Trong khi nền kinh tế đang khát vốn thì nghịch lý là 500 tấn vàng nằm im trong dân. Hiệp hội Kinh doanh vàng VN vừa có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để huy động nguồn vàng này.
‘Lôi’ vàng trong tủ nhà dân vào sản xuất
Trong khi nền kinh tế đang khát vốn thì nghịch lý là 500 tấn vàng nằm im trong dân. Hiệp hội Kinh doanh vàng VN vừa có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để huy động nguồn vàng này.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần vốn thì việc hàng trăm tấn vàng “ngủ” trong dân theo nhiều chuyên gia là không ổn. Theo khảo sát mới đây của Viện Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Áp lực về vốn cho nền kinh tế trong thời gian tới cũng không ít khi dự kiến tháng 7.2017, VN có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến đến vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA), trước nhu cầu vốn lớn của nền kinh tế, Sở Giao dịch vàng quốc gia (GDVQG) là một trong những phương thức cấp bách để huy động vốn trong dân.
Bỏ quên hơn 20 tỉ USD
Việc đề xuất thành lập Sở GDVQG của VGTA không mới, bởi trước đó chính VGTA và một số đơn vị cũng đã có đề xuất tương tự. Năm 2012, BIDV đã xây dựng phương án thành lập Sở GDVQG khá bài bản từ các thành viên tham gia thị trường, hệ thống thanh toán, sản phẩm dịch vụ giao dịch, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển… Sở này thuộc sở hữu nhà nước, do NHNN quản lý, tạo “mặt bằng giao dịch” chứ không tham gia mua bán. Các doanh nghiệp, cá nhân sẽ thông qua các thành viên môi giới của Sở để giao dịch tại sàn. Tuy nhiên, tất cả các đề xuất này đều chưa được thông qua.
Dù chưa có một thống kê chính thức nào về lượng vàng đang “ngủ” trong dân, song đã có một con số ước tính vào khoảng 400 – 500 tấn vàng, tương đương hơn 20 tỉ USD. Theo phó chủ tịch một ngân hàng (NH) thương mại, từ năm 2011, thời điểm các NH ngừng huy động và cho vay vàng, người dân gửi vàng cho NH giữ hộ rất ít, mà họ đã mang phần lớn kim loại quý này về nhà cất trữ. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho hay sau những chính sách chống vàng hóa, thị trường vàng yên ắng chỉ là hình thức chứ về “nội dung” thì chưa hẳn. Hàng trăm tấn vàng nhập vào VN những năm trước đây, hiện giờ đang lưu lạc nơi nào, rồi cả 100 tấn vàng mà NHNN thực hiện đấu thầu cách đây mấy năm cũng không biết đang ở đâu. Vì vậy, phải có giải pháp để đưa nguồn lực lớn này vào nền kinh tế.
An toàn cho dân, khơi vốn cho sản xuất
TS Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc BIDV, cho hay: “Đề xuất của BIDV về thành lập Sở GDVQG cách đây 3 năm, khi đó thị trường vàng khá xáo trộn. BIDV mong muốn Chính phủ xem xét đến đề xuất này sau khi nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá lại tình hình hiện nay thị trường vàng đã ổn định sau khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng ban hành”. Việc thành lập Sở chưa hẳn đã huy động được rốt ráo số vàng trong dân, nhưng ông Lực cho rằng về lâu dài việc thành lập Sở GDVQG là điều cần thiết vì thị trường vàng minh bạch hơn, nhà nước dễ quản lý; tăng nguồn thu cho nhà nước qua thuế; kiểm soát vàng ra vào, hạn chế tình trạng buôn lậu vàng; mua bán chứng chỉ vàng tăng tính thanh khoản cho thị trường, qua đó vốn từ vàng quay vòng nhiều hơn và một phần vàng trong 500 tấn được chuyển hoá thành vốn đưa vào phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo Hiệp hội kinh doanh vàng VN (VGTA), trong nhiều năm qua, VN chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn vàng.
Ủng hộ kiến nghị, ông Trần Thanh Hải cho rằng: Đây cũng là một trong những biện pháp chống vàng hóa, đô la hóa mà nhà nước đang hướng đến. Khi có một Sở GDVQG, cơn “thèm khát” vàng vật chất sẽ giảm đi. Sở này thu hút nguồn vàng này trong dân thông qua phát hành chứng chỉ vàng. Với số vàng huy động được, NHNN có thể thế chấp vàng ở nước ngoài để huy động vốn ngoại tệ trên thị trường quốc tế. Lãi suất vay có tài sản thế chấp là vàng chắc chắn sẽ thấp hơn lãi suất vay tín chấp. Một tấn vàng hiện nay tương đương 41 triệu USD, 500 tấn cũng đã tương đương 20,5 tỉ USD. Chỉ cần huy động vài chục tấn vàng, số tiền huy động đã có thể lên đến tỉ USD. “Chúng ta không nên e ngại việc thành lập Sở GDVQG sẽ làm thị trường vàng xáo trộn như cách đây nhiều năm. Mô hình hoạt động của Sở GDVQG hoàn toàn khác mô hình sàn vàng trước đây. Như cần lưu ý để chống vàng hóa, không nên tái diễn cảnh cho NH thương mại cho khách hàng vay vàng”, ông Hải nói.
Theo một chuyên gia về vàng, việc phát hành chứng chỉ vàng cũng như hình thành sàn vàng quốc gia là điều các nước khác đã thực hiện trước đây. Thay vì dân nắm giữ vàng vật chất, họ sẽ nắm giữ chứng chỉ vàng. Chứng chỉ vàng này do NHNN phát hành với các mệnh giá như 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng, 2 lượng, 10 lượng… Người giữ chứng chỉ vàng sẽ an toàn, tiện lợi không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công vàng miếng. Về vĩ mô, vàng tập trung về NH góp phần tăng dự trữ quốc gia. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay phương cách tốt nhất, NHNN nên là cơ quan huy động số vàng đó từ dân chúng, phát hành chứng chỉ vàng và trả lãi. NHNN có thể ủy thác cho NH thương mại làm đơn vị trung chuyển dưới danh nghĩa NHNN và nhận phí. Sau đó, NHNN có thể cho Bộ Tài chính vay, Bộ Tài chính dùng số vàng đó đi vay vốn trên thị trường quốc tế hoặc phát hành trái phiếu chính phủ bảo đảm bằng vàng có giá trị rất cao.
Khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho rằng thời điểm hiện nay chưa nên thành lập sàn vàng khi hành lang pháp lý chưa được xây dựng đầy đủ. “Đây cũng chính là một trong những điểm khiến NHNN lúng túng và phân vân trước việc quản lý thị trường vàng hiện nay. Chỉ khi nào có cơ chế quản lý rõ ràng, lúc đó mới huy động được khối lượng vàng trong dân để đầu tư phát triển kinh tế”, ông Kiêm nói.