Ngành điều lớn nhưng không mạnh
Chúng ta là một người khổng lồ trong ngành điều nhưng lại không có sức mạnh vì mạnh ai nấy làm.
Ngành điều lớn nhưng không mạnh
Chúng ta là một người khổng lồ trong ngành điều nhưng lại không có sức mạnh vì mạnh ai nấy làm.
Ngành điều VN dẫn đầu thế giới ở cả ba tiêu chí là số lượng xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất, có đủ năng lực để chi phối thị trường nhưng chúng ta không chỉ bị phụ thuộc đầu ra mà thậm chí bị cả các doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu châu Phi chèn ép.
Không chủ động được cả đầu vào lẫn đầu ra nên ngành điều chính xác chỉ là một “ông vua không ngai”. Tuy nhiên, tại hội thảo “Ngành điều chuyển mình đón vận hội mới, nói tới điều sạch – nghĩ tới VN” do Hiệp hội Điều VN (Vinacas) phối hợp với Công ty cổ phần Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua 23.5, nhiều doanh nghiệp lo lắng ngay cả cái danh hiệu đó cũng có thể mất đi trong một tương lai không xa.
Người khổng lồ không sức mạnh
Theo Vinacas, hiện nay VN có khoảng 1.000 cơ sở chế biến hạt điều và 371 đơn vị xuất khẩu. Công suất chế biến khoảng 1,2 triệu tấn, chiếm khoảng 40% công suất chế biến của toàn thế giới. Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2015 và kim ngạch đạt trên 700 triệu USD; giá xuất bình quân đạt 7.541 USD/tấn, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, hiện chúng ta chỉ chủ động được 1/3 nguyên liệu sản xuất, còn lại phải nhập khẩu từ Campuchia và phần lớn từ châu Phi – đặc biệt là Bờ Biển Ngà. Trong 4 tháng đầu năm nay VN đã nhập gần 207.000 tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ; đạt kim ngạch trên 323 triệu USD, tăng trên 22% so với cùng thời điểm năm trước.
“Ngành điều VN lớn hơn nhiều so với ngành điều xếp thứ 2 là Ấn Độ. Chúng ta có ưu thế tuyệt đối. Chúng ta là một người khổng lồ trong ngành điều nhưng lại không có sức mạnh vì mạnh ai nấy làm. Chúng ta tranh nhau bán, tranh nhau mua; hợp đồng người ta đưa kiểu gì cũng ký”, ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty Long Sơn, một trong những doanh nghiệp hàng đầu VN và thế giới trong lĩnh vực này bức xúc. Ông Sơn bình luận, sự tăng trưởng khá tốt của ngành điều duy trì trong khoảng hơn 5 năm gần đây khiến nhiều người thấy “ngon ăn”, muốn nhảy vào, tạo ra một trào lưu nhà nhà, người người làm điều. Có nhiều doanh nghiệp ngành cà phê, tiêu, các ngành sản xuất khác cả trong và ngoài nước cũng muốn nhảy vào ngành điều. Khi một sân chơi có nhiều người cùng tham gia sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh. Nhưng kiểu cạnh tranh của VN là cạnh tranh không lành mạnh, không làm từng cá nhân hay tập thể mạnh lên mà lại làm cho nó ngày càng yếu đi.
Còn ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, chua chát: “Chúng ta lớn nhưng không mạnh vì thiếu đoàn kết. Là “người khổng lồ” nhưng chúng ta lại bị ép, đến các nhà xuất khẩu nguyên liệu cũng gây khó khăn cho chúng ta. Tại sao họ làm được như vậy? Vì có những doanh nghiệp của chúng ta qua đó “làm loạn” thị trường”.
Cần đoàn kết để tạo ra sức mạnh
Bà Hương, một nhà môi giới trong ngành này, cho hay hiện nay lượng tồn kho ít, sản lượng điều nguyên liệu phục vụ cho chế biến thiếu hụt ở cả VN và Ấn Độ do hiện tượng El Nino. Trong khi sức tiêu thụ điều nhân trên thế giới đang tốt và khả năng vẫn sẽ duy trì trong thời gian tới. Đồng tình với nhận định trên, ông Sơn cho rằng trong 2 – 3 năm tới ngành điều VN vẫn sẽ duy trì được lợi thế nguyên liệu trong nước và từ Campuchia. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và có thể mất dần khả năng cạnh tranh; đặc biệt từ năm thứ 4 trở về sau sẽ gặp khó khăn rất lớn. Những nguy cơ có thể lường trước như: chúng ta quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi. Đến một lúc nào đó họ đầu tư vào chế biến, họ sẽ đánh thuế sản phẩm điều thô xuất khẩu và chúng ta sẽ không có nguyên liệu để sản xuất. Điều này lịch sử ngành điều đã từng xảy ra cách đây khoảng 10 năm. Trong yếu tố này cần lưu ý rằng Trung Quốc đang lôi kéo các doanh nghiệp VN đầu tư vào lĩnh vực này ngay tại châu Phi.
Đại diện Tổ chức Vina Control, đơn vị chuyên thực hiện kiểm định chất lượng nông sản cho Vinacas, cho biết sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp không chỉ làm ảnh hưởng đến giá mua mà chất lượng điều thô nhập khẩu ngày càng giảm: độ ẩm cao, có mùi lạ, lẫn tạp chất nhiều, mọc mầm… những hiện tượng này trước đây rất ít nhưng gần đây ngày càng phổ biến và chất lượng ngày càng thấp. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng điều xuất khẩu. Nguyên nhân vì chúng ta không có tiền lệ trả hàng không đạt chất lượng mà thường chỉ đàm phán giảm giá. “Các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn chất lượng mà VN cấp như HACCP, các nhà nhập khẩu họ không xem trọng vì thực tế nó không tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn chất lượng nào cả. Gần đây, Mỹ và các nước châu Âu tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hạt điều và họ phát hiện ra hạt điều VN nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc diệt gián. Mấy tháng trước, hạt điều của VN đã bị thu hồi ở một số nơi trên đất Mỹ. Điều này là một nguy hiểm tiềm tàng cho ngành điều VN và chúng ta phải siết chặt lại quy định an toàn thực phẩm đối với hạt điều”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, có một bất hợp lý rất lớn đối với các nhà nhập khẩu điều nguyên liệu từ các nước châu Phi là phải ký hợp đồng từ 4 tháng trước khi vào vụ thu hoạch và đặt cọc đến 20%. Trong khi đó không có điều khoản nào ràng buộc họ phải thực hiện hợp đồng. “Ngành điều VN muốn tồn tại và phát triển phải đoàn kết lại để tạo thành sức mạnh và Vinacas phải là đơn vị đứng ra kết nối các doanh nghiệp”, ông Sơn kêu gọi.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Thanh nói: “Có cả ngàn doanh nghiệp nên chuyện đoàn kết rất khó. Hiện tại, ở Long An chúng tôi tập hợp lại thành một nhóm mua nguyên liệu từ châu Phi với số lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Chỉ có một hoặc hai doanh nghiệp đứng ra đàm phán thôi. Các tỉnh thành, khu vực khác cũng nên nghiên cứu thực hiện để tránh cạnh tranh xấu lẫn nhau”.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp, tổ chức cũng tham gia góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về việc áp dụng nhập khẩu điều thô.
Chí Nhân