Cần một Quốc hội chuyên nghiệp
Đại biểu Quốc hội nên được coi là một nghề chuyên nghiệp, vì thế cần tạo điều kiện cho những người có năng khiếu và có đam mê làm chính khách ứng cử, tranh cử.
Cần một Quốc hội chuyên nghiệp
Đại biểu Quốc hội nên được coi là một nghề chuyên nghiệp, vì thế cần tạo điều kiện cho những người có năng khiếu và có đam mê làm chính khách ứng cử, tranh cử.
Đây là góc nhìn của TS Nguyễn Sĩ Dũng , nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong cuộc trả lời Thanh Niên về tiến trình đổi mới, dân chủ hóa ở Quốc hội.
Đừng coi làm ĐBQH để thăng tiến
* Theo ông, yếu tố căn bản nào thúc đẩy tiến trình dân chủ trong hoạt động của Quốc hội (QH): vai trò đại biểu (ĐB), phương thức lãnh đạo của Đảng, hay vai trò của người đứng đầu cơ quan quyền lực tối cao này?
– Tôi cho rằng cả ba yếu tố nói trên đều có ảnh hưởng tới tiến trình dân chủ trong hoạt động của QH. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phương thức lãnh đạo của Đảng. Nếu Đảng không dành cho QH một không gian chính trị rộng lớn, QH không thể đổi mới và dân chủ hoá hoạt động của mình. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là nhận thức đúng đắn về vai trò của QH trong nền quản trị quốc gia. Đảng dành không gian chính trị để QH làm tốt chức năng của mình nghĩa là Đảng đang lãnh đạo để thúc đẩy một nền quản trị quốc gia hiện đại, minh bạch và có trách nhiệm.
* Mỗi một nhiệm kỳ có 500 đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhưng gần như người dân chỉ nhớ đến một số ĐB nhất định. Vì sao số ĐB được lòng cử tri lại chỉ đếm trên đầu ngón tay? Phải chăng từ khâu lựa chọn ĐB, cách thức giới thiệu ứng viên bầu cử chưa rộng cửa cho người tài, để có được những ĐB trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, hết lòng vì cử tri?
– Các ĐBQH được lòng cử tri chắc là nhiều hơn đếm trên đầu ngón tay (cười). Tuy nhiên, cho dù như thế thì đúng là cũng chưa thật nhiều. Có một số nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là vì chúng ta chưa có một QH chuyên nghiệp. Làm nghề gì cũng phải chuyên nghiệp mới giỏi giang được. Làm ĐBQH lại càng phải như vậy. Đây là một nghề rất khó vì bạn vừa phải làm nhà lập pháp, vừa phải làm người ĐB của dân. Làm nhà lập pháp thì bạn phải biết sử dụng quyền năng của mình để tác động lên chính sách, pháp luật, để bảo đảm trách nhiệm giải trình của Chính phủ, của các bộ ngành. Làm người ĐB cho dân, thì bạn phải biết giữ quan hệ chặt chẽ với cử tri đã bầu mình, thúc đẩy lợi ích của họ và giải quyết các vấn đề mà họ yêu cầu.
|
Cách thức giới thiệu ứng cử viên ĐBQH chưa rộng cửa cho người tài có thể là một nguyên nhân. Tuy nhiên, thế nào là người tài để làm ĐBQH? Chắc chắn không phải là người tài phát triển phần mềm, cũng không phải là người tài sáng tác thơ ca hay người tài bốc thuốc chữa bệnh… Tài làm ĐB là tài làm chính khách – một loại hình lao động rất đặc biệt. Rõ ràng, không có một cơ chế phù hợp lựa chọn những người tài như thế sẽ rất khó khăn.
Lấy một ví dụ trong lĩnh vực âm nhạc, người tài Đặng Thái Sơn xuất hiện nhờ các yếu tố như có năng khiếu bẩm sinh; đam mê và dấn thân; được lựa chọn tự do trong việc theo đuổi nghề âm nhạc và cuối cùng là được đào tạo bài bản. Bốn yếu tố trên là cần thiết cho mọi loại người tài khác, kể cả người tài làm ĐBQH. Để có được các ĐBQH danh tiếng, các điều kiện như trên có lẽ cũng là không thể thiếu. Đó là: Năng khiếu bẩm sinh để làm chính khách; Đam mê việc làm ĐB và dấn thân trong việc làm ĐB; Tự do lựa chọn nghề làm ĐB; Được bồi dưỡng để làm ĐB.
* Vậy phải thay đổi từ khâu lựa chọn ĐBQH như thế nào?
– Thì phải lựa chọn những người có năng khiếu và có đam mê làm chính khách. Hay chính xác hơn là tạo điều kiện cho những người như vậy ứng cử và tranh cử. Đừng nên coi làm ĐBQH là một sự thăng tiến tiếp theo của con đường quan lộ. Bởi vì làm quan chức hành chính và làm ĐBQH là hai công việc rất khác nhau.
Vấn đề Đảng lãnh đạo QH
* Nhiều phiên họp của QH thời gian qua cho thấy có những vấn đề khi đưa ra thảo luận, ban đầu thấy nhiều ý kiến trái chiều, như vụ mở rộng Hà Nội, vụ sân bay Long Thành…, nhưng khi biểu quyết lại đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao, đều thông qua. Phải chăng, QH đang có xu hướng “nghị quyết hoá” các chủ trương của Đảng, mà đang giảm dần vai trò phản biện?
– Trước hết, những ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại QH là rất bình thường. Các vị ĐBQH phản biện lại chính sách không hẳn là để phản đối mà là để nó trở nên minh bạch hơn. Vụ mở rộng Hà Nội và vụ sân bay Long Thành có lẽ cũng được thảo luận với tinh thần đó. Ngoài ra, “nghị quyết hoá” các chủ trương của Đảng là điều nghị sĩ của bất kỳ nước nào cũng làm. Điều khác biệt chỉ là như thế này thôi: Đảng của các nước hoạch định chính sách ngay trong lòng QH, chứ không phải là ở bên ngoài QH. Các đảng viên trúng cử chính là ban lãnh đạo của Đảng. Họ hình thành nên Đảng đoàn QH và quyết định chính sách ở trong Đảng đoàn.
* Chúng ta đã nói nhiều đến việc tìm ra cách thức xác định sự lãnh đạo của Đảng với QH khác với các thiết chế khác ở chỗ nào vì QH là cơ quan dân cử. Theo ông, những vướng mắc trong vấn đề này hiện nay là gì?
– Tôi nghĩ ta nên làm như các nước tiên tiến trên thế giới. Đại hội Đảng bầu ra các ứng cử viên ĐBQH. Các ứng cử viên trúng cử hình thành ban lãnh đạo của Đảng gọi là Đảng đoàn QH. Như vậy ý Đảng và lòng dân đã được kết hợp với nhau làm một. Đảng thảo luận, quyết định đường lối, chính sách trong Đảng đoàn QH. Khi ra QH, các vị ĐB là đảng viên sẽ phải biểu quyết theo quyết định của Đảng đoàn QH. Vướng mắc hiện nay là sự chồng chéo chức năng giữa các đảng viên trong QH và trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng.
* Theo ông, việc chậm hoặc không đổi mới cách thức lãnh đạo của Đảng với QH sẽ làm thụt lùi tiến trình dân chủ hoá hay không? Cần tháo gỡ các vướng mắc hiện hành thế nào để tiến trình dân chủ ở QH tiếp tục được duy trì, thúc đẩy, phát huy được tối đa vai trò các ĐBQH, đáp ứng ngày càng cao nguyện vọng của cử tri và nhân dân?
– Tôi nghĩ dân chủ là quan trọng, nhưng quan trọng không kém là một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả. Nếu chúng ta không đổi mới, quả thực, đạt tới một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả là khó khăn. Vai trò của các vị ĐBQH nên được phát huy như thế nào cũng sẽ phải gắn chặt và bổ sung giá trị cho nền quản trị quốc gia mà chúng ta hướng tới.
* Làm thế nào để các ĐB phát huy vai trò của mình, tránh việc các ĐB bị “nhắc nhở, vỗ vai” hoặc các ĐB là đảng viên phải chấp hành các yêu cầu của Đảng khi phải thể hiện chính kiến về một vấn đề nào đó?
Kiểu gì thì các đảng viên là ĐBQH cũng là những đảng viên cao cấp. Họ phải được thảo luận dân chủ về các quyết sách của Đảng. Nếu chúng ta chưa nhất thể hoá được như các nước trên thế giới, thì nên có các cuộc họp Ban Chấp hành T.Ư mở rộng với sự tham gia của các đảng viên là ĐBQH. Đặc biệt là khi Ban Chấp hành T.Ư thảo luận, quyết định những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật.
Trường Sơn
(thực hiện)