04/01/2025

Hồ sơ Panama phủ bóng hội nghị chống tham nhũng

Hơn 40 quốc gia ra tuyên bố thể hiện ý chí chống tham nhũng và nhiều nước nhất trí quy định về đăng ký công khai chủ thật sự của những công ty bình phong.

 

Hồ sơ Panama phủ bóng hội nghị chống tham nhũng

Hơn 40 quốc gia ra tuyên bố thể hiện ý chí chống tham nhũng và nhiều nước nhất trí quy định về đăng ký công khai chủ thật sự của những công ty bình phong.





Các đại biểu cấp cao phát biểu tại hội nghị chống tham nhũng ở LondonREUTERS


Đó là những kết quả nổi bật của Hội nghị cấp cao chống tham nhũng toàn cầu lần đầu tiên diễn ra ở thủ đô London của Anh hồi cuối tuần.
Tờ The Telegraph dẫn lời Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron gọi tham nhũng là “căn bệnh ung thư nằm ở trung tâm của những vấn đề mà chúng ta phải xử lý”. Ông còn cảnh báo nạn trốn thuế, né thuế sẽ huỷ hoại công ăn việc làm, kiềm hãm tăng trưởng, đẩy nhiều người vào cảnh nghèo khổ và có thể làm tổn hại an ninh vì nó khiến người dân “tuyệt vọng và dễ bị tác động bởi tư tưởng độc hại của những phần tử cực đoan”.
Cũng tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu rằng ông bị sốc về tình trạng tham nhũng lan rộng trên thế giới kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2013. Theo nghiên cứu mới của Quỹ tiền tệ quốc tế, tham nhũng gây thiệt cho nền kinh tế toàn cầu lên tới 1.500 – 2.000 tỉ USD mỗi năm.
Sở dĩ Thủ tướng Cameron nhắc đến trốn thuế vì hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều nước vẫn chưa hết rúng động vì vụ rò rỉ Hồ sơ Panama. Nội dung tài liệu này cho thấy nhiều lãnh đạo cấp cao và các tên tuổi nổi tiếng trong giới chính trị, kinh doanh, thể thao… liên quan đến những công ty bình phong đăng ký tại các “thiên đường thuế” và bị nghi ngờ là nhằm trốn thuế, rửa tiền.
Thậm chí một công ty của gia đình ông Cameron cũng xuất hiện trong Hồ sơ Panama, còn vùng lãnh thổ Virgins thuộc Anh là một trong những “thiên đường thuế” khét tiếng nhất thế giới đồng thời dính líu mật thiết tới khoảng 200.000 công ty bị nêu tên.
Reuters dẫn lời Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nói tại hội nghị rằng vụ Hồ sơ Panama cho thấy cần phải “rọi đèn pha” vào những góc khuất của hệ thống tài chính thế giới cũng như cần có biện pháp bảo vệ những người tố cáo tham nhũng, trốn thuế. Kết thúc hội nghị, đại diện của trên 40 quốc gia tham dự nhất trí ra tuyên bố chống tham nhũng toàn cầu.
Theo đó, các bên “cam kết vạch trần tham nhũng ở bất cứ nơi nào phát hiện được, truy lùng và trừng phạt đối tượng phạm phải, tạo điều kiện hoặc đồng lõa với tham nhũng”, “đảm bảo tham nhũng không gây ung nhọt trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng” và “tạo điều kiện cho mọi người tố cáo tham nhũng mà không sợ bị trả thù”.
Ngoài ra, Anh, Pháp, Hà Lan, Nigeria, Afghanistan và Kenya cam kết thiết lập quy định về đăng ký công khai chủ sở hữu thật sự của những công ty bình phong. Sáu nước khác gồm Úc, New Zealand, Indonesia, Georgia, Ireland và Na Uy tuyên bố sẽ cân nhắc biện pháp này.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền chỉ có thể đạt bước tiến nếu các “thiên đường thuế” minh bạch về quá trình hoạt động.
“Nếu các “thiên đường thuế” tiếp tục có thể che giấu ai thật sự hưởng lợi từ những công ty bình phong, thì nạn tham nhũng và trốn thuế sẽ tiếp tục hoành hành”, Giám đốc Tổ chức Oxfam GB (Anh) Mark Goldring cảnh báo.

 

Văn Khoa