Thiếu văn bản hướng dẫn, không cho nhập khẩu; mã số hàng hóa mỗi nơi áp một kiểu; quy định không rõ ràng, nhất quán lại treo tiền hoàn thuế… Hàng loạt thủ tục, ‘giấy phép con’ của ngành thuế, hải quan vẫn treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ‘kêu trời’ vì thuế, hải quan
Thiếu văn bản hướng dẫn, không cho nhập khẩu; mã số hàng hóa mỗi nơi áp một kiểu; quy định không rõ ràng, nhất quán lại treo tiền hoàn thuế… Hàng loạt thủ tục, ‘giấy phép con‘ của ngành thuế, hải quan vẫn treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp.
Không cho nhập vì chờ… hướng dẫn ?
Đầu tháng 5.2016, Công ty TNHH MTV kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) Hoàng Anh Gia Lai (thuộc Tập đoàn HAGL) bị Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum không cho nhập đường về VN. Theo trình bày của ông Nguyễn Quân, Giám đốc công ty này, trước đó Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan đã tạo điều kiện cho phép công ty nhập sản lượng đường sản xuất bên Lào theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Lào đã có hiệu lực (thuế suất 0%). Công ty đã được UBND tỉnh Kon Tum cấp chứng nhận thương nhân biên giới ngày 28.1.2016. Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập khẩu, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum không cho áp thuế 0% mà buộc công ty phải nộp 85% mới được thông quan. Lý do, chưa có thông tư hướng dẫn của liên bộ Tài chính – Công thương về thủ tục thực hiện nhập khẩu theo hiệp định.
Tại TP.HCM, Công ty TNHH trích ly dầu thực vật và Công ty TNHH MTV thực phẩm và đầu tư Fococev rơi vào cảnh khốn khổ đi xin hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) do cách làm thiếu thống nhất của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế. Trước đó, cơ quan hải quan xác định hai doanh nghiệp (DN) này không thuộc đối tượng có rủi ro cao về thuế, hải quan, nên khi làm thủ tục đã không thực hiện kiểm tra thực tế hàng hoá; đồng thời không ghi các thông tin khác theo yêu cầu tại công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế (thông tin phương tiện vận tải, tên, CMND người điều khiển phương tiện…). Trong khi đó, cơ quan thuế lại yêu cầu DN phải cung cấp các thông tin trên liên quan đến lô hàng xuất khẩu của DN khi thực hiện xét hoàn thuế GTGT. Tổng cục Hải quan sau đó đã phải kiến nghị Tổng cục Thuế báo cáo Bộ Tài chính xử lý chung, thống nhất quy định và đồng thời thực hiện hoàn thuế GTGT cho DN.
Hải quan bị tố áp mức thuế sai, không cho tạm thông quan hàng; ngành thuế thì không trả lời khiếu nại… khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi.
Bị “quay” như đèn cù
Việc chi cục hải quan mỗi nơi áp quy định một kiểu khiến DN bị quay như đèn cù. Vào giữa tháng 4.2016, Hiệp hội DN điện tử VN đã phải làm đơn khẩn “kêu” lên Bộ Tài chính bởi cách làm không giống ai này.
Theo đơn trình bày, các DN thuộc hiệp hội có nhập khẩu mặt hàng điều hoà không khí dạng âm trần và đã được làm thủ tục thông quan tại nhiều cửa khẩu của cảng Hải Phòng với mã HS code là 8415.81/82 trong nhiều năm. Tuy nhiên, mới đây các DN bị Chi cục Kiểm tra sau thông quan TP.Hải Phòng mời lên làm việc, yêu cầu truy thu toàn bộ số tiền thuế chênh lệch với tất cả các tờ khai liên quan trong vòng 5 năm. Lý do, các mặt hàng trên thuộc nhóm khác, mã khác có thuế suất cao hơn.
Quyết định truy thu thuế bất thình lình khiến các DN bị “sốc”, bởi hiệp hội cho rằng các DN làm thủ tục theo biểu thuế XNK của Bộ Tài chính và cổng thông tin mã HS của Tổng cục Hải quan trong nhiều năm, các lô hàng đều được chấp nhận cho thông quan. Vì vậy, Bộ Tài chính cần xem xét, tháo gỡ khó khăn để các DN yên tâm sản xuất kinh doanh.
Bỗng nhiên… truy thu
Trong đơn kêu cứu gửi QH, Chính phủ mới đây, Công ty TNHH King Group (Hậu Giang) – đơn vị chuyên sản xuất, cung cấp bao bì cao cấp, cho biết trong suốt 5 năm từ 2010 – 2015, công ty nhập lô hàng giấy cuộn từ Thái Lan. Theo thông báo kết quả phân tích của Trung tâm phân tích phân loại TP.HCM (thuộc Tổng cục Hải quan) và hướng dẫn của Chi cục Hải quan Tây Đô (thuộc Cục Hải quan TP.Cần Thơ), công ty lập tờ khai nhập khẩu theo đúng mã số 48.05 và được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, sau đó Cục Hải quan TP.Cần Thơ tiến hành lấy mẫu lô hàng và áp mã số khác là 48.04, đồng thời truy thu gần 6,5 tỉ đồng tiền thuế của 5 năm trước đó. “Tại sao nhiều năm trước, hải quan đã kiểm tra, tái kiểm tra nhiều lần vẫn xác định mã số thuế mặt hàng là 48.05. Hải quan cũng hướng dẫn công ty phải khai và nộp thuế theo mẫu này với 50 tờ khai trước đó. Nay lại đổ lỗi cho công ty khai sai và bắt truy thu thuế. Trong khi mọi sự thay đổi là từ phía hải quan, nếu có sai sót về khai báo thì cũng do phía hải quan tạo ra”, bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc King Group nói và cho biết đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét trả lại số tiền trên. Trong trường hợp không được trả lại, công ty sẽ khởi kiện ra tòa.
Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nhân năm 2016 với chủ đề Lắng nghe và đổi mới sáng nay 8.3.