánh giá tác động môi trường…
Còn ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết ông chưa nghe báo cáo về việc doanh nghiệp đào hào để ngăn voi, trâu bò. “Phải kiểm tra xem doanh nghiệp đào hào thế nào, diện tích rừng bao nhiêu, có cây rừng hay không… thì chúng tôi mới có thể thông tin tiếp” – ông Dương nói.
Đã chuyển hồ sơ sang công an Theo báo cáo của UBND H.Ea Súp, dự án đầu tư quản lý bảo vệ rừng và trồng cây ăn quả với diện tích 1.398,5ha của Công ty Hoàn Vũ được UBND tỉnh cho thuê đất từ cuối năm 2007. Đến nay, doanh nghiệp này đã trồng 460ha cây ăn quả, 111ha chuối Nam Mỹ, 127,3ha cỏ voi, 213ha cây điều, hoa màu… Ông Nguyễn Đình Toản, phó chủ tịch UBND H.Ea Súp, cho biết huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về những tồn tại, vi phạm của Công ty Hoàn Vũ. “Quan điểm của huyện là không đồng ý việc doanh nghiệp đào giao thông hào xung quanh dự án. Xua đuổi voi, trâu bò còn có nhiều phương án khác, không thể tự ý thay đổi dự án khi chưa được tỉnh đồng ý” – ông Toản nói. Liên quan đến việc này, ông Toản cho biết Hạt kiểm lâm huyện đã chuyển hồ sơ sang Công an huyện để khởi tố về hành vi hủy hoại tài nguyên rừng… UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho tạm dừng triển khai dự án của Công ty Hoàn Vũ và xử lý theo quy định. |