24/12/2024

Học nhạc nhưng không đọc được nốt nhạc: Cần chấm dứt tình trạng học nửa vời

Từ thực trạng dạy nghệ thuật hiện nay, đặt ra đòi hỏi khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT không nên chỉ đưa các môn học này vào cho có vẻ chú trọng giáo dục toàn diện và tiếp tục mặc kệ việc dạy học các môn này như bao nhiêu năm qua.

 

Học nhạc nhưng không đọc được nốt nhạc: Cần chấm dứt tình trạng học nửa vời

 

Từ thực trạng dạy nghệ thuật hiện nay, đặt ra đòi hỏi khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT không nên chỉ đưa các môn học này vào cho có vẻ chú trọng giáo dục toàn diện và tiếp tục mặc kệ việc dạy học các môn này như bao nhiêu năm qua.





Các môn học nghệ thuật vẫn chưa được chú trọng đúng mức  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Các môn học nghệ thuật vẫn chưa được chú trọng đúng mứcẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Học nhạc nhưng không đọc được nốt nhạc, nhiều bạn đọc đã chia sẻ thông tin này và cho rằng ngành GD-ĐT cần phải phân tích cụ thể tình hình thực tế dạy học nghệ thuật hiện nay, qua đó có giải pháp cụ thể, không thể tái diễn tình trạng đưa vào… cho có.
Thầy dạy sao cũng được, trò học thế nào cũng xong
Giáo viên Lê Phương Trí, Trường tiểu học Đống Đa (Q.4, TP.HCM), nêu một thực tế là dù học hết chương trình ở bậc tiểu học nhưng hầu hết học sinh (HS) không vẽ được gì. Ông Trí phân tích: “Chương trình mỹ thuật ở tiểu học thường yêu cầu HS vẽ theo mẫu vật hay theo đề tài, chứ không có bước hướng dẫn tập vẽ theo hình thức đưa vào các khung hình đã học như hình chữ nhật, hình vuông, hay hình tròn để phát triển dần các nét vẽ sát theo mẫu”.
Với những trường không có giáo viên chuyên trách thì việc dạy âm nhạc, mỹ thuật chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Đến khi kết thúc học kỳ thì giáo viên cũng dễ dàng nhận xét đánh giá “hoàn thành”.
Một họa sĩ từng giảng dạy môn mỹ thuật tại Q.Bình Thạnh chia sẻ: “Mỗi giờ lên lớp là một thách thức đối với giáo viên. Dường như HS chỉ đợi đến giờ học mỹ thuật, âm nhạc để được thoải mái quậy mà không sợ bị ảnh hưởng đến kết quả học tập chung. Chỉ một số em có năng khiếu và nhận thức được ý nghĩa của môn học thì mới chịu ngồi nghe thầy giảng, chịu làm bài tập, còn lại ngồi trêu đùa nhau. Thành ra giáo viên chủ yếu phải giữ trật tự, ổn định lớp học, thời gian học không còn bao nhiêu”. Cũng theo hoạ sĩ này, nhiều trường hầu như không quan tâm tới môn học này, thả lỏng, thầy dạy sao cũng được và trò học thế nào cũng xong!
Duy trì cốt để đủ chương trình
 
 
Đổi mới từ khâu đào tạo giáo viên dạy nghệ thuật
Ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định giáo dục nghệ thuật là một trong 8 lĩnh vực giáo dục và năng lực chung được xác định trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện nay, các cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghệ thuật còn dàn trải, Bộ đã có đề án quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên nói chung, trong đó có trường sư phạm nghệ thuật.
Tuệ Nguyễn

 

Thực tế hiện nay, việc giáo dục toàn diện được quan tâm hơn ở khối các trường ngoài công lập, trường chất lượng cao. Ngay tại các thành phố lớn, trường công lập còn thiếu cả phòng học nên việc có phòng học nhạc, mỹ thuật riêng là điều xa xỉ. Ở vùng khó khăn thì không có kinh phí để đầu tư đủ trang thiết bị.

Tâm lý học để thi, thi gì học nấy khiến cho nhiều phụ huynh và chính nhà trường cũng nhìn nhận các môn nhạc, họa chỉ duy trì cốt cho đủ chương trình. Nhạc sĩ Hoàng Long, Hội Âm nhạc Hà Nội, cũng cho rằng mức độ quan tâm tới giáo dục nghệ thuật trong các nhà trường còn rất khác nhau ở các cấp trong ngành giáo dục. Cả 63 tỉnh thành phố, liệu có bao nhiêu sở GD-ĐT có cán bộ cấp sở theo dõi và chỉ đạo việc dạy và học các môn âm nhạc, mỹ thuật trong trường phổ thông?
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thẳng thắn chia sẻ: “Thiết kế giáo trình giảng dạy môn nghệ thuật cũng giống các môn học khác, mà không hiểu được đặc trưng của giáo dục nghệ thuật, không hiểu đúng mục tiêu giáo dục của môn học này… dẫn đến triển khai không thành công và nặng nề”.
Giảng dạy có nhạc cụ
Ông Lê Anh Tuấn, Phòng Nghệ thuật, Viện Khoa học giáo dục VN, khẳng định tính cần thiết phải cho HS học một loại nhạc cụ nào đó trong bộ môn âm nhạc, có như vậy mới giúp HS được trải nghiệm và phát triển các năng lực thực hành, ứng dụng âm nhạc. Theo ông Tuấn, từ năm 2015, Viện đã thử nghiệm dạy nhạc cụ sáo recorder trong 3 trường tiểu học và THCS ở Hà Nội. Kết quả là HS đã thể hiện niềm yêu thích và say mê với giờ học âm nhạc, khác hẳn so với trước đây. Hầu hết HS đều có thể vừa quan sát nốt nhạc vừa thổi giai điệu.
Ông Tuấn cũng cho hay để khắc phục tình trạng học nhạc theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, chương trình mới sẽ xây dựng những năng lực cụ thể mà HS cần đạt sau mỗi cấp học. Ví dụ, hết chương trình tiểu học, HS phải đọc đúng tên nốt nhạc, đúng giai điệu bài tập đọc nhạc…
Còn ông Lê Phương Trí cho rằng để dạy học mỹ thuật có hiệu quả cần đổi mới từ nội dung bài học. Theo đó, mỗi bài vẽ thực hành phải được dạy trong nhiều tiết, không phải chỉ trong một tiết như hiện nay. Đặc biệt, giáo viên dạy mỹ thuật phải được đào tạo chuyên ngành mỹ thuật của trường sư phạm.
Dạy vẽ theo người Đan Mạch
Không phải ngẫu nhiên mà Đan Mạch đã dành tới 1,2 triệu USD để hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học cho VN trong suốt 10 năm qua ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Đại sứ quán Đan Mạch tại VN lý giải, giáo dục mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung đóng vai trò rất quan trọng, nó không chỉ khuyến khích sự sáng tạo của trẻ em mà giúp phát triển nhân cách và các năng lực xã hội.
15 năm dạy mỹ thuật, cô Hoàng Duy, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Tĩnh, chia sẻ chỉ đến khi trường cô được chọn để thực hiện dự án dạy học mỹ thuật của Đan Mạch, vai trò của giáo viên dạy môn này mới được quan tâm. Phương pháp dạy mỹ thuật theo đề án này rất khác với cách dạy truyền thống của chúng ta lâu nay vì HS được thoải mái sáng tạo, không bị gò bó.
Tuyết Mai


 

Tuệ Nguyễn – Bích Thanh