Trong phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật được coi là đầu tiên ở VN, các tác phẩm đã được bán hết. Nhưng với số tiền cọc quá thấp so với giá thắng, nguy cơ người đấu thắng ‘bùng’ không phải không có.
Kịch tính đấu tác phẩm nghệ thuật
Trong phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật được coi là đầu tiên ở VN, các tác phẩm đã được bán hết. Nhưng với số tiền cọc quá thấp so với giá thắng, nguy cơ người đấu thắng ‘bùng’ không phải không có.
Trong phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại VN, do Công ty Lạc Việt tổ chức tại khách sạn Sheraton (Hà Nội), những bước tăng giá khá đa dạng. Nếu như có sản phẩm lần tăng giá sau 30 giây chỉ là 1 triệu đồng thì với tác phẩm khác nó tăng tới 50 triệu đồng. Điều này làm các cuộc đấu trở nên kịch tính hơn, nhất là gần về cuối.
Khời điểm 900 triệu “đấu” lên 6,5 tỉ
Kết thúc phiên đấu giá tối 28.5, cả 5 tác phẩm đều được bán cao hơn giá khởi điểm. Chiếc tủ thờ gỗ gụ (thế kỷ 19), thuộc sở hữu của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, dự kiến bán 65 – 80 triệu đồng, sau đó được bán với giá 143 triệu đồng. Tranh sơn dầu Bên dòng sông đỏ, họa sĩ Đào Hải Phong, dự kiến 120 – 150 triệu đồng, bán 150 triệu đồng. Tranh sơn dầu Hạnh phúc, hoạ sĩ Hoàng Phượng Vỹ, dự kiến 50 – 60 triệu đồng, bán 65 triệu đồng. Tranh sơn dầu, acrylic Tiên nữ vùng cao, hoạ sĩ Quách Đông Phương, dự kiến 55 – 70 triệu đồng, bán 95 triệu đồng. Hai chiếc choé độc bản cỡ lớn bằng gốm của nghệ nhân Phạm Anh Đạo, dự kiến 900 triệu đồng, sau 29 phiên trả giá đã được bán với giá 6 tỉ 50 triệu đồng.
Phiên đấu giá có sự tham gia “đấu trực tiếp” của 12 cá nhân, tổ chức, trong đó có các đại diện đến từ Pháp, Trung Quốc.
Về phiên đấu giá này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh triển lãm, Bộ VH-TT-DL, cho rằng từ việc cả 5 tác phẩm đưa lên sàn đều có người mua, có thể cho rằng công tác tổ chức khách hàng có hiệu quả.
Đôi choé Tứ linh, chất liệu gốm, do nghệ nhân Phạm Anh Đạo thực hiện năm 2010. Cao 230 cm. Đường kính lớn nhất 130 cm. Mỗi chiếc nặng 5 tạ. Nước men rạn theo lối giả cổ. Đây là sản phẩm vuốt tay. Thời gian thực hiện 365 ngày, nung gần 70 tiếng trong lò.
Để được tham dự đấu giá, các khách hàng sẽ phải nộp tiền cọc để đảm bảo mình không… bùng. Số tiền này được Lạc Việt đưa ra với các tác phẩm khác nhau, tương ứng với mức giá dự kiến. Chẳng hạn, mức cọc để đấu giá tủ thờ là 8 triệu đồng. Tiền cọc của bức Bên dòng sông đỏ là 10 triệu đồng, bức Hạnh phúc là 5 triệu, bứcTiên nữ vùng cao là 5 triệu, cặp choé là 50 triệu đồng. Nếu so sánh với giá thắng trong cuộc đấu giá, số tiền cọc này không là bao nhiêu. Nó đặc biệt chênh lệch nếu so cả về tỷ lệ lẫn giá trị với trường hợp của cặp choé. Trong khi tiền cọc là 50 triệu đồng, thì giá sẽ phải trả cho nó lên tới 6 tỉ 50 triệu đồng.
“Khách hàng khi tham dự đấu giá đã phải hình dung ra nếu mình không lấy thì đương nhiên mất cọc. Và cũng có các cam kết ràng buộc kèm theo thì cũng là cách để khách hàng hiểu được giá trị lời nói của mình. Có thừa phát lại đến tham dự phiên đấu giá. Đặc biệt chủ của đôi choé là một tập đoàn rất lớn rồi. Người ta không thể đánh đổi uy tín của mình đâu”, bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc khu vực miền Bắc của Lạc Việt nói. Cũng theo bà, bên Lạc Việt đã cố hết khả năng để tránh việc thắng đấu giá mà lại không mua nên đã mời công chứng viên xác nhận hợp đồng mua bán tài sản, và mời thừa phát lại để lập biên bản cho hành vi hợp đồng bằng lời nói trong phiên đấu giá.
“Đặt cược” uy tín
Hiện tại, người tuyển chọn tác phẩm cho Lạc Việt trong cuộc đấu giá này là hoạ sĩ Lê Thiết Cương. Các tác giả có tác phẩm tham gia đấu giá lần này là những người ông đã rất am hiểu về phong cách và cũng vô cùng thân thiết. Có thể nói, ông Cương đã “đặt cược” uy tín của mình vào cuộc đấu giá. Nếu sau này các tác phẩm có xảy ra vấn đề, chẳng hạn có những bản nhang nhác giống, thì ông sẽ bị liên lụy về uy tín. Chính vì thế, việc có thêm một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật khác cùng làm việc với ông Cương là điều cần thiết.
Còn nhớ, khi hoạ sĩ cũng là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đăng nói về tranh giả, ông cũng nói nhiều đến các thí nghiệm hoá học, vật lý để xác định về các lớp sơn. Chính vì thế, đấu giá VN cần có thêm chuyên gia chứ không thể chỉ trông cậy vào các hoạ sĩ và giám tuyển.
Hệ thống khách hàng tiềm năng của công ty đấu giá cũng cần được xây dựng. Trong lần đấu giá này, theo bà Phượng, có 300 giấy mời đã được phát ra. Tuy nhiên, số xác nhận tới dự chỉ có 130. Điều đáng nói, trong số giấy mời này còn có cả các quan chức hành chính từ các bộ, ngành, địa phương. Có nghĩa là tới dự với tư cách khách mời chứ không phải khách hàng tiềm năng của đấu giá. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh, người đã đấu giá tại nhiều nhà đấu giá lớn trên thế giới, các nhà đấu này có hệ thống dữ liệu khách hàng rộng lớn. Những khách hàng này được gửi thông tin đều đặn về cuộc đấu giá sắp diễn ra.
Trong thông cáo báo chí phát ra, Lạc Việt cho biết trong thành phần khách mời có đại sứ các nước. Tuy nhiên, cũng theo bà Phượng, đã chỉ có đại sứ một nước tới tham dự.
Hiện chưa có thông tin về phiên đấu giá tiếp theo.