25/12/2024

Cơ hội kinh tế từ ‘sự kiện Obama’

Trong chuyến đi lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến VN, đã có những ký kết thương mại, hợp tác quan trọng giữa hai nước.

Cơ hội kinh tế từ ‘sự kiện Obama’

Trong chuyến đi lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến VN, đã có những ký kết thương mại, hợp tác quan trọng giữa hai nước.




 

 

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack khảo sát thị trường VN trước chuyến thăm của Tổng thống ObamaẢNH: Đ.N.T

 


Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, triển vọng về một làn sóng đầu tư của Mỹ vào VN chưa thể xảy ra trong tương lai gần.
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 23.5 tại Phủ Chủ tịch, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 máy bay B737 Max 200, trị giá 11,3 tỉ USD. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet và ông Ray Conner, Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing đã thực hiện ký kết hợp đồng quan trọng này trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Sẽ có những tài trợ cho vay ưu đãi
 
 
Cơ hội kinh tế từ 'sự kiện Obama' - ảnh 2
Nhà đầu tư nước ngoài đến nay mất bao nhiêu thời gian mới có được giấy phép đầu tư? Vấn đề này được nói nhiều nhưng chúng ta chưa cải tiến được bao nhiêu. Hãy coi đó là “món nợ” của chúng ta với các nhà đầu tư chân chính. Muốn tận dụng cơ hội đầu tư từ Mỹ, VN chỉ có một con đường duy nhất là cải cách thủ tục hành chính
Cơ hội kinh tế từ 'sự kiện Obama' - ảnh 3
 
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính
 

Số máy bay đặt mua lần này dự kiến sẽ được giao hàng từ năm 2019 đến năm 2023 nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động khai thác của Vietjet đối với mạng đường bay trong nước và đến các nước trong khu vực. Bên cạnh hợp đồng ký kết với Boeing, Vietjet Air cũng ký hợp đồng cùng lúc với Tập đoàn United Technologies Corp để mua động cơ cho đội tàu bay mà Vietjet đã ký kết và đặt hàng với nhà cung cấp máy bay. Hợp đồng ký kết cũng có giá trị rất lớn lên đến 3,04 tỉ USD.

Cũng trong ngày 23.5, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham) và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã ký kết các hiệp ước về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch. Cụ thể, ký kết ghi nhớ của Tập đoàn đa quốc gia Mỹ General Electric (GE) và Bộ Công thương về phát triển 1.000 MW điện gió. Ước tính đến năm 2025, đạt 1.000 MW từ các dự án điện gió, đủ cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân tại VN trong vòng 10 năm tới.
Thỏa thuận hợp tác dự án năng lượng mặt trời giữa First Solar và Thiên Tân với tổng trị giá 35 triệu USD, Thiên Tân sẽ mua các tấm pin mặt trời phục vụ dự án nhà máy
quang điện mặt trời của doanh nghiệp (DN). Ngoài ra, các ký kết thỏa thuận đào tạo an toàn hạt nhân do Mỹ giúp VN đào tạo nguồn nhân lực và tư vấn thiết kế; biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn dầu khí VN và Công ty Murph; Công ty điện Tín Thành hợp tác với DN Mỹ về dự án Nhà máy Biomass Minnesota, giúp giảm 10 – 20% điện mỗi năm; biên bản ghi nhớ giữa The Grand Hồ Tràm Strip với Công ty cổ phần Cotec (CotecCons) xây dựng mở rộng khu nghỉ phức hợp trị giá 75 triệu USD. Trong biên bản ghi nhớ về chương trình an toàn giao thông, Mỹ cũng cam kết rót khoảng 1 triệu USD giúp VN giải quyết các khó khăn về an toàn giao thông như tai nạn, tặng mũ bảo hiểm…
Chưa thể nói nhiều về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, chuyến đi của ông Obama là thông điệp quan trọng hợp tác thương mại giữa hai quốc gia. Dự kiến sẽ có những tài trợ cho vay với lãi suất ưu đãi. Hiện thương mại giữa hai nước đạt trên 43 tỉ USD, trong đó VN mua lại từ Mỹ hơn 7 tỉ USD. Sau sự kiện này, với các dự án đòi hỏi công nghệ cao, VN cần suy nghĩ nên mua gì từ Mỹ với sự hỗ trợ tài chính, thay vì mua từ Trung Quốc với công nghệ kém. Hiện tại, nhiều dự án hạ tầng quan trọng VN đang phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bước ngoặt lớn cho thương mại hai nước
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhận xét về đầu tư của Mỹ vào VN với đoàn đi theo cả nghìn người, trong đó có rất nhiều DN lớn của Mỹ, rõ ràng đây là khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác kinh tế mới giữa hai quốc gia. “Những lĩnh vực mà VN có thể thu hút nhiều vốn đầu tư của Mỹ gồm có công nghệ cao, công nghệ nguồn, động cơ, chế tạo máy bay… Đặc biệt là công nghiệp chế biến nông nghiệp mà Mỹ là thế mạnh, VN cũng đang rất cần”, TS Phong nói.
Với dự án hợp đồng trị giá 11,3 tỉ USD để mua máy bay của Vietjet Air, theo ông Bùi Kiến Thành, tổng trị giá dự án quá khủng nên dự báo sẽ có các hợp đồng “dàn xếp” về tài chính sau đó để hỗ trợ DN. DN phải chứng minh được uy tín, vốn tự có… một cách minh bạch mới mong có sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, cụ thể là của Mỹ. “Mỹ có
công nghệ tốt, tài chính không thiếu. Trước các ký kết hợp tác và trao đổi giữa chính phủ hai nước, VN và Mỹ có nhiều phương thức để hợp tác sâu sắc về tài chính, thương mại, nông sản, công nghệ cao. Đây là chi tiết mà cộng đồng DN cần lưu tâm và các nhà làm chính sách phải hết sức chú ý. Chúng ta có thể hiện đại hoá đất nước bằng những hợp tác mới với Mỹ, tránh lệ thuộc vào những công nghệ cũ, lạc hậu. Muốn làm được điều này, phải có chính sách khéo léo về tài chính, giảm phụ thuộc tiền vay từ các quốc gia có công nghệ yếu kém, tận dụng cơ hội để tiếp cận công nghệ cao từ Mỹ”, ông Thành gợi ý.
Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý, hiện lãi suất do Ngân hàng Trung ương Mỹ cho ngân hàng thương mại vay lại rất thấp, nên mức lãi suất từ các ngân hàng thương mại đến tay DN chỉ 2 – 3%. “Theo tôi được biết, có nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế “đi sát” với sự kiện này. Họ theo chân ông Obama, đang ủng hộ VN đấy. Nhưng muốn các tổ chức tài chính quốc tế này hỗ trợ mình, cho vay với mức lãi suất tốt nhất, chúng ta phải có dự án tốt. Thiếu dự án khả thi, thiếu dự án thuyết phục, thiếu sự minh bạch, chúng ta khó tận dụng cơ hội từ “sự kiện Obama” mang lại”, ông Thành cảnh báo.
Mặc dù là đối tác lớn nhưng đầu tư của Mỹ vào VN vẫn còn khá khiêm tốn. Lý giải về việc này, theo các chuyên gia lý do chính là môi trường đầu tư của VN vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. “Trong một công bố mới đây của chính phủ Indonesia, chính sách một cửa của họ khẳng định cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 3 ngày và họ đã làm được. 22 bộ ngành của họ đồng loạt tham gia chính sách một cửa này. VN đã làm được gì? Nhà đầu tư nước ngoài đến nay mất bao nhiêu thời gian mới có được giấy phép đầu tư? Vấn đề này được nói nhiều nhưng chúng ta chưa cải tiến được bao nhiêu. Hãy coi đó là “món nợ” của chúng ta với các nhà đầu tư chân chính. Muốn tận dụng cơ hội đầu tư từ Mỹ, VN chỉ có một con đường duy nhất là cải cách thủ tục hành chính”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, khẳng định.

 

Nguyên Nga – Ng.Trần Tâm