Nhật dùng chiến lược ‘gậy ông đập lưng ông’ phong tỏa Trung Quốc
Nhật Bản có thể sử dụng chính chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc để ứng phó các hành động trên biển của nước này.
Nhật dùng chiến lược ‘gậy ông đập lưng ông’ phong tỏa Trung Quốc
Nhật Bản có thể sử dụng chính chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc để ứng phó các hành động trên biển của nước này.
Thời gian qua, dư luận quốc tế đặc biệt tập trung chú ý vào diễn biến tình hình Biển Đông vì những hành động phi pháp ồ ạt của Trung Quốc cũng như động thái phản ứng của các bên khác. Trong khi đó, căng thẳng trên biển Hoa Đông cũng đang “nóng” không kém. Cơ quan chức năng Nhật Bản liên tục thông báo tàu Trung Quốc tiến gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và theo giới quan sát, tình hình sắp tới không có dấu hiệu sẽ lắng dịu.
Theo chuyên san The National Interest, không chỉ triển khai tàu tuần tra vũ trang tới gần Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc còn cấp tập tăng cường các khả năng trên biển và trên không ở biển Hoa Đông. Hơn nữa, lực lượng Trung Quốc còn đang đều đặn thực hiện các cuộc huấn luyện có tầm hoạt động vượt xa vùng đặc quyền kinh tế của nước này, chủ yếu là những vùng biển mở trên biển Hoa Đông xung quanh chuỗi đảo Ryukyu, thậm chí thường xuyên băng qua tuyến đường biển quốc tế đi qua eo biển Miyako của Nhật để tiến ra Tây Thái Bình Dương.
Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu mở rộng hiện diện quân sự rộng lớn ở châu Á – Thái Bình Dương nhằm bảo vệ cái gọi là những lợi ích biển quốc gia. Vì thế, một trong những lý do khiến nước này muốn kiểm soát Biển Đông và biển Hoa Đông là để phục vụ chiến lược “Chống tiếp cận/Chống xâm nhập – A2/AD” nhằm ngăn chặn Mỹ và các đồng minh tiếp cận khu vực, đẩy lực lượng Mỹ xa khỏi phạm vi có thể phản ứng kịp thời mỗi khi xảy ra biến cố tại Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, The National Interest dẫn lời chuyên gia Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nghiên cứu chiến lược Nhật tại Tokyo nhận định với lợi thế địa chiến lược của mình, Nhật Bản có thể xây dựng một phiên bản A2/AD để phong tỏa ngược lại lực lượng Trung Quốc.
Hàng rào Ryukyu
Chuỗi đảo Ryukyu phía nam Nhật Bản được đánh giá là thành tố quan trọng nhất của nước này trong chiến lược phong tỏa ngõ ra của các hạm đội Trung Quốc. Với đảo lớn nhất là Okinawa, chuỗi đảo Ryukyu trải dài theo hướng tây nam từ Kyushu đến gần Đài Loan. Nếu được gia cố đúng mức, Ryukyu hoàn toàn có thể chặn đứng mọi nỗ lực muốn đi qua hành lang biển hiểm trở này.
Theo The National Interest, vị trí địa lý và đặc điểm “chi chít” các đảo nhỏ của Ryukyu giúp Lực lượng phòng vệ Nhật (JSDF) có thể tạo ra mạng lưới phòng thủ nhiều lớp dày đặc, bao gồm tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, tàu ngầm, máy bay săn ngầm, tàu chiến nổi, thủy lôi thông minh và chiến đấu cơ.
Hồi tháng 4.2016, Tokyo đã tiến hành bước đầu tiên xây dựng phiên bản A2/AD của riêng mình bằng cách kích hoạt một đơn vị giám sát bờ biển tại đảo Yonaguni, thuộc cực nam của Ryukyu, và đang lên kế hoạch lập thêm nhiều cơ sở tương tự trên các đảo khác trong khu vực. Mang danh là đơn vị giám sát nhưng những chốt phòng thủ này đều được trang bị tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không.
Ngoài ra, trong vòng 5 năm tới, Nhật sẽ gia tăng lực lượng đóng trên các đảo ở biển Hoa Đông lên gần 10.000 người. Những binh sĩ này sẽ được hỗ trợ bởi các đơn vị lính thủy đánh bộ, tàu ngầm tàng hình, chiến đấu cơ tàng hình F-35, xe tác chiến đổ bộ, khu trục hạm trực thăng và kể cả Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại Yokosuka, theo Reuters. Trong đó, các lớp khu trục hạm trực thăng, đặc biệt là tàu Izumo, hoàn toàn có thể được cải biến thành tàu sân bay có khả năng chở chiến đấu cơ F-35 cũng như đóng vai trò tàu đổ bộ.
Chịu trách nhiệm bảo vệ các tàu lớn này sẽ là khu trục hạm lớp Atago được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, tên lửa đối không SM-2, SM-3 hoặc tên lửa chống ngầm ASROC. Bên cạnh đó, với lợi thế về tốc độ và sự linh hoạt, các tàu tuần tra lớp Hayabusa mang tên lửa đối hạm SSM-1B đóng vai trò quan trọng để triển khai A2/AD và đặc biệt phù hợp khi hoạt động trong môi trường chật hẹp như Ryukyu.
“Thay vì A2/AD, chúng tôi dùng cụm từ “uy thế trên biển” và “vượt trội trên không”. Suy nghĩ của chúng tôi là muốn đảm bảo khả năng chiếm ưu thế biển và vượt trội trên không tương thích với quân đội Mỹ”, ông Yosuke Isozaki, cựu cố vấn an ninh của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nói với Reuters.
Phối hợp lực lượng
Eo biển Miyako rộng 257 km nằm giữa đảo Miyako và Okinawa là đường đi duy nhất ở phía nam để các tàu thuộc các hạm đội Bắc Hải và Đông Hải của Trung Quốc tiến ra khỏi phạm vi biển Hoa Đông. Do vậy, nếu triển khai hiệu quả A2/AD, Nhật hoàn toàn có thể ngăn không cho Hạm đội Đông Hải tiến về nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong trường hợp xung đột. Một tác dụng không kém phần quan trọng khác là lực lượng Nhật ở Ryukyu có thể chặn đứng đường chi viện của 2 hạm đội này xuống Biển Đông để hỗ trợ Hạm đội Nam Hải nếu xảy ra biến cố.
Tuy nhiên, nhà phân tích Koh Swee Lean Collin tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định: Để chiến lược A2/AD của Nhật phát huy tác dụng như mong muốn thì nước này phải vượt qua thách thức hiện nay về phối hợp lực lượng chiến đấu. Rất thiện chiến, chuyên nghiệp và sở hữu khí tài thuộc hàng hiện đại nhất thế giới nhưng JSDF bị cho là vẫn còn nhược điểm trong sẵn sàng hoạt động và phối hợp chung giữa 3 nhánh phòng vệ trên không, trên bộ và trên biển. “Rõ ràng, đây là vấn đề cần được giải quyết cho một chiến lược A2/AD hiệu quả của Nhật. JSDF cần tập trung tìm hướng sử dụng hiệu quả các tài sản trên bộ, không và biển thông qua nâng cao khả năng tích hợp và điều phối”, The National Interest viết.
Lâu nay 3 lực lượng phòng vệ của Nhật bị đánh giá là phối hợp chưa tốt do các vấn đề quan liêu và lý do chính trị. Để vượt qua tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng JSDF cần thiết lập Lực lượng phối hợp chung (JTF) với sứ mệnh bảo vệ khu vực phía nam Nhật Bản. JTF sẽ đóng vai trò lôi kéo 3 nhánh binh chủng xích lại gần nhau, tiến tới hoạt động chung để có thể thiết lập hiện diện quân sự vững chắc thông qua mạng lưới A2/AD xung quanh Ryukyu.
Nếu đạt được khả năng này, theo Giáo sư Toshi Yoshihara tại Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, Nhật có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế khu vực hoạt động của Trung Quốc, giúp quân đội Mỹ di chuyển dễ dàng và có thời gian ứng phó trong trường hợp xung đột.
Nhật chào hàng máy bay săn ngầm ở Mỹ
Tại đợt triển lãm vũ khí và hội nghị sản phẩm quốc phòng diễn ra tại bang Maryland của Mỹ từ ngày 16 – 18.5, Nhật Bản đã lần đầu tiên chào hàng máy bay săn ngầm P-1 của Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki.
Chuyên trang Defense One dẫn lời đại diện Kawasaki mô tả P-1 có thể thay thế P-3 Orion, loại máy bay tuần tra hiện được nhiều nước sử dụng, gồm Nhật, Úc, Hàn Quốc, New Zealand và Thái Lan. Theo Kawasaki, P-1 là máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa, có thể mang theo một số vũ khí như bom, tên lửa, ngư lôi và thuỷ lôi. Nhật bắt đầu thực hiện dự án chế tạo P-1 vào năm 2001 và đưa vào hoạt động năm 2013. Theo kế hoạch, nước này sẽ sở hữu ít nhất 28 chiếc P-1 vào cuối thập niên 2010 và 70 chiếc vào năm 2027.
|
Văn Khoa