Nắng hạn gay gắt khiến mía đang dần chết khô, nông dân đứng ngồi không yên, phải bỏ ra chi phí lớn đào ao, dẫn nước từ các con suối, sông với hy vọng “cấp cứu” cây mía qua cơn đại hạn này.
Vật vã cứu cây mía
Nắng hạn gay gắt khiến mía đang dần chết khô, nông dân đứng ngồi không yên, phải bỏ ra chi phí lớn đào ao, dẫn nước từ các con suối, sông với hy vọng “cấp cứu” cây mía qua cơn đại hạn này.
Đắng lòng nhìn mía chết dần
Năng suất sẽ giảm
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết toàn tỉnh có khoảng 24.000 ha mía. Trong niên vụ mía 2015 – 2016 đã thu hoạch với năng suất bình quân hơn 62 tấn/ha. Niên vụ này, nắng hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chắc chắn là năng suất mía giảm so với niên vụ trước.
Đ.H
Gia đình anh Nguyễn Hữu Nam ở xã Đức Bình Tây, H.Sông Hinh (Phú Yên) có hơn 2 ha đất trồng mía, mỗi năm năng suất hơn 60 tấn/ha. Vụ này, anh Nam mới thu hoạch xong, cây mía đang đâm chồi, ra lá. Như mọi năm, thời gian này ở vùng đất H.Sông Hinh đã có một vài cơn mưa giải hạn, nhưng năm nay thì chẳng có giọt mưa nào. “Nếu nắng mà kéo dài chừng nửa tháng nữa thì một số diện tích mía sẽ chết, có sống thì năng suất sẽ giảm mạnh. Khổ nỗi, khu vực này lại không có nguồn nước nên tôi đành ngậm ngùi nhìn mía chết dần”, anh Nam lo lắng và cho biết thêm thời điểm này là giai đoạn bón phân lần đầu cho cây mía nhưng không có nước nên không thể thực hiện. Vạch những đám mía đã vàng lá, anh lắc đầu: “Mía không đủ dưỡng chất sinh trưởng chắc chắn năng suất thấp”.
Cũng rơi vào tình cảnh bất lực nhìn mía chết dần, ông Phạm Thanh Phố ở xã Ea Chà Rang, H.Sơn Hoà (Phú Yên), than thở: “Những người có diện tích mía nhiều thì chết một ít diện tích, năng suất giảm cũng không quá ảnh hưởng đời sống. Còn như gia đình tôi sống nhờ vào hơn 3 ha mía, năng suất giảm thì không còn lãi, lấy đâu mà sống. Tôi chỉ còn biết cầu trời mưa xuống giải hạn. Nếu mà có mưa trong thời gian này, nông dân trồng mía như tôi gọi là mưa vàng”.
Còn nước còn tát
Ông Đặng Nguyên Hữu ở xã Suối Trai (H.Sơn Hoà) trồng hơn 3 ha mía, nhưng ruộng của ông nằm vùng trũng nên chỉ cần đào ao thì có nước tưới. Ông đành cắt khoảng 100 m2 đất mía, đào ao và mua máy móc, ống nước về tưới cho mía. “Tôi thuê máy múc đào ao, mua máy bơm nước, đường ống… với chi phí 40 triệu đồng. Dù tăng chi phí, nhưng mong cây mía sẽ đạt năng suất để bù lại. Miễn sao có nước để cứu mía là được rồi”, ông Hữu nói.
Trong khi đó, ông Phan Hữu Sơn ở xã Đức Bình Tây có gần 2 ha mía gò đồi, nhưng thuận lợi là gần suối. Theo ông Sơn, thời điểm này, các con suối cạn nhưng vẫn còn nước, chỉ nạo vét sâu vài mét thì có nước mạch nên nước cũng tương đối đủ tưới luân phiên cho 3 ha. Tuy nhiên, nguồn nước mỗi lần chỉ đủ bơm hơn 1 giờ nên ông phải tưới luân phiên từng vạt, thành ra cứ nằm ngoài ruộng cả ngày, chờ nước mạch ra đủ thì tiếp tục bơm tưới. Vạt nào bón phân xong thì tưới. “Phải làm vậy để cứu mía, cứu cuộc sống của mình. Dù sao chỗ mình còn có nước, chứ như mấy ruộng cách xa suối, vùng cao thì chỉ còn cách nhìn mía cháy”, ông Sơn nói.
Theo ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, trong niên vụ mía 2016 – 2017, diện tích trồng mía của xã tăng gấp đôi so với niên vụ trước. Từ đầu năm đến giờ, nắng hạn rất gay gắt, không có giọt mưa nào nên việc chống hạn cho mía rất vất vả, tốn kém. “Người dân tận dụng khe suối, nước sông Hinh và sông Ba hạ dẫn ống lên ruộng để tưới. Những khu vực mía xa nguồn nước sông, suối thì người dân đào ao, tận dụng nước mạch bơm tưới… Dù chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt nhưng chi phí bỏ ra rất lớn. Chi phí đào ao từ 40 – 50 triệu đồng. Những diện tích xa sông, suối thì chi phí bơm tưới cũng phải mất vài chục triệu. Chỉ trong đợt nắng hạn này, nông dân trồng mía đã tăng thêm 30% chi phí so với niên vụ trước”, ông Ân tính toán.