23/01/2025

Cuộc đời ly kỳ của 2 lãnh đạo Triều Tiên

Hai trong số 5 nhân vật quyền lực nhất CHDCND Triều Tiên từng trải qua nhiều biến động trong cuộc đời và sự nghiệp.

 

Cuộc đời ly kỳ của 2 lãnh đạo Triều Tiên

Hai trong số 5 nhân vật quyền lực nhất CHDCND Triều Tiên từng trải qua nhiều biến động trong cuộc đời và sự nghiệp.




Thủ tướng Pak Pong-ju (bìa trái) tháp tùng lãnh đạo Kim Jong-un trong một chuyến thị sát	 /// KCNA

 

Thủ tướng Pak Pong-ju (bìa trái) tháp tùng lãnh đạo Kim Jong-un trong một chuyến thị sátKCNA


Theo Bloomberg, đương kim Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Pak Pong-ju vừa được giao thêm nhiệm vụ “đứng mũi chịu sào” trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch kinh tế 5 năm mới. Điều này cho thấy ông Pak trở thành một trong những trụ cột hiện nay trong chính sách phát triển song song vừa kinh tế vừa phát triển vũ khí hạt nhân được nhà lãnh đạo Kim Jong-un thông báo trong Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng Lao động Triều Tiên (WPK) hồi đầu tháng 5.
Cũng trong sự kiện này, Thủ tướng Pak được tái bổ nhiệm vào Đoàn chủ tịch Bộ Chính trị WPK, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Đoàn chủ tịch Bộ Chính trị Triều Tiên hiện có 5 người gồm lãnh đạo Kim Jong-un, Chủ tịch Thường vụ Quốc hội Kim Yong-nam, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Triều Tiên Hwang Pyong-so, Thủ tướng Pak và Bí thư WPK Choe Ryong-hae.
Điều đáng chú ý là cả Thủ tướng Pak và Bí thư Choe đều đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp, thậm chí từng bị trừng phạt, phải đi học tập cải tạo nhưng đã có những sự trở lại ngoạn mục.
Đời “như phim”
Bloomberg dẫn lời giới quan sát nhận định ông Pak Pong-ju, 77 tuổi, là một trong những nhà kỹ trị và có đầu óc cởi mở về kinh tế hiếm hoi tại Triều Tiên. Ông bắt đầu được giới lãnh đạo chú ý cất nhắc từ lúc giữ vị trí bí thư đảng ủy tại một nhà máy hoá chất nhà nước giai đoạn 1983 – 1993 và sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng phụ trách công nghiệp nhẹ rồi Phó trưởng ban Kinh tế trung ương.
Khi đó, ông Pak được cho là nằm trong số nhóm quan chức được nhà lãnh đạo Kim Jong-il tin tưởng nhất để thực hiện mục tiêu vực dậy nền kinh tế khó khăn của Triều Tiên. Đến năm 2002, ông là thành viên của một phái đoàn kinh tế đến thăm Hàn Quốc và một năm sau thì được bổ nhiệm làm Thủ tướng.
Trên cương vụ lãnh đạo chính phủ, theo Bloomberg, ông Pak đã có những chính sách cởi mở “chưa từng có” trong thời điểm đó như phần nào cởi trói cho các doanh nghiệp nhà nước về tiền lương cũng như chủ trương mở cửa hơn cho người dân kinh doanh.
Tuy nhiên, đến năm 2005, tình hình trở nên xấu đi với Thủ tướng Pak. Những khu chợ tự do mọc lên khắp nước và bị thành phần bảo thủ trong đảng cáo buộc là “tự do lệch lạc”. Hàng hóa Hàn Quốc tràn ngập các chợ qua đường buôn lậu từ Trung Quốc càng gây thêm lo ngại về “sự xâm nhập toàn diện của chủ nghĩa tư bản”, theo tờ Chosun Ilbo. Thủ tướng Pak bắt đầu bị chống phá quyết liệt và cuối cùng bị cách chức năm 2007. Sau một đợt “chỉnh huấn tư tưởng”, ông bị điều đi làm quản đốc tại một nhà máy dệt ở tỉnh Nam Pyongan.
Tuy nhiên, sau mấy năm “cải tạo”, ông Pak đã được đưa trở lại nắm Ban Công nghiệp nhẹ trung ương vào năm 2012, thời điểm ông Kim Jong-un chính thức lên lãnh đạo đất nước. Đến tháng 4.2013, ông Pak được bổ nhiệm lại chức vụ Thủ tướng. Chosun Ilbo dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên nhận định rất hiếm khi một nhân vật không có liên hệ trực tiếp với gia đình lãnh đạo Triều Tiên có thể trở lại con đường chính trị thành công. “Cuộc đời của ông Pak như một bộ phim vậy”, vị quan chức này nói.
Trong thời gian qua, Thủ tướng Pak được cho là đã tiếp tục có nhiều động thái cải cách về hệ thống kinh tế Triều Tiên như cho phép cấp quản lý các nhà máy có quyền tự chủ về lương, thuê mướn và sa thải nhân công. Về cải cách nông nghiệp, nông dân được phép giữ lại phần lớn nông sản thu hoạch. Nhờ đó, tuy còn ở mức thấp nhưng kinh tế Triều Tiên liên tục tăng trưởng, dao động từ 0,8 – 1,3% trong những năm gần đây, theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.
“Không ai ở Triều Tiên hiểu biết về nền kinh tế nước này hơn ông Pak. Lãnh đạo Kim đang dựa ông Pak để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế”, Bloomberg dẫn lời Kim Young-hui, một người đào tẩu từ Triều Tiên và đang làm việc cho Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc nhận định.
Thăng trầm Choe Ryong-hae
Cuộc đời ly kỳ của 2 lãnh đạo Triều Tiên - ảnh 1

Bí thư Choe Ryong-haeREUTERS

       

Trường hợp Bí thư Choe Ryong-hae cũng thuộc dạng “độc nhất vô nhị” khi ông đã 3 lần vào ra Đoàn chủ tịch Bộ Chính trị và có lúc được xem là nhân vật quyền lực số 2 ở Triều Tiên.

Ông Choe, 66 tuổi, là con trai của ông Choe Hyon – một trong những nguyên lão được trọng vọng nhất ở Triều Tiên, là bạn chiến đấu của Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) từ những ngày đầu. Theo tờ NK Daily, gia đình Choe sống ngay cạnh dinh thự của gia đình lãnh đạo Kim và một số nguồn tin cho biết lãnh đạo Kim Jong-il xem Choe Ryong-hae như em. Truyền thông Hàn Quốc dẫn các nguồn tin cấp cao từ Bình Nhưỡng tiết lộ trước khi qua đời vào tháng 12.2011, lãnh đạo Kim Jong-il từng gửi gắm ông Choe hỗ trợ ông Kim Jong-un.
Tháng 4.2012, Choe Ryong-hae được phong Phó nguyên soái nắm Tổng cục Chính trị quân đội và trở thành ủy viên Đoàn chủ tịch Bộ Chính trị. Tuy nhiên, theo Chosun Ilbo, một bộ phận lớn trong quân đội khá bất mãn vì ông chưa bao giờ là một quân nhân thực thụ.
Một số nguồn tin cho hay Choe đưa nhiều người thân cận vào các vị trí chỉ huy chủ chốt, huy động binh sĩ đi xây dựng các công trình dân sự và thâu tóm nhiều cơ sở kinh tế của quân đội. Một số chuyên gia cho rằng chính sự phản kháng của các tướng lĩnh gạo cội đã dẫn đến việc ông Choe bị giáng xuống hàm tướng vào tháng 12.2012 trước khi được trở lại làm phó nguyên soái vào tháng 2.2013, và trở lại cơ quan quyền lực cao nhất vào tháng 10.2014 nhưng không còn được giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mà bị thay thế bởi ông Hwang Pyong-so, người cũng được cho là nhân vật số 2 ở Triền Tiên hiện nay.
Tháng 11.2015, một lần nữa rộ lên tin đồn ông Choe bị thanh trừng sau khi ông không nằm trong danh sách quan chức tham dự lễ quốc tang của Nguyên soái Ri Ul-sol và sau đó cũng không xuất hiện trước công chúng trong một thời gian dài.
Truyền thông Hàn Quốc loan nhiều tin khác nhau về lý do ông Choe lại bị trừng phạt. Tờ The Telegraph dẫn lời một số quan chức tình báo Seoul nói lãnh đạo Kim Jong-un điều ông Choe đến “cải tạo” tại một nông trại do phải chịu trách nhiệm về vụ một nhà máy thủy điện trọng điểm gặp sự cố khi mới đưa vào hoạt động. Yonhap thì lại loan tin con trai trưởng của ông Choe đã bị lực lượng an ninh bắt quả tang lén xem phim truyền hình Hàn Quốc, hành vi bị cấm ở Triều Tiên.
Theo nguồn tin của Yonhap, ông Choe đã tự nguyện xin được đi chỉnh huấn vì khuyết điểm giáo dục con không tốt. Sau thời gian cải tạo tốt, ông và con đều được thả. Đến đại hội đảng vừa rồi, “nghị lực chính trị” và xuất thân danh gia một lần nữa giúp ông Choe bước vào Đoàn chủ tịch Bộ Chính trị lần thứ ba. Một số nguồn tin từ Bình Nhưỡng nói hiện nay đôi khi ông vẫn bước đi tập tễnh, có thể là hậu quả của những thăng trầm đã trải qua trong cuộc đời.

 

Văn Khoa