25/12/2024

Áp lực “nhìn con nhà người ta…”

Những tuần gần đây, các câu chuyện đau lòng (tự tử, bỏ nhà đi, bị tâm thần…) liên quan đến những bạn trẻ học giỏi lại diễn ra…

 

Áp lực “nhìn con nhà người ta…”

 

Những tuần gần đây, các câu chuyện đau lòng (tự tử, bỏ nhà đi, bị tâm thần…) liên quan đến những bạn trẻ học giỏi lại diễn ra…

 

 

 

 

 

Áp lực “nhìn con nhà người ta...”
Đạt điểm cao, vào trường tốt… không đồng nghĩa con đường sau này của bạn trẻ sẽ thênh thang – Minh họa: LAP

“Việc các em học giỏi không đồng nghĩa sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn sau này. Tôi từng gặp nhiều bạn chỉ có học lực trung bình khá nhưng vẫn thành công vì ở các bạn có sự năng động, nhạy bén, kỹ năng mềm mà xã hội cần

TS BÙI HỒNG QUÂN

Trong những câu chuyện của các bạn trẻ học giỏi, áp lực phải trở thành nhân tài hay các so sánh kiểu “nhìn con nhà người ta kìa” khiến các bạn mang trong mình trọng trách nặng nề, đan xen với bao nỗi khổ tâm…

Những chuỗi ngày đằng đẵng

Từng là thủ khoa đầu vào tại ngôi trường trung học chuyên hàng đầu ở TP.HCM, nhưng V. thấy bản thân không chút vui.

“Ngay từ nhỏ tôi đã được thầy cô, gia đình… dạy rằng phải học giỏi, phải luôn đứng tốp đầu. Và tôi lao vào học ngày lẫn đêm vì với tôi, đó là cách báo hiếu cha mẹ. Những khi tuột hạng, tôi cảm thấy vô cùng áp lực, lo sợ. Rất nhiều bạn bè tôi cũng rơi vào trường hợp tương tự” – V. nhớ lại.

Ngày rời trường, dẫu được tuyển thẳng vào ĐH và nắm trong tay nhiều giải thưởng quốc gia và thành phố môn tiếng Anh… nhưng V. cho rằng bản thân đã “mất” nhiều hơn “được”.

“Tôi mất những tình cảm ấm áp thời học trò mà lẽ ra bản thân xứng đáng được hưởng, mất những kỹ năng mềm cần thiết vì chỉ biết chạy theo áp lực điểm số, mãi so đo, tị nạnh với chúng bạn, những điều mà đến tận giờ tôi vẫn còn thấm thía” – V. nói.

Còn P. (26 tuổi) trải qua những tháng ngày “không thể dài hơn” khi “lỡ” đậu vào ngôi trường chuyên bao người mơ ước ở TP.HCM. “Học hệ tiếng Pháp nên khi tốt nghiệp cấp II, chúng tôi được phân theo thứ tự: tốp đầu vào Trường LHP, tốp kế vào MK và MC”.

Thành tích học tập cấp II khá tốt nhưng khi vào cấp III, P. “đuối sức” và liên tục đứng chót lớp.

“Bạn bè tẩy chay thẳng mặt, không ai muốn cho tôi vào nhóm học tập vì sợ tôi sẽ kéo điểm mọi người xuống. Một số thầy cô cũng không vui khi thấy có những cá nhân như tôi trong một môi trường vốn dĩ chỉ dành cho người tài. Tôi lủi thủi đi học như “người vô hình”. Đã có lúc tôi bị trầm cảm nặng và thậm chí nghĩ quẫn, phải dùng thuốc hỗ trợ. Sau đó tôi phải chuyển sang hệ dự thính và học chậm lại một năm” – P. kể.

Tương tự, bạn N.H.P. (hệ kỹ sư tài năng ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) thừa nhận rằng học sinh trường, lớp chuyên tưởng “rộng cửa” chọn trường nhưng thực chất lại không có nhiều sự lựa chọn.

“Do học trường, lớp chuyên nên khi chọn ĐH, mọi người mặc định chúng tôi phải vào y dược, ngoại thương hoặc bách khoa. Vì áp lực đó nên tôi đã chọn sai đường nhưng giờ chỉ biết tặc lưỡi, gắng học vì đã “phóng lao thì phải theo lao”. Không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn bè thời phổ thông cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, một số bạn đâm nản và tìm vui trong game, số khác bỏ học hẳn” – H.P. cho biết.

Đào tạo thành “chiến binh” hay “người tình”?

Dẫu đã tốt nghiệp cao học tại Mỹ và đi làm được vài năm nhưng V. vẫn không giấu được nỗi niềm: “Nếu có điều ước thì tôi ước gì cha mẹ, thầy cô đừng quá kỳ vọng vào tôi, tôi ước mình đã vào ngôi trường trung học bình thường gần nhà để vừa học vừa có cơ hội cải thiện những kỹ năng mềm cần thiết thay vì tị nạnh điểm số từng ngày. Lẽ ra tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp hơn, bớt loay hoay như hiện tại”.

Quay lại câu chuyện của P., những tổn thương năm nào dường như vẫn rõ nét trong ký ức của cô bạn.

“Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được sự kỳ thị, những lời chế giễu… từ thời cấp III. Trường chuyên là môi trường tốt để học tập nhưng không phải là nơi dành cho tất cả mọi người vì tính cạnh tranh rất cao” – P. nói.

Lên ĐH, trong một lần tham gia đưa các em học sinh lớp 12 đi tham quan trường, P. bắt gặp hình ảnh một nam sinh trường chuyên có gương mặt sáng sủa, đang đứng nói chuyện một mình.

“Tôi không trách gia đình chút nào vì biết rằng mọi người chỉ muốn điều tốt nhất cho chúng tôi. Chẳng qua chúng tôi được đặt sai chỗ” – P. bộc bạch.

“Một số bạn bè tôi thời cấp III học chuyên tin nhưng khi ra trường không còn đam mê với môn này nữa vì trước đó họ được đào tạo thành “chiến binh” chứ không phải là “người tình” với môn học. Một người bạn của tôi từng phải dọn ra khỏi nhà vì không chịu nổi áp lực từ gia đình khi là học sinh trường chuyên mà thi rớt y dược” – Huỳnh Tùng (cựu thủ khoa ĐH Công nghệ thông tin ĐHQG TP.HCM) nói.

Những chuyến về trường cũ để tư vấn tuyển sinh, H.P. luôn thuyết phục đàn em suy nghĩ thận trọng và hãy cố gắng trò chuyện, nêu chính kiến trước phụ huynh. “Tôi chỉ mong các em sẽ không đi lại “vết xe đổ” như mình năm nào” – H.P. kể.

TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM) cho biết: “Trong một số trường hợp, kỳ vọng từ gia đình, nhà trường nếu xuất phát từ tình thương yêu và ở mức độ phù hợp sẽ trở thành động lực lý tưởng để các em bứt phá. Nhưng nếu kỳ vọng, áp lực quá lớn, vượt quá khả năng thì sẽ khiến các em – đang trong độ tuổi non nớt trải nghiệm sống – dễ có những suy nghĩ, hành động dại dột khi phải chịu stress, trầm cảm, căng thẳng thời gian dài”.

Hạnh phúc vì được lắng nghe

Bạn B.N. (22 tuổi) từng là “hiện tượng” ở Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) khi luôn đứng đầu trường với số phẩy kỷ lục là 9,6.

“Tôi học lớp chọn, giai đoạn làm hồ sơ thi ĐH, nhìn xung quanh thấy ai nấy đều chọn y dược, bách khoa… tôi bị stress nặng mỗi khi được hỏi sẽ chọn trường gì” – N. nói.

Được mẹ của mình lắng nghe và chia sẻ, B.N. vượt qua áp lực trước bạn bè, chọn “đầu quân” vào một trường CĐ và được trường cấp học bổng toàn phần.

“Tôi tốt nghiệp sớm một năm so với chúng bạn và hiện đã có công việc ổn định. Nhờ học hệ CĐ nên tôi có thời gian trau dồi tiếng Anh cũng như các kỹ năng mềm và hiện thấy khá tự tin về bản thân. Suy cho cùng, chỉ có chính người trong cuộc mới biết đâu là con đường tốt đẹp, phù hợp nhất với mình” – B.N. khẳng định.

C.NHẬT

CÔNG NHẬT ([email protected])