23/01/2025

Mùa hè nóng bỏng ở châu Âu

Châu Âu đã bắt đầu vào hè, một mùa hè rất nóng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

 

Mùa hè nóng bỏng ở châu Âu

 

Châu Âu đã bắt đầu vào hè, một mùa hè rất nóng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

 

 

 

 

Mùa hè nóng bỏng ở châu Âu
Tấm ảnh ghi hình trực tiếp của hải quân Ý về cảnh tàu người di cư bị lật ngoài khơi Libya. Những người trên tàu mong được cứu nên dồn về một bên khiến tàu lật và làm ít nhất 5 người thiệt mạng. Cảnh tượng này, công bố ngày 25-5, lại khiến dư luận chấn động – Ảnh: Reuters

Trong vòng 15 năm trở lại đây, khi số người nhập cư đến từ các nước ngoài châu Âu vào Liên minh châu Âu (EU) tăng nhanh, khuynh hướng hữu khuynh hay cực hữu cũng lan rộng từ Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy… tới Đức, Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Hi Lạp, Slovakia…

Thở phào với Áo

Hôm 23-5, sự kiện giáo sư Alexander Van der Bellen (72 tuổi, nguyên chủ tịch Đảng Xanh và là người Áo gốc Nga – Hà Lan) đắc cử tổng thống Áo với 50,3% số phiếu ở vòng 2 khiến cả khối EU thở phào nhẹ nhõm.

Tại vòng 1, Đảng FPO – chủ trương giới hạn người nhập cư và bài Hồi giáo – đã giành được tới 35,1% số phiếu, Đảng Xanh về nhì với 21,3%. Đảng Dân chủ xã hội cầm quyền chỉ được 11%, khiến người ta lo ngại châu Âu sẽ có vị tổng thống cực hữu đầu tiên.

Năm ngoái, chính quyền Dân chủ xã hội của Thủ tướng Werner Faymand nhiệt liệt ủng hộ chính sách mở biên giới đón người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nên Áo đã nhận tới 90.000 người tị nạn trong năm 2015.

Nếu so với dân số 8,5 triệu thì tỉ lệ người nhập cư/dân số còn cao hơn cả Đức, làm dấy lên phong trào phản đối người nhập cư.

Thế nên dù chủ tịch FPO Norbert Hofert – 45 tuổi, với khẩu hiệu “Không để Áo trở thành một quốc gia mà người đạo Hồi chiếm đa số” – bị ông Van der Bellen đánh bại ở vòng 2 thì điều này vẫn cho thấy sự lớn mạnh của khuynh hướng cực hữu tại Áo.

Tại Đức, sự phát triển nhanh chóng của Đảng Dân tuý hữu khuynh mới toanh Alternative für Deutschland (AfD) cũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Được thành lập vào tháng 4-2013 với chủ trương chống đồng tiền chung euro và người nhập cư Hồi giáo, trong kỳ bầu cử liên bang 2013 AfD chỉ được có 4,7% số phiếu, không đạt mức tối thiểu 5% để được vào Bunderstag (hạ viện).

Tới tháng 3-2016, AfD đã giành được thắng lợi tại ba bang, có đại diện tại tám quốc hội bang và đang ráo riết vận động cho kỳ bầu cử 2017 với khẩu hiệu “Hồi giáo không phải 
là một phần của nước Đức”.

Mối lo Thổ Nhĩ Kỳ

Tháng 11-2015, với sự đồng thuận của đa số thành viên, EU đã ký kết một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển cho Ankara 6 tỉ euro từ năm 2016 tới 2018 nhằm chăm lo những người tị nạn sống tại đây. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ ngăn chặn dòng người tị nạn và người di cư vào châu Âu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây quan hệ giữa đôi bên trở nên rất căng thẳng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí đã gọi EU là “đạo đức giả” vì EU chỉ chuyển một phần nhỏ số 
tiền đã hứa.

Vấn đề là EU không muốn chỉ đơn giản chuyển tiền, mà đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra những phương án cụ thể như xây trường học, hệ thống cấp nước, quản lý chất thải…

Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đáp ứng đủ 72 yêu cầu của EU, bao gồm việc thay đổi luật chống khủng bố của nước này, trước khi EU áp dụng việc miễn visa 90 ngày cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến EU du lịch, thăm thân nhân hay hoạt 
động thương mại.

Trước khả năng Thổ Nhĩ Kỳ không chịu thay đổi luật chống khủng bố, ngày 24-5 Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố sẽ không có chuyện miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ trước ngày 1-7.

Xích lại gần châu Âu là giấc mơ của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1963, cho dù đất nước này chỉ có 3% diện tích nằm trên đất châu Âu.

Theo anh bạn Mustafa của tôi giải thích: “giấc mơ EU” không chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế. Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ hi vọng việc trở thành một thành viên của EU sẽ đem lại những cải cách tích cực, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đất nước.

Trong khi đó nhiều người trong khối EU, nhất là bên nhóm nước Đông Âu, lại e ngại nguy cơ bị cạnh tranh trên thị trường lao động. Dân số Thổ Nhĩ Kỳ hiện là 79 triệu, trong khi nước đông dân nhất trong khối EU là Đức cũng chỉ có hơn 81 triệu, Pháp đứng thứ hai với 66,3 triệu.

Từ những năm 1960, đã có nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào châu Âu dưới nhiều hình thức, từ làm việc, kết hôn, đoàn tụ gia đình, tị nạn chính trị tới lao động chui!

Tới năm 2010, đã có 4 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Đức, trở thành cộng đồng người Thổ lớn nhất trên thế giới ngoài quê hương Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Pháp cũng có hơn 1 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống.

Cả Brussels lẫn Ankara đều khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ việc miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang mau chóng xúc tiến việc thay hộ chiếu mới có lăn tay để tránh tình trạng giả mạo (một chuyện rất phổ biến tại các nước Trung Đông), nhưng người châu Âu vẫn sợ rằng sẽ rất khó kiểm soát các lao động Thổ Nhĩ Kỳ đến làm việc chui trong một EU không biên giới. Không khéo chuyện trông cậy Thổ Nhĩ Kỳ ngăn người tị nạn lại thành “tránh vỏ 
dưa, gặp vỏ dừa”!

Rối ở chính sách

Đầu năm 2015, Uỷ ban châu Âu (EC) đã phân bổ hạn ngạch người tị nạn cho các nước thành viên dựa trên dân số và GDP của mỗi nước. Tuy nhiên khi các nước vẫn còn đang tranh cãi thì đã nổ ra cuộc khủng hoảng tị nạn và nhập cư. Do vậy đầu tháng 3 năm nay, EC đã phải đưa ra dự thảo cải cách quy chế Dublin.

Theo quy chế Dublin cải cách, quốc gia nào không muốn nhận lại người tị nạn bị trả về thì phải nộp tiền, mỗi đầu người là 250.000 euro/năm, trả trực tiếp cho nước chứa người tị nạn.

Nhiều quốc gia thành viên EU đã kịch liệt phản đối điều lệ mới này, đặc biệt là các nước Đông Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijarto đã gọi đó là hành vi “tống tiền”.

QUẾ VIÊN (từ Copenhagen, Đan Mạch)