23/01/2025

An ninh tối đa cho Hội nghị G7

Tokyo triển khai số lượng cảnh sát kỷ lục cùng máy bay giám sát và chiến hạm để bảo vệ an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới ở Nhật.

 

An ninh tối đa cho Hội nghị G7

Tokyo triển khai số lượng cảnh sát kỷ lục cùng máy bay giám sát và chiến hạm để bảo vệ an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới ở Nhật.




Cảnh sát Nhật diễn tập chống khủng bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7  /// The Japan Times

Cảnh sát Nhật diễn tập chống khủng bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7THE JAPAN TIMES


Từ ngày 26 – 27.5, Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 42 sẽ diễn ra trên đảo Kashiko thuộc tỉnh Mie, miền trung Nhật Bản, với sự tham gia của lãnh đạo 7 nước: Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp và Ý.
Đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Nhật trong 8 năm qua và diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn lo ngại nguy cơ khủng bố, sau các vụ tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Paris và Brussels vừa qua. Do đó, an ninh cho hội nghị lần này sẽ được thắt chặt ở mức cao nhất từ trước tới nay, theo Hãng tin Jiji Press.
Kế hoạch bảo vệ hội nghị
Rút ra bài học từ những vụ tấn công của IS ở Paris và Brusselslà nhắm vào cái gọi là “mục tiêu mềm” ít được thắt chặt an ninh như nhà hát và sân vận động, cảnh sát Nhật sẽ tăng cường an ninh tại các sân bay, nhà ga xe lửa, tàu điện ngầm, cảng biển và các thành phố trên khắp nước trong lúc hội nghị diễn ra. Trong đó, sân bay quốc tế Chubu trên đảo nhân tạo Ise thuộc tỉnh Aichi, vốn là phi trường gần đảo Kashiko nhất, dự kiến có sự hiện diện dày đặc của cảnh sát, theo tờ The Japan Times.
Trước thềm hội nghị diễn ra, Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) của Nhật đã loan báo sẽ triển khai 23.000 nhân viên công lực để bảo đảm an ninh, với 16.000 người được điều tới tỉnh Mie và 7.000 người tới tỉnh Aichi. Đây là những thành viên thuộc đơn vị đặc nhiệm của sở cảnh sát các tỉnh. Các đơn vị đặc nhiệm được huấn luyện để ngăn chặn các cuộc tấn công từ máy bay không người lái sẽ được điều tới nhiều khu vực khác nhau. Theo kế hoạch, NPA thiết lập một văn phòng quản lý an ninh cho hội nghị vào ngày mai 25.5.
Bên cạnh đó, NPA còn triển khai 4.600 cảnh sát để bảo vệ Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông thăm thành phố Hiroshima thuộc miền tây nam của Nhật trong ngày 27.5.
Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống đương nhiệm Mỹ đặt chân tới Hiroshima kể từ khi thành phố này hứng bom nguyên tử hồi năm 1945. Sự xuất hiện của ông Obama sẽ thu hút không chỉ người dân Hiroshima mà còn cả những nhà hoạt động vì hòa bình và những nhóm khác đến từ phần còn lại của nước Nhật.
Jiji Press ước tính tổng số cảnh sát được triển khai để bảo vệ ông Obama và Hội nghị G7 lần này có thể vượt qua con số 40.000 người được huy động cho sự kiện tương tự diễn ra ở tỉnh Hokkaido thuộc miền bắc nước Nhật hồi năm 2008.
An ninh tối đa cho Hội nghị G7 - ảnh 1

Thông báo tại một ga tàu của Nhật về việc siết chặt an ninh nhân hội nghị G7REUTERS

Giám sát 24/24
Cũng nhằm tăng cường an ninh cho Hội nghị G7, Bộ Quốc phòng Nhật sẽ triển khai máy bay tuần tra và chiến hạm xung quanh khu vực diễn ra hội nghị để ngăn chặn các hành động khủng bố và bạo lực, theo Jiji Press. Cụ thể, Lực lượng phòng vệ trên không sẽ điều máy bay tuần tra E-767 tới giám sát không phận khu vực 24/24. Lực lượng phòng vệ trên biển thì điều nhiều khu trục hạm, trong đó có tàu được trang bị hệ thống tác chiến Aegis, đến các vùng biển lân cận, theo nhiều nguồn tin tiết lộ với Jiji Press. Còn Lực lượng phòng vệ trên mặt đất sẽ triển khai một đơn vị trực thăng để đưa đại biểu từ sân bay tới nơi diễn ra hội nghị. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật sẽ phối hợp với cảnh sát và lực lượng tuần duyên tuần tra xung quanh nơi diễn ra hội nghị.
“Điều quan trọng nhất là mọi việc diễn ra an toàn và kết thúc mà không gặp sự cố nào”, The Japan Times dẫn lời Tỉnh trưởng tỉnh Mie, ông Eikei Suzuki nhấn mạnh. Còn đối với người dân và du khách, những biện pháp thắt chặt an ninh có thể là quá mức vì ngay cả các thùng rác ở những nhà ga tàu điện ngầm, xe lửa cách xa nơi diễn hội nghị như Tokyo vẫn bị dẹp cho đến khi các nhà lãnh đạo rời khỏi Nhật, theo The Japan Times.
An ninh biển lên bàn nghị sự
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới, lãnh đạo các nước sẽ tập trung bàn về những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, chống khủng bố và bảo đảm an ninh biển, đặc biệt ở Biển Đông, theo tờ The Mainichi.
 Báo này dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao cho hay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hy vọng cùng với những nhà lãnh đạo khác thuộc G7 khẳng định tầm quan trọng của việc tuân theo các quyết định toà án dựa trên luật pháp quốc tế, trong bối cảnh Toà Trọng tài thường trực ở Hà Lan sắp ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông cũng được cho sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra ngày 27.5, trong đó có sự tham gia của các lãnh đạo VN, Lào và Indonesia. Theo thông cáo được đăng trên website của Bộ Ngoại giao VN ngày 20.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm, làm việc tại Nhật và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 26 – 28.5.


 

Văn Khoa