30/12/2024

Venezuela chìm trong hoảng loạn

Khủng hoảng kinh tế – xã hội tại Venezuela từ nhiều tháng qua đang ngày càng nghiêm trọng.

 

Venezuela chìm trong hoảng loạn

Khủng hoảng kinh tế – xã hội tại Venezuela từ nhiều tháng qua đang ngày càng nghiêm trọng.





Người dân xếp hàng mua nhu yếu phẩm bên ngoài một siêu thị ở Caracas /// Reuters

 

Người dân xếp hàng mua nhu yếu phẩm bên ngoài một siêu thị ở CaracasREUTERS


Chỉ cần theo dõi những tuyên bố liên tiếp trong những ngày qua của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, có thể thấy rõ tình trạng khủng hoảng ở nước này đã diễn tiến phức tạp như thế nào.
Ngày 13.5, ông Maduro quyết định kéo dài “tình trạng khẩn cấp về kinh tế” tại Venezuela thêm 3 tháng, đến hết tháng 7, thậm chí sẽ được duy trì sang năm 2017 để “khôi phục khả năng sản xuất cho đất nước”, theo tờ Le Monde. Một ngày sau, hôm qua 15.5 (giờ VN), vị tổng thống này ra sắc lệnh tịch thu các nhà máy “bị giai cấp tư sản làm tê liệt” và bắt giữ những doanh nhân “phá hoại đất nước”. Nhiều khả năng 4 nhà máy của Hãng Polar, tập đoàn hàng đầu về sản xuất thực phẩm của Venezuela, sẽ là những cơ sở đầu tiên bị ảnh hưởng. Cả 4 nhà máy này đều ngưng sản xuất từ ngày 30.4.
Cũng trong ngày 15.5, ông Maduro còn thông báo sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự cấp quốc gia với sự tham gia của các lực lượng vũ trang, dân quân để “sẵn sàng đối phó với mọi tình huống”.
Nghị sĩ cũng bị nợ lương
Những tuyên bố cứng rắn nói trên của Tổng thống Maduro là phần tiếp theo của rất nhiều biện pháp được áp dụng kể từ khi khủng hoảng kinh tế kéo theo hàng loạt khủng hoảng khác ồ ạt “tấn công” Venezuela. Để đối phó với tình trạng thiếu điện do hiện tượng El Nino làm cạn kiệt các đập thủy điện, từ cuối tháng 4, chính phủ nước này đã cho cắt điện 4 giờ/ngày tại 10/24 bang trong thời gian ít nhất 40 ngày, theo Đài truyền hình France Télévisions. Venezuela cũng đẩy múi giờ lên nhanh hơn 30 phút để tận dụng tối đa năng lượng mặt trời, tiết kiệm khoản điện dùng cho chiếu sáng.
Bên cạnh đó, người dân Venezuela có thêm nhiều ngày nghỉ, trong khi giới công chức chỉ còn đi làm 2 ngày/tuần, vào thứ hai và thứ ba, những ngày còn lại chỉ có một số người chia nhau trực để giải quyết những công việc cần thiết. Những cơ sở tiêu thụ nhiều năng lượng phải tự xoay xở nguồn điện 9 giờ/ngày. Hậu quả là nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng phải rút ngắn thời gian mở cửa, làm người dân muốn mua hàng hoá phải xếp hàng rất lâu.
Cách đây 2 tuần, AFP dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Venezuela Henry Ramos Allup thông báo do ngân sách của cơ quan này cạn kiệt nên các nghị sĩ sẽ không nhận được lương tháng 4.
Thiêu sống kẻ trộm cướp
Không chỉ bị cúp điện, nhiều dịch vụ khác cũng đang bị ảnh hưởng như gọi điện thoại quốc tế, truyền hình cáp. Nhưng nghiêm trọng nhất là nhiều nhu yếu phẩm, trong đó có lương thực, trở nên khan hiếm tại Venezuela. Đây cũng là ngòi nổ chủ yếu của nhiều cuộc bạo loạn nghiêm trọng thời gian qua.
Hồi cuối tháng 4, một đám đông tụ tập tại thành phố Maracaibo, tây bắc Venezuela, nơi vốn được xem là “kinh đô dầu hoả” của nước này, theo tờ Libération. Những người tham gia hô các khẩu hiệu như: “Chúng tôi đói”; “Chúng tôi cần ăn”… Tình hình trở nên căng thẳng cực độ khi họ bắt đầu cướp phá một số kho lương thực của địa phương, các xe tải và nhiều cửa hàng. Nhiều cuộc biểu tình lớn cũng diễn ra ở khắp Venezuela, gây đình trệ giao thông ở nhiều trục đường quan trọng.
Đi kèm với nạn cướp phá là nhiều vụ người dân tự “làm luật”, đánh đập tàn bạo, thậm chí thiêu sống những người bị cho là trộm cướp. Tờ Le Parisien dẫn lời công tố viên Luisa Ortega cho biết: “Những vụ dân tự “làm luật” đang tăng một cách đáng báo động. Năm 2015 chỉ có 2 vụ trong khi mới đến tháng 5.2016 đã có 74 vụ, làm 37 người chết và gần 40 người bị thương. Trong đó, chỉ riêng 2 tuần đầu tháng 5 đã có 54 vụ và 20 người chết”.
Lạm phát 700%
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết năm 2015, tỷ lệ lạm phát của Venezuela là 180,9% và con số này sẽ lên đến 700% vào năm nay. Tờ Le Monde dẫn lời một số chuyên gia kinh tế cho biết cuộc khủng hoảng nặng nề hiện nay chính là hậu quả của việc nước này đã phụ thuộc quá nhiều vào ngành dầu mỏ nên khi giá dầu thô sụt giảm đã không thể xoay xở được.
Đặc biệt, việc phát triển thiếu đồng bộ còn diễn ra ngay trong ngành mũi nhọn. Do chỉ tập trung khai thác và xuất khẩu dầu thô, ít chú trọng lọc và chế biến dầu, nên trước đây một phần nhiên liệu được sử dụng tại Venezuela phải được xử lý ở nước ngoài rồi nhập về. Khủng hoảng kinh tế đã làm nước này không thể nhập khẩu nhiên liệu ồ ạt như trước, dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng trong nước.
Chuyên gia Jean Rivelois nhận định trên Le Monde: “Nguồn thu từ dầu hoả trước đây quá lớn, đến mức Venezuela bỏ lơ hầu hết các ngành sản xuất khác vì có thể nhập khẩu dễ dàng”. Venezuela đã từng vượt qua nhiều đợt khủng hoảng kinh tế nhờ vào “vàng đen” và đã trở tay không kịp khi giá dầu tuột dốc.
Phe đối lập kêu gọi bãi nhiệm tổng thống
Những bất ổn tại Venezuela đang khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Maduro sụt giảm nghiêm trọng. Theo tờ Le Monde, ngày 2.5 phe đối lập đã trình 1,85 triệu chữ ký ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý để bãi nhiệm ông Maduro lên Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE). Theo quy định, chỉ cần 1% số cử tri của Venezuela, tức khoảng 200.000 người ký ủng hộ để hồ sơ được xem xét.
Dự kiến CNE sẽ mất ít nhất một tháng để kiểm tra chữ ký của 200.000 người và yêu cầu họ trực tiếp xác nhận. Quá trình này có thể sẽ còn tốn nhiều thời gian hơn vì hiện giới công chức của Venezuela đi làm chỉ 2 ngày/tuần. Khi xác minh xong, phe đối lập phải thu thập được chữ ký của 20% số cử tri nước này, tức khoảng 4 triệu người trong vòng 3 ngày để hy vọng có thể tổ chức trưng cầu dân ý. Trong thăm dò mới nhất tại Venezuela, 68% người được hỏi cho biết muốn ông Maduro bị bãi nhiệm.


 

Lan Chi