Lập lờ tên gọi chất lượng cao
Bất kỳ trường ĐH nào cũng có chương trình chất lượng cao, nhưng thực tế trình độ đầu vào của sinh viên chương trình khá thấp, nội dung và điều kiện giảng dạy như là một gói ‘dịch vụ cao’.
Lập lờ tên gọi chất lượng cao
Bất kỳ trường ĐH nào cũng có chương trình chất lượng cao, nhưng thực tế trình độ đầu vào của sinh viên chương trình khá thấp, nội dung và điều kiện giảng dạy như là một gói ‘dịch vụ cao’.
Sau nhiều năm hoạt động thí điểm, cuối năm 2014, Bộ GD-ĐT có Thông tư 23 quy định chính thức về đào tạo chất lượng cao(CLC) trình độ ĐH. Nhưng thực tế đào tạo của chương trình này ở phần lớn các trường hiện bị bóp méo dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một tên gọi khác để tránh ngộ nhận đây là chương trình có chất lượng đào tạo tốt.
Chất lượng cao hay dịch vụ cao ?
Một sinh viên (SV) học lớp kiểm toán CLC Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhìn nhận: “Đúng là tụi em được học một lớp có ít SV hơn (khoảng 50 người) thay vì 100 – 150 người như lớp đại trà. Phòng học có gắn máy lạnh, giảng viên được giới thiệu là những thầy cô đầu ngành, được tuyển chọn kỹ, nhiều thầy cô học từ nước ngoài về giảng dạy, giáo trình tham khảo từ nước ngoài. Nhưng gọi tên như vậy thì có nghĩa học lớp đại trà chất lượng sẽ thấp hay sao? Nhiều bạn học lớp thường nếu năng nổ, chịu khó thì ra trường cơ hội xin việc không thấp hơn các bạn học lớp CLC”.
SV này cho biết thêm, một số SV đang học nhưng vì gia đình gặp khó khăn không thể kham nổi mức học phí nên xin chuyển qua lớp thường. Như vậy, muốn vào học chương trình CLC, điều đầu tiên là phải có khả năng về tài chính. “Nó giống như một gói dịch vụ theo nhu cầu. Chẳng hạn trường em còn có chương trình ISB, học phí hơn 40 triệu đồng, cao gần gấp đôi chương trình CLC. Tất cả SV đã trúng tuyển vào trường, tuỳ nhu cầu, tuỳ khả năng tài chính mà lựa chọn học lớp đại trà, CLC hay ISB”, một SV khác chia sẻ.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhóm SV lớp CLC ngành quản lý tài nguyên và môi trường cho biết không hiếm SV có năng lực nhưng vì không có tài chính nên không thể theo học lớp này. “Điều đó không có nghĩa nếu học lớp thường thì chất lượng học tập của bạn ấy sẽ thấp đi. Có thể nói, tụi em đang được học một chương trình có dịch vụ tốt hơn, phòng học tiện nghi hơn, kỹ năng mềm, giảng viên, thực hành, thực tập được đầu tư hơn. Còn chất lượng thì vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khả năng của SV”, SV này nhận định.
Một trong những tiêu chí để xác định chương trình CLC, theo quy định của Thông tư 23, là chuẩn đầu ra phải cao hơn chương trình đào tạo đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin; dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác… Nhưng theo nhiều giảng viên tham gia giảng dạy chương trình CLC, tiêu chí này khó thực hiện trong thực tế vì hiện nay chuẩn đầu vào của SV chương trình không cao và điều kiện thực hiện mỗi nơi không đồng đều. Cho nên, có thể nói đây là chương trình dịch vụ cao thì đúng hơn.
Kẽ hở để trường làm sai quy định
Phó phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM thừa nhận: “Thông tư 23 có hiệu lực từ cuối năm 2014 nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy Bộ có những quan tâm sâu sát xem trên thực tế các trường thực hiện như thế nào, có đúng với các tiêu chí đề ra hay không. Hiện nay mỗi trường có cách tuyển sinh, đào tạo mỗi kiểu mà không được kiểm soát chặt chẽ”. Thậm chí, một số trường gửi đề án lên Bộ ngay sau khi có thông tư, nhưng đến giờ Bộ vẫn chưa có phản hồi. Mặc dù vậy, các trường vẫn tuyển sinh bình thường.
Thông tư 23 quy định đối tượng học chương trình CLC là “thí sinh đã trúng tuyển vào cơ sở đào tạo trong kỳ tuyển sinh ĐH chính quy”. Như vậy, có thể hiểu rằng đầu vào của SV chương trình này phải ngang bằng với SV đại trà. Sau khi trúng tuyển, SV chọn chương trình đào tạo tương ứng với điều kiện của mình. Chính vì vậy mà thông tư này mới có quy định “SV CLC không đủ điều kiện để tiếp tục học tập chương trình CLC theo quy định của cơ sở đào tạo thì phải chuyển sang học chương trình đại trà hoặc thôi học theo quy định của cơ sở đào tạo”.
Thế nhưng, trên thực tế phần lớn điểm chuẩn đầu vào của chương trình CLC luôn thấp hơn lớp đại trà từ 1 – 4,5 điểm tuỳ trường, tuỳ ngành. Chính vì thế, trong nhiều trường hợp, nếu cho phép SV đang học CLC có thể chuyển sang lớp đại trà nhưng không đủ điều kiện thì lại không đúng với quy chế đào tạo – SV chuyển từ ngành này sang ngành khác phải có điểm chuẩn đầu vào bằng hoặc cao hơn ngành chuyển đến.
Chưa kể, đây còn là kẽ hở để những thí sinh không đủ điểm vào lớp đại trà chọn chương trình CLC, sau đó chuyển sang đại trà!
Chỉ giải quyết bài toán ngắn hạn
Tiến sĩ Dương Quang Trung, giảng viên Trường ĐH Queen’s Belfast (Vương quốc Anh), cho hay: “Ở các nước mà tôi đã từng có thời gian làm việc như: Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển, Anh, Mỹ, không có chương trình CLC gì cả. Họ đều làm giống nhau, tất cả các SV đều học giống nhau, một chương trình chung. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: các chương trình hiện có của VN chất lượng thế nào, có phải là không cao nên mới phải thêm vào chương trình CLC?”.
Theo tiến sĩ Trung, hiện nay các trường ĐH VN đang phải đối mặt với một vấn đề rất lớn, đó là chi phí vận hành. Nguồn thu chủ yếu của các trường là học phí nhưng vẫn bị hạn chế bởi mức trần của Bộ, việc tăng học phí cũng phải theo lộ trình. Cho nên, muốn nâng cấp cả về cơ sở vật chất và con người (phòng học tốt hơn, giảm thiểu số lượng SV/giảng viên, nâng cao mức thu nhập của giáo viên) thì chỉ có cách là tạo ra các chương trình được đặt tên là “CLC”, mặc dù tên gọi này chưa phải là hợp lý.
Ông Trung cho rằng cách làm này chỉ giải quyết bài toán ngắn hạn. Tốt nhất là Bộ GD-ĐT để các trường tự chủ, quyết định mức học phí. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chi phí. Trường tốt, giảng viên giỏi, cơ sở vật chất tốt sẽ thu hút được SV và tự nhiên sẽ tạo ra được sản phẩm “CLC” mà không cần phải có một chương trình riêng mang tên này.
|
Mỹ Quyên