27/12/2024

“Nghiện kiểm tra” do vẽ quá nhiều giấy phép con

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề công chức “nghiện kiểm tra”, nhiều doanh nghiệp thừa nhận đã phải “sống chung với… thanh tra, kiểm tra”, chấp nhận để được yên ổn làm ăn.

 

“Nghiện kiểm tra” do vẽ quá nhiều giấy phép con

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề công chức “nghiện kiểm tra”, nhiều doanh nghiệp thừa nhận đã phải “sống chung với… thanh tra, kiểm tra”, chấp nhận để được yên ổn làm ăn.

 

 

 

 

"Nghiện kiểm tra" do vẽ quá nhiều giấy phép con
Các doanh nghiệp cho rằng rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý để yên ổn làm ăn. Trong ảnh: một cơ sở sản xuất bún gạo tươi có chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Cũng theo các doanh nghiệp (DN), giải pháp để chấn chỉnh hiện tượng “nghiện kiểm tra” của công chức là phải tinh giản bộ máy, không để số lượng công chức nhiều hơn việc, đồng thời phải xử lý nghiêm người ra quyết định thanh tra, kiểm tra sai.

Tôi nghĩ đã đến lúc cần mạnh tay dẹp bỏ vấn nạn này bằng cách xử lý người đã ra quyết định thanh tra, kiểm tra nếu hoạt động thanh tra, kiểm tra không đúng nguyên tắc, không đúng nội dung, tôn chỉ mục đích với nơi cần đến làm việc

Ông HUỲNH VĂN MINH (chủ tịch 
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM)

* Ông Nguyễn Thái Linh 
(uỷ viên thường vụ Hiệp hội 
In VN):

In hộp danh thiếp cũng đòi 
sao lưu CMND

Ngành in bản chất là ngành sản xuất thương mại bình thường nhưng theo quy định, chúng tôi lại là ngành nghề đặc biệt nên phải có giấy phép con như giấy phép quản lý ngành in của Sở Thông tin – truyền thông và Cục Xuất bản, giấy phép an ninh trật tự của công an cấp.

Chính các giấy phép con là cơ sở để sinh ra các cuộc thanh tra, kiểm tra của hàng loạt ban ngành. Đáng nói là những quy định không còn hợp thời đang gây khó rất nhiều cho DN.

Chẳng hạn, theo quy định, các DN phải “ghi chép” sổ sách và sao lưu CMND của người đặt in. Nhiều người đến đặt in một hộp danh thiếp cũng phải mượn CMND photo để lưu lại khiến khách hàng rất khó chịu.

Chưa hết, với công nghệ hiện nay, mọi thông tin đều nhập vào máy nhưng quy định danh sách người đặt in vẫn phải chép bằng… tay theo đúng nghĩa đen của từ “ghi chép”. Mà không phải chép vào sổ nào cũng được mà phải vào cuốn sổ mua từ cơ quan chức năng mới đúng.

Thử hỏi mỗi ngày chúng tôi có cả trăm đơn hàng mà bắt viết kiểu này, trong khi thông tin khách hàng đã nhập vào máy chỉ cần nhấn nút in ra là xong. Nhưng nếu không làm theo, đoàn kiểm tra bắt lỗi. Chúng tôi không hiểu sao cơ quan chức năng lại áp dụng quy định một cách máy móc như vậy?

Chúng tôi cũng kiến nghị sửa đổi ngành in thành sản xuất thương mại bình thường, tránh trường hợp phải mệt mỏi với việc xin giấy phép con và tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra từ lao động – thương binh & xã hội, phòng cháy chữa cháy, thuế, môi trường…

* Bà Nguyễn Thị Bính 
(giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính):

Kiểm tra như uy hiếp tinh thần DN

Hầu hết cơ sở bún tươi, thuộc ngành tiểu thủ công nghiệp, không có khả năng xử lý nổi nước thải, nhưng các đơn vị kiểm tra phân tích mẫu vẫn chấm đạt để cho qua.

Trong khi DN chúng tôi làm ăn rõ ràng, được cấp giấy đủ điều kiện sản xuất thực phẩm tươi sống, có đăng ký và đầu tư dây chuyền tiền tỉ, trong đó có dây chuyền đóng gói tự động khử vi sinh bằng tia cực tím đầu tiên trong những DN làm bún và bánh phở tươi, chưa kể còn dám vay tiền ngân hàng xây dựng bể xử lý nước thải.

Tuy nhiên, chính DN của chúng tôi là nơi thường xuyên đón các đoàn thanh tra, kiểm tra với lực lượng hùng hậu và thái độ hoạnh hoẹ rất vô lý, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh hằng ngày của chúng tôi.

Thậm chí, giấy phép chúng tôi do bộ cấp, nhưng cơ quan quản lý môi trường vẫn “phán” giấy phép không hợp lệ rồi đi xác minh, thậm chí còn hỏi tại sao chúng tôi không xin giấy phép của TP mà xin của bộ?!

Trong thời buổi làm ăn khó khăn, DN trong nước cạnh tranh với nước ngoài chưa nổi, nỗ lực giữ thị trường trong nước đã khó khăn mà thái độ hoạnh hoẹ của đơn vị quản lý kiểu vạch lá tìm sâu, “nắm kẻ có tóc” khiến chúng tôi thấy nản.

Những cơ sở nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sao cơ quan chức năng không kiểm mà tập trung vào chúng tôi? Chúng tôi làm ăn đàng hoàng nhưng luôn chịu trận trước các cuộc hạch sách và nhũng nhiễu vậy, liệu có phải là cách chúng ta đang hỗ trợ DN vừa và nhỏ như chính sách đưa xuống không?

* Bà NGUYỄN MINH NGỌC (phó giám đốc kinh doanh 
Công ty TNHH HM, Hà Nội):

Sai lỗi chính tả cũng phải mang hồ sơ về khai lại!

Mỗi lần thay đổi hay hiệu đính bất kỳ thông tin gì trong giấy đăng ký kinh doanh thường DN phải đi lại đến cơ quan đăng ký kinh doanh khoảng hai lần, trong đó mỗi lần phải chờ rất lâu, thậm chí có lần chúng tôi phải chờ đợi từ 9g sáng mà hết trưa vẫn không đến lượt xử lý hồ sơ.

Chưa hết, nhiều cán bộ công chức không đặt mình vào vị trí DN, không có sự cảm thông, sẻ chia. Chi tiết rất đơn giản là địa chỉ DN tại phường Quang Trung, quận Hà Đông thay vì viết đầy đủ, DN khai trong hồ sơ là “P.Quang Trung, Q.Hà Đông”… đã bị cán bộ thụ lý hồ sơ cho là viết không rõ ràng và đề nghị DN về khai lại. Như thế, DN phải thêm một lần đi lại và tốn thời gian chờ đợi.

Chính những điều này khiến DN nghĩ có không ít công chức quá máy móc, cố tình gây phiền hà cho DN. Theo tôi, đã đến lúc cho phép khai qua mạng khi thay đổi thông tin liên quan đến giấy phép đăng ký kinh doanh, tránh trường hợp hành DN lên xuống nhiều lần.

* Ông HUỲNH VĂN MINh 
(chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Chấp nhận bị “hành” để yên ổn làm ăn

Không phải từ bây giờ mới có chuyện công chức “nghiện” kiểm tra DN, mà nó đã tồn tại từ rất lâu rồi. Rất nhiều DN than phiền, bức xúc, thậm chí uất ức khi liên tục phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra khác nhau đến nơi họ làm ăn kinh doanh, nhưng lạ một điều là chỉ có… một nội dung để kiểm tra. Điều này nói lên điều gì?

Vì sao nội dung kiểm tra lại giống nhau đến thế dù có rất nhiều bộ, sở, ngành khác nhau? Chúng tôi nghe những phản ảnh của DN không thôi đã thấy chịu không nổi, vì nội dung kiểm tra thường rất chồng chéo, trùng lặp, thậm chí rất vô lý, huống chi chính DN là “nạn nhân” trực tiếp. Rồi còn DN có vốn đầu tư nước ngoài nữa, họ nhìn sao về môi trường đầu tư của mình?

Khi nào cán bộ công chức nhà nước mới thực sự tận tâm, đồng hành cùng DN, coi việc thành công hay thất bại của DN cũng là niềm vui hay nỗi buồn của mình?

Chúng tôi không bi quan nhưng nếu chừng nào mà cán bộ, công chức vừa thiếu tâm vừa không đủ tầm, không thực sự đồng hành cùng DN, chừng đó DN vẫn còn khó khăn. Nhưng DN cũng phải chấp nhận như một sự đánh đổi, để đổi lấy cơ hội bình yên cho công việc làm ăn của mình, không muốn bị cơ quan nhà nước “dòm ngó” để mà hoạnh họe.

* Ông NGUYỄN VĂN VIỆT 
(chủ tịch Hiệp hội Bia rượu 
nước giải khát VN):

“Nghiện kiểm tra” vì nhiều người hơn việc

DN đang gặp rất nhiều khó khăn, sức cạnh tranh kém xa nhiều nước trong khu vực. Điều này ai cũng thấy và báo chí cũng nói nhiều, tại sao cơ quan nhà nước, cán bộ công chức không cùng chia sẻ với DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN có thêm động lực để “chiến đấu” với đồng nghiệp các nước, mà lại chất chồng thêm khó khăn cho họ? Tôi thấy nên rà soát bộ máy quản lý công chức hiện nay tại các cơ quan có thẩm quyền.

Thực tế rất nhiều bộ phận tại nhiều bộ ngành mà người nhiều hơn việc. Người nhiều quá mà không có việc để làm, nên mới… bày chuyện ra để đi kiểm tra! Chưa kể, dù đã có quy định không được kiểm tra chồng chéo, trùng lắp nhưng cũng có cán bộ cứ tìm cách này cách nọ để kiểm tra. Mà đã cố tình rồi thì DN khó thoát lắm.

Chính vì vậy, nếu tinh gọn bộ máy quản lý lại, tăng cường đánh giá năng lực cán bộ công chức thường xuyên, chắc chắn bộ máy quản lý sẽ có chất lượng chuyên môn cao, sẽ dễ dàng phát hiện các sai phạm ở các DN cố tình vi phạm 
pháp luật.

* Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội:

Tiếp thanh tra muốn hết thời gian làm ăn

DN liên tục nhận được điện thoại, văn bản thông báo của cơ quan chức năng thông báo lịch sẽ “đến thăm” DN, theo kiểu cơ quan quản lý dàn hàng ngang vào kiểm tra, thanh tra DN. Chẳng hạn, có thời điểm cơ quan thuế, thanh tra tài chính, Kiểm toán Nhà nước… cùng vào kiểm tra, thanh tra về thuế.

Mỗi đợt thanh tra cấp trung ương như Kiểm toán Nhà nước thực hiện thường kéo dài 45-75 ngày, còn đợt thanh tra cấp địa phương từ 30-45 ngày. Có thời điểm DN tiếp đoàn thanh tra này chưa xong, đoàn khác đã vào nhưng nội dung thanh tra, kiểm tra của các đoàn na ná nhau, cũng lật hồ sơ sổ sách để xem DN có sai phạm gì về tài chính, thuế hay không. Chỉ tiếp thanh tra, kiểm tra của các ngành thôi cũng chẳng có tâm trí, thời gian đâu mà kinh 
doanh nữa.

Để tạo thuận lợi cho DN, Chính phủ nên xem xét tính toán lại theo hướng chỉ nên cơ quan chuyên ngành nào thì thanh tra chuyên ngành đó. Và các đơn vị khác phải sử dụng lại kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chuyên ngành.

ÁNH HỒNG – TRẦN VŨ NGHI – LÊ THANH