24/01/2025

Tự tạo cơ hội: Trồng rau trong nhà lưới

Anh Huỳnh Đức Phú (45 tuổi) ở P.Phú Lâm, TP.Tuy Hoà là người đầu tiên ở Phú Yên mạnh dạn đầu tư nhà lưới và phân chuồng để trồng rau sạch.

 

Tự tạo cơ hội: Trồng rau trong nhà lưới

Anh Huỳnh Đức Phú (45 tuổi) ở P.Phú Lâm, TP.Tuy Hoà là người đầu tiên ở Phú Yên mạnh dạn đầu tư nhà lưới và phân chuồng để trồng rau sạch.


 

 

 

Vườn rau bằng nhà lưới của anh Phú /// Ảnh: Tuy An

 

Vườn rau bằng nhà lưới của anh PhúẢNH: TUY AN

 

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất bãi bồi bên kia sông Đà Rằng, cũng như nhiều người khác trong vùng, vợ chồng anh Phú đã chọn nghề trồng rau để mưu sinh. Nhiều năm liền, anh là nông dân sản xuất giỏi của phường, được đi dự hội nghị phong trào cấp TP. Cũng chính từ những hội nghị tuyên dương này đã làm anh suy nghĩ băn khoăn vì đang trồng rau dùng quá nhiều phân hoá học, lẫn thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, anh bàn với vợ và quyết định đầu tư trồng rau sạch.
Trước khi làm, anh nghiên cứu sách vở, xem ti vi và xem các mô hình trồng rau sạch trên mạng. Anh bỏ thời gian, cất công đến Đà Lạt (Lâm Đồng) và Củ Chi (TP.HCM) để tham quan học tập mô hình trồng rau sạch bằng nhà lưới của các hộ nông dân nơi đây. Anh cho biết: “Đến Củ Chi, tôi ở lại nhiều ngày, ra tận ruộng rau học cách làm nhà lưới, cách đầu tư, quy trình trồng và chăm sóc của họ. Phải nói, mình suy nghĩ 5 nhưng đến đây rồi thì muốn làm tới 10”. Thế là về nhà, anh cùng vợ quyết định bỏ vốn đầu tư mô hình nhà lưới với diện tích 200 m2 trên mảnh đất vườn nhà.
Mục đích việc làm nhà lưới trồng rau là để ngăn gió và chính là không cho côn trùng vào đẻ trứng, rau sẽ không sinh sâu và người trồng rau không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Làm nhà lưới ngăn sâu xong nhưng chỉ có thế thì cũng phải bón phân hoá học, vậy là anh bỏ vốn mua phân chuồng hoai mục để bón trước khi trồng. Anh Phú trải lòng: “Tổng vốn đầu tư ban đầu cho nhà lưới và phân chuồng lên đến gần 100 triệu đồng, thấy số tiền nhiều quá vợ tôi ái ngại nhưng rồi cũng đồng lòng”. Rồi anh đầu tư công làm đất, rải phân bò và cho xuống giống đợt đầu tiên. Bên trong, anh đánh luống trồng rau ăn lá các loại, bốn bên kéo dây cước làm giàn trồng các loại rau ăn trái như khổ qua, đậu cô ve. Rau mọc và phát triển tốt, không có sâu rầy. Anh cho biết: “Trồng mô hình này không bón phân hoá học, không thuốc trừ sâu, kích thích mà rau vẫn tốt tươi”.
Chị Huỳnh Thị Kim Hoa, vợ anh Phú nói: “Từ ngày làm mô hình này chúng tôi đã tiết kiệm số tiền đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đáng kể. Mặc dù rau bán ra giá không cao song có lãi nhiều hơn so với trước. Với lại mình và cả mọi người đều yên tâm chất lượng rau”. Theo anh Phú, trong các loại rau, đọt lá khổ qua là bán chạy nhất. Anh cắt bán cho các chủ buôn tại vườn 2.000 đồng/bó, mỗi ngày cắt luân phiên gần 100 bó, cộng với nhiều loại rau khác. Dù thu nhập không nhiều lắm nhưng cuộc sống gia đình khá ổn định nhờ canh tác gối đầu trong diện tích nhà lưới.
Bên cạnh trồng rau sạch, vợ chồng anh còn trồng cỏ ngoài diện tích nhà lưới, nuôi bò lấy phân ủ trồng rau nên thời gian này đã giảm bớt tiền đầu tư mua phân bò. Tết vừa rồi, vợ chồng anh đầu tư trồng thí điểm hoa ly trong nhà lưới. So với các vụ trước, năm nay lưới ngăn kín gió, không sâu bọ nên hoa đạt nở đều và đẹp hơn. Chỉ một diện tích chừng 500 m2, sau khi trừ chi phí anh lãi được 40 triệu đồng. Với mô hình này, anh sẽ đầu tư nhiều hơn trong vụ hoa tết tới.
Mong muốn hiện nay của anh Phú là làm thế nào để được cơ quan chức năng hướng dẫn quy trình và công nhận rau an toàn để có thể bán đúng với giá trị cây rau mình bỏ công đầu tư, từng bước khẳng định uy tín của mình nhiều hơn nữa.

 

Tuy An