Nhiều chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng khi biết các khoản chi phúc lợi như hiếu, hỷ, nghỉ mát… có thể được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh của ngành điện.
Giá điện ‘cõng’ cả chi phí hiếu, hỷ, nghỉ mát
Nhiều chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng khi biết các khoản chi phúc lợi như hiếu, hỷ, nghỉ mát… có thể được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh của ngành điện.
Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn điện lực VN (EVN) vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến, có quy định chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm cả hiếu, hỷ, nghỉ mát…
Cụ thể, “Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch hoạ, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác”.
Giá điện sẽ bị đẩy lên cao
Đưa khoản chi phúc lợi vào giá thành chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận của EVN nhỏ đi, dẫn tới một số vấn đề. Thứ nhất là tăng giá; thứ hai là EVN nộp thuế ít hơn; thứ ba là tác động xấu đến nền kinh tế khi điện là chi phí đầu vào của sản xuất, sinh hoạt của người dân
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế
Trả lời báo chí, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, lý giải phúc lợi cho công nhân là chi phí để sản xuất. Doanh nghiệp (DN) tư nhân được hạch toán chi phí này không quá một tháng lương theo quy định của luật. DN nhà nước (DNNN) cũng là DN nên phải được bình đẳng với DN khác. Thế nhưng, theo Thông tư 96/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập DN thì các khoản chi kể trên là các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và văn bản không đề cập đến việc DN được hạch toán các khoản này vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng nếu đem tất cả những chi phí hiếu hỷ… đưa vào chi phí sản xuất điện sẽ tạo tiền lệ cho nhiều DNNN khác có quyền tính những chi phí giống vậy. Nhất là những DNNN như EVN, việc tính kiểu này chắc chắn sẽ đẩy giá sản phẩm lên cao.
“Các DN đang hạch toán hiếu hỷ vào quỹ công đoàn, chứ không phải vào chi phí kinh doanh. Khi tôi còn làm việc ở cơ quan nhà nước, cán bộ công nhân viên ốm đau thì công đoàn có nguồn quỹ của mình đi thăm với tiêu chuẩn cụ thể. Một khi tính vào chi phí sản xuất kinh doanh nghĩa là tính vào giá bán. Với điểm nhạy cảm như thế, Bộ Tài chính khi đưa vào dự thảo phải cân nhắc. Trường hợp được đưa chi phí này vào thì ngưỡng là bao nhiêu, hay người của EVN đau ốm thì được quyền chi nhiều hơn so với người của các DN khác? Lực lượng lao động của EVN rất đông, cho nên nếu phải chi các khoản này sẽ trở thành khoản tiền vô cùng lớn, chứ không hề nhỏ. Hơn nữa, ai đảm bảo rằng việc lạm dụng để chi hiếu, hỷ… cao là không có khả năng xảy ra?”, bà Lan đặt vấn đề.
Luật sư Nguyễn Duy Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội), Giám đốc Công ty IPIC Group, cho rằng các chi phí phúc lợi nên lấy từ quỹ công đoàn để không ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm. Quỹ công đoàn được hình thành từ thu nhập của chủ sử dụng lao động và người lao động. “Với đặc thù là DNNN, bên cạnh mục tiêu kinh doanh, nhiệm vụ trọng tâm của EVN là phục vụ lợi ích của xã hội, nên dư luận có quyền yêu cầu đưa các chi phí phúc lợi ra khỏi chi phí sản xuất để đảm bảo về giá”, ông Hùng nhấn mạnh.
Người dân gánh thêm rủi ro
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, nhận xét “ý tưởng” đưa các khoản chi phúc lợi vào chi phí sản xuất là quá nguy hiểm. Trong kinh tế học, tất cả các khoản đó thuộc về phân phối lại, mà đã là phân phối lại thì không thể đưa vào chi phí sản xuất. Hơn nữa, nếu cho phép EVN làm vậy thì tất cả các ngành khác đều được phép, chứ không riêng ngành điện. “Đưa khoản chi phúc lợi vào giá thành chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận của EVN nhỏ đi, dẫn tới một số vấn đề. Thứ nhất là tăng giá; thứ hai là EVN nộp thuế ít hơn; thứ ba là tác động xấu đến nền kinh tế khi điện là chi phí đầu vào của sản xuất, sinh hoạt của người dân”, ông Trinh phân tích và nói thêm: “Tôi rất ngạc nhiên tại sao những chi phí như vậy lại được tính vào sản xuất. Đừng để cho phép xong không kiểm soát, các DN như EVN đưa chi phí vào rồi khai vống lên, sau đó đẩy hậu quả về giá cho người tiêu dùng nhận lãnh”.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc tính các khoản chi hiếu, hỷ… vào chi phí sản xuất khiến người dân gánh thêm rủi ro về giá điện. “Cho dù có dự thảo thì Bộ Tài chính cũng phải tính được khoản tiền dự kiến chi cho phúc lợi này mỗi năm là bao nhiêu và ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm đến giá thành điện. Không thể có chuyện đưa khoản chi phúc lợi vào chi phí sản xuất mà không ảnh hưởng tới giá điện. Không có cái gì mà giá thành tăng lên lại không ảnh hưởng đến người tiêu dùng”, bà Lan nói. Cũng theo chuyên gia này, thời điểm hiện nay là lúc cần thiết phải tính toán lại giá thành tạo nên giá điện của EVN, nhưng Bộ Tài chính không yêu cầu EVN làm, từ đó có cơ sở để giảm giá thành. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại đưa chi phí thêm vào giá thành để có thể dẫn tới việc giá điện tăng.
“Trước đây EVN xây biệt thự, sân tennis… rồi tính vào giá điện, dư luận phản ứng rất nhiều, sau đó chẳng rõ ngành tài chính xử lý khoản tiền gần 600 tỉ đồng ấy như thế nào. Giờ lại lợi dụng các khoản chi phúc lợi để tính vào giá điện. Tôi thấy rất kỳ cục trong cách quản lý DNNN như vậy”, bà Lan bức xúc.
Không biết được cơ cấu giá điện
Theo các chuyên gia, thực tế xã hội hiện không giám sát được cơ cấu giá thành của ngành điện. “Ngay bản thân tôi nhiều lúc cũng muốn tìm hiểu nhưng không có kênh nào để có thể biết được cơ cấu giá thành. Lúc EVN báo lãi, lúc thì báo lỗ, nhưng không rõ giá thành như thế nào để tính lãi, lỗ. EVN là một DNNN và cần được giám sát chặt chẽ, minh bạch chứ không thể lấy lý do bí mật kinh doanh để che giấu. Ngành điện lâu nay chỉ một chiều tăng giá chứ không có giảm giá, kể cả khi giá đầu vào giảm. Những năm gần đây xăng dầu giảm giá nhiều, trong khi xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành điện, nhưng ngành điện không có động thái nào giảm giá”, bà Phạm Chi Lan nói.
Cũng theo chuyên gia này, các cơ quan chức năng thường xuyên tạo áp lực để ngành vận chuyển giảm giá khi xăng dầu giảm giá nhưng ngành điện ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thì không ai truy vấn. Đó là không công bằng, không hợp lý. “Ngành điện không lo giảm giá thành, vì giá thành do họ kiểm soát. Giá thành ngành điện mặc nhiên được nhà nước thoả thuận và căn cứ trên giá thành đó EVN chỉ đòi tăng giá lên chứ không có động lực giảm giá thành như các DN có tính cạnh tranh khác”, bà Lan nói.