24/01/2025

Bia hơi ‘lọt sổ’ quản lý

Ngoài hơn 3,4 tỉ lít bia được người Việt tiêu thụ, mỗi năm ước tính có thêm hàng trăm triệu lít bia hơi bán ra thị trường nhưng chất lượng và giá cả hoàn toàn bị buông lỏng quản lý.

 

Bia hơi ‘lọt sổ’ quản lý

Ngoài hơn 3,4 tỉ lít bia được người Việt tiêu thụ, mỗi năm ước tính có thêm hàng trăm triệu lít bia hơi bán ra thị trường nhưng chất lượng và giá cả hoàn toàn bị buông lỏng quản lý.




Bia hơi đang được tiêu thụ hàng trăm triệu lít mỗi năm. /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

Bia hơi đang được tiêu thụ hàng trăm triệu lít mỗi năm.ẢNH: NGỌC THẮNG


Mới đây, một nhà hàng ở Hà Nội để nhân viên nữ mặc bikini phục vụ khách, được chủ nhà hàng giải thích là người của Tổng công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco) cử đến để tiếp thị Bia hơi Sài Gòn trong ngày khai trương. Ngay sau đó, đại diện của Sabeco khẳng định không có bất cứ chương trình khuyến mãi, tiếp thị nào áp dụng hình thức như vậy. Nhưng Sabeco không hề bị mạo danh bởi bảng hiệu của nhà hàng vẫn ghi rõ tên và thương hiệu “Bia hơi Sài Gòn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt các sản phẩm bia hơi được bán ra từ các nhà máy bia của Sabeco ở phía bắc như: bia Sài Gòn – Nghệ An, Sài Gòn – Phủ Lý, Sài Gòn – Hà Nội, Sài Gòn – Phú Thọ… đều lấy chung một tên là “Bia hơi Sài Gòn”. Chỉ riêng các nhà máy bia ở khu vực phía bắc của Sabeco mỗi năm đã cung cấp ra thị trường khu vực khoảng 30 triệu lít bia hơi. Nếu tính hơn 20 nhà máy bia Sài Gòn phủ từ bắc vào nam, số lượng bia hơi bán ra thị trường là rất lớn.
Điều đáng nói, nếu như bia chai, bia lon mang thương hiệu bia Sài Gòn được “chăm sóc” kỹ lưỡng thì dòng bia hơi vẫn bị coi là “đứa con rơi”, hầu như vẫn tự sản, tự tiêu.
Thị trường tăng thẳng đứng
Bên cạnh bia hơi Sài Gòn, bia hơi Hà Nội – thương hiệu có mặt trước đó, từ lâu đã về tận hang cùng ngõ hẻm ở khu vực phía bắc. Tính chung các sản phẩm bia hơi có thương hiệu, ước tính mỗi năm có cả trăm triệu lít bia hơi được tiêu thụ.
Bia hơi 'lọt sổ' quản lý - ảnh 1

Bên cạnh những nhà máy sản xuất bia lớn có thương hiệu trong nước, hiện thị trường phổ biến nhiều loại bia hơi do các cơ sở nhỏ tự nấu, đóng chai với sản phẩm phổ biến là các chai nhựa 1 lít để cung cấp cho các hàng quán bình dân, người tiêu dùng tự mua về sử dụng tại nhà… 



Thống kê cho thấy, nếu như năm 2008 VN mới đứng thứ 8 trong khu vực châu Á về mức tiêu thụ bia thì đến năm 2015, vị trí này đã vươn lên đứng thứ 3, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi đó, lượng tiêu thụ trung bình trên thế giới trong 10 năm qua dường như không thay đổi.
Thực tế, nếu như trước đây có nhiều công ty sản xuất bia chỉ quan tâm đến thị trường bia lon, bia chai, thì thời gian gần đây cũng cung cấp thêm các sản phẩm bia hơi, bia tươi ra thị trường nhưng lại thả nổi phân khúc này không kiểm soát.



Có thể thấy, thị trường bia hơi ngày càng hấp dẫn và khốc liệt. Và để mở rộng quy mô, đủ các chiêu trò đã được tung ra mà đỉnh điểm là vụ mặc bikini phục vụ khách như nói trên.
Anh Thanh, chuyên bán buôn bia hơi từ TP.HCM về khu vực miền Trung, cho biết sản lượng bia hơi tại khu vực vùng ven miền Trung “đang tăng tốt”. Năm ngoái anh bán được 300.000 lít, năm nay mới 4 tháng đầu năm đã bán ra được gần nửa số lượng của cả năm ngoái. “Bia hơi nói chung rẻ, trữ lạnh dễ uống mà vị không thua gì bia chai, nên giới bình dân chuộng”, anh Thanh nói.
Nếu chỉ tính mức giá thấp nhất khoảng 10.000 đồng/lít thì doanh số của thị trường bia hơi cũng lên đến con số hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm. “Một chai bia 330 ml giá 7.000 đồng trở lên trong khi giá bán lẻ ở khu vực miền Trung chỉ khoảng 10.000 – 12.000 đồng/lít bia hơi. Giá rẻ là thế mạnh để bia hơi tung hoành tại các thị trường vùng ven, tỉnh nhỏ”, anh Thanh phân tích và ví von “thị trường bia hơi đang tăng theo hướng thẳng đứng”.
Giá, chất lượng thả nổi
Sản phẩm bia hơi phổ biến thường được đóng trong các chai bằng nhựa có dung tích từ 1 lít trở lên hoặc đóng trong bồn inox hay còn gọi là “bom bia” 5 – 50 lít. Giá bia hơi hiện nay không có “chuẩn” chung, tùy thuộc vào nhà máy sản xuất, khu vực tiêu thụ và chất lượng bia…
Nếu như tại TP.HCM giá bán buôn ở các nhà máy dưới 10.000 đồng/lít thì ở khu vực phía bắc, giá bán của các nhà máy dao động từ 20.000 đồng/lít trở lên. Thậm chí, theo một số người kinh doanh bia hơi, đầu năm nay các nhà máy sản xuất đã tăng giá bán bia hơi lên 30% với lý do nguyên liệu đầu vào, thuế, phí cùng tăng. “Mỗi nhà máy, cơ sở sản xuất tự quyết định giá bán nên tự tăng giá. Mức tăng một lần như vậy là quá cao, quá vô lý mà không biết phản ánh với ai”, anh Thanh kể.
Sản phẩm giá rẻ, thị trường đang bùng nổ nhưng tình trạng sản xuất tràn lan, không kiểm soát được chất lượng, giá cả… là thực tế của sản phẩm này. Theo một chuyên gia trong ngành bia nước giải khát (đề nghị không nêu tên), nếu sản phẩm lon và chai, ngoài chất bảo quản, thường được qua thanh trùng và hệ thống đóng lon chai được kiểm soát nghiêm ngặt đến khâu cuối cùng thì bia hơi không qua khâu thanh trùng và cũng không có khâu đóng chai. Nhà sản xuất chỉ đổ vào can, thùng nhựa… là ra bán nên chất lượng khó bảo đảm. Chưa kể, quy trình sản xuất bia ở các cơ sở không được kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì bản thân loại chai nhựa cũng không đảm bảo vệ sinh, không đủ tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng. Các loại bia hơi bán đại trà, giá rẻ, thường sản xuất theo lối thủ công, muốn “hạ giá” chỉ cần thay lúa mạch bằng gạo để nấu thì khó lường được chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.
Đồng quan điểm trên, đại diện một nhà máy sản xuất bia tại TP.HCM cho biết ở nhà máy của ông, mỗi lô sản xuất đều phải đưa sản phẩm vào phòng kỹ thuật đánh giá lại chất lượng. Nếu không đạt chuẩn thì cả lô hàng phải bị giữ lại trong nhà máy mà không được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Trong khi đó, với những cơ sở nhỏ lẻ thì việc sản xuất đến đóng chai khá đơn giản và không có bất kỳ sự kiểm tra, giám sát nào. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Hơn nữa, việc buông lỏng quản lý các sản phẩm bia hơi từ sản xuất đến tiêu thụ còn tạo ra các hình thức quảng cáo, cạnh tranh không lành mạnh khiến thị trường và người tiêu dùng bị nhiễu loạn.
 

 

Mai Phương – Nguyên Nga