Nguy cơ phá sản do quy định mập mờ: Doanh nghiệp không sai
Vụ nguy cơ phá sản do quy định mập mờ, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Lê Văn Giang khẳng định doanh nghiệp không sai…
Nguy cơ phá sản do quy định mập mờ: Doanh nghiệp không sai
Vụ nguy cơ phá sản do quy định mập mờ, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Lê Văn Giang khẳng định doanh nghiệp không sai…
Dây chuyền sản xuất của Công ty Vietfoods (Bình Dương) ngưng sản xuất kéo theo hơn 100 công nhân nghỉ việc hơn nửa tháng nay do quy định mập mờ về an toàn vệ sinh thực phẩm – Ảnh: M.S. |
Doanh nghiệp không sai – là khẳng định của phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Lê Văn Giang, khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ việc Công ty Vietfoods (Bình Dương) bị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội lập biên bản xử phạt vì sản phẩm có chứa sodium nitrate.
Ông Giang nói: Quản lý thị trường (QLTT) bắt hàng của người ta nhưng lại không đọc hết văn bản. Quy định hiện hành của VN là cho sử dụng sodium nitrate trong sản phẩm phomat. Nhưng trong thông tư 19 có khoản 2 điều 8, ngành y tế đã để mở trường hợp nếu quy định VN chưa cập nhật mà quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) có, hoặc nước sản xuất sản phẩm có cho phép sử dụng phụ gia đó thì VN sẽ xem xét.
Lý do phải để mở quy định vì mỗi lần xây dựng văn bản cần rất nhiều thời gian, trong khi quốc tế thông thường cập nhật danh mục 1-3 năm/lần. Hiện tại Nhật, Úc, New Zealand, Mỹ, Singapore, Malaysia… đều cho phép sử dụng sodium nitrate trong sản phẩm thịt, kể cả gia nhiệt và không cần gia nhiệt (sản phẩm ăn ngay), riêng châu Âu thì chưa cho phép trong sản phẩm gia nhiệt, nhưng sản phẩm thịt dùng ngay là cho phép.
* Nếu Công ty Vietfoods không sai, vụ việc sẽ được xử lý như thế nào?
– Việc QLTT bắt hàng của Vietfoods, tôi chưa biết họ đã xử lý như thế nào. Nhưng nay khi vụ việc rõ ràng rồi thì phải giải toả hàng cho công ty, nếu không công ty bị oan. Ở VN, trước đây trong quy định 3742 đã cho phép sử dụng sodium nitrate trong sản phẩm thịt, nhưng sau này quy định 27 ta áp dụng theo Codex là mới cho phép trong phomat, nhưng lại có điều khoản mở nói trên.
* Trong vụ việc này, doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất nặng, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp, thưa ông?
– Bảo vệ sức khoẻ cho người dân cũng song song với nhiệm vụ bảo vệ doanh nghiệp làm đúng quy định của pháp luật. Khi đi các địa phương và có dịp làm việc với QLTT cũng như hải quan, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị đọc kỹ các điều khoản mở, nếu điểm nào chưa rõ ràng thì các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi với nhau để thông suốt về các quy định trước khi có quyết định xử lý vụ việc.
Ở những vụ việc như thế này, quy định là do y tế ban hành ra, nên nếu chưa nắm được QLTT, hải quan có thể hỏi chúng tôi.
* Sau khi xác định doanh nghiệp không sai, Cục An toàn thực phẩm sẽ làm gì tiếp theo?
– Chúng tôi sẽ sớm có văn bản gửi bên QLTT để họ nhanh chóng giải tỏa hàng hoá cho doanh nghiệp. Theo tôi, vụ việc này là hiểu nhầm…
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 20-4 Đội QLTT 14 – Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra Công ty TNHH thương mại Hùng Anh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ khoảng 2,2 tấn xúc xích do Công ty Vietfoods (Bình Dương) sản xuất do nghi vấn chứa chất cấm. Sau khi đi kiểm nghiệm và phát hiện các mẫu xúc xích này chứa chất sodium nitrate-251 với hàm lượng từ 55 – 100mg/kg, Chi cục QLTT Hà Nội đã ra văn bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở Vietfoods. Trong thời gian này, hàng loạt phương tiện truyền thông đưa thông tin Vietfoods sử dụng chất cấm, chất gây ung thư trong sản phẩm xúc xích. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thanh tra tại Vietfoods vào ngày 25-4, đoàn thanh tra liên ngành do Sở NN&PTNT Bình Dương phối hợp với Chi cục QLTT Bình Dương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương thực hiện đã đưa ra kết luận Vietfoods không có vi phạm. Cụ thể, kết luận nêu rõ Vietfoods có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hồ sơ đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm theo đúng quy định hiện hành. |