Gạo thơm lên ngôi
Gạo thơm vươn lên đứng đầu trong cơ cấu xuất khẩu gạo của VN 4 tháng đầu năm.
Gạo thơm lên ngôi
Gạo thơm vươn lên đứng đầu trong cơ cấu xuất khẩu gạo của VN 4 tháng đầu năm.
Tăng lượng, tăng giá
Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết, so với tháng 3, tình hình xuất khẩu (XK) gạo tháng 4 có nhiều khó khăn. Cụ thể lượng XK đạt 453.000 tấn giảm khoảng 100.000 tấn, tương đương 20%; nếu so với cùng kỳ năm 2015, lượng XK giảm trên 30%. Nguyên nhân XK giảm mạnh trong tháng 4 là do không còn hợp đồng tập trung; hợp đồng tập trung chiếm 42% và hợp đồng thương mại chiếm 58%. Tình hình thị trường thế giới đang ảm đạm do nhu cầu nhập khẩu (NK) từ các nước NK hạn chế. Bên cạnh đó còn do tác động tâm lý của các nhà NK trước thông tin Thái Lan sẽ xả kho 11,4 triệu tấn. “Tình hình thị trường trầm lắng sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý 2”, VFA dự báo. Chính vì vậy mà tổ chức này dự kiến XK quý 2 chỉ đạt 1,5 triệu tấn, thấp hơn kế hoạch tháng trước 100.000 tấn.
Tính đến hết tháng 4, luỹ kế XK đạt gần 1,9 triệu tấn, trị giá (FOB) trên 788 triệu USD; so với cùng kỳ 2015 tăng gần 21% về lượng, trị giá (FOB) tăng trên 21%. Giá XK bình quân giảm 0,74 USD/tấn.
TIN LIÊN QUAN
Hạn hán đang gây tác hại nghiêm trọng cho các ‘vựa lúa’ châu Á, nhưng VN được dự báo có thể duy trì, thậm chí tăng sản lượng gạo xuất khẩu.
Trước tình hình XK gặp nhiều bất lợi, mặt hàng gạo thơm đã có sự bứt phá ngoạn mục khi vươn lên đứng đầu trong cơ cấu XK gạo của VN. Trong tháng 4, gạo thơm XK chiếm đến 40%, kế đến là nếp 28% và gạo cao cấp chiếm trên 19%, gạo trung bình hơn 9%… Nếu tính cả 4 tháng đầu năm, XK gạo thơm vẫn đứng đầu với trên 26%, đương tương 500.000 tấn; tăng đến 45% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là mặt hàng gạo trắng trung bình chiếm 24,5%, tăng 44%. Gạo trắng cao cấp chiếm 21%, giảm 5%.
Các chuyên gia trong ngành lúa gạo cho biết, gạo chất lượng trung bình và thấp tăng là do các hợp đồng tập trung giao cho Indonesia và Philippines trong 3 tháng đầu năm. Trong khi đó, XK gạo thơm tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn là do tăng XK vào châu Á và châu Phi bằng các hợp đồng thương mại. Báo cáo của VFA cũng thừa nhận: Luỹ kế hợp đồng trong tháng 4 vẫn còn khoảng 1,4 triệu tấn, hầu hết là hợp đồng thương mại ký với Trung Quốc và châu Phi. Trong số hợp đồng còn lại phần lớn là gạo thơm 549.000 tấn.
|
Giá gạo thơm Jasmine đã tăng khoảng 10 – 15 USD/tấn trong tháng 4. Cụ thể vào đầu tháng giá khoảng 470 – 475 USD/tấn, đã đạt mức 485 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo thơm tăng là do nhu cầu của các thị trường NK vẫn ổn định và nguồn cung trong nước hạn chế.
Nỗ lực cần được tiếp sức
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) cho biết: “Gạo thơm của Thái Lan làm lúa mùa nên chất lượng cao, giá trung bình khoảng 900 USD/tấn. Gạo thơm của chúng ta có giá cạnh tranh, phù hợp với thị trường trung cấp, nên thị trường cũng khá rộng”.
Một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) nói: Chúng ta có 2 doanh nghiệp (DN) lớn “dẫn dắt” ngành lúa gạo. Nhưng trước giờ các DN rất thụ động, họ chỉ trông chờ vào các hợp đồng tập trung và tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước để kiếm lời. Thời gian gần đây với sức ép thị trường, các hợp đồng tập trung không còn mang lại lợi nhuận nên một số DN nhỏ hơn, DN tư nhân chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường. Những hợp đồng thương mại này họ yêu cầu sự cạnh tranh lớn về chất lượng và giá cả. Chính vì vậy, các DN này muốn tồn tại phải bảo đảm chất lượng bằng cách tổ chức sản xuất. Đây chính là tín hiệu tích cực để từng bước cải thiện hình ảnh hạt gạo VN.
Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), XK gạo thơm tăng trưởng được như vậy là điều hết sức đáng mừng. Trong khi XK gạo trắng 5% tấm giá từ 370 – 400 USD/kg thì gạo thơm có giá 550 – 600 USD/tấn; thậm chí sản phẩm chất lượng cao, làm thương hiệu tốt có giá đến 700 USD/tấn. Đó là kết quả nỗ lực nhiều năm qua của các DN từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhiều DN đã liên kết với bà con nông dân và tổ chức sản xuất, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường mới, xây dựng thương hiệu. Hiện nay ngoài các thị trường truyền thống, tập trung các DN đã mở rộng ra nhiều thị trường khác như: Đài Loan, châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ…
Chí Nhân