Mỹ – Trung gườm nhau quanh đá Chữ Thập
Động thái áp sát đá Chữ Thập của chiến hạm Mỹ được cho là nhằm phản ứng các hành động phi pháp liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông.
Mỹ – Trung gườm nhau quanh đá Chữ Thập
Động thái áp sát đá Chữ Thập của chiến hạm Mỹ được cho là nhằm phản ứng các hành động phi pháp liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông.
CNN ngày 11.5 dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ giấu tên tiết lộ Trung Quốc liên tục phát tín hiệu cảnh báo tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P.Lawrence khi tàu này đi vào khu vực 12 hải lý của đá Chữ Thập ngày 10.5. Đá Chữ Thập nằm trong số các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo với ý đồ quân sự hoá. Quân đội Trung Quốc đã điều 2 chiến đấu cơ J-11, 1 máy bay cảnh báo sớm Y-8 cùng 3 tàu chiến đến nhằm “xua đuổi” tàu Mỹ. Chưa có thông tin về bất kỳ vụ đụng độ nào giữa hai bên tại khu vực.
Đáng chú ý là tờ International Business Times dẫn lời giới chuyên gia nhận định máy bay Trung Quốc có thể đã xuất phát từ một trong các tiền đồn trên đảo nhân tạo phi pháp. Nếu thông tin trên được xác nhận, đây là một sự leo thang nghiêm trọng của Trung Quốc trong việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tiếp tục thách thức dư luận quốc tế.
Chuyến hải hành của tàu USS William P.Lawrence là lần thứ ba tàu chiến Mỹ áp sát các khu vực bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Trước đó, có tin Mỹ sẽ tạm dừng hoạt động này để tập trung giám sát bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc đang ra sức ngăn chặn tàu Philippines tiếp cận và được cho là chuẩn bị lập tiền đồn mới.
Vì thế, giới quan sát cho rằng Mỹ buộc phải “nghĩ lại” sau khi Trung Quốc liên tục có hành động phi pháp bộc lộ rõ ý đồ quân sự hoá Biển Đông, đặc biệt liên quan trực tiếp tới đá Chữ Thập. Bãi đá này bị bồi đắp thành đảo nhân tạo làm nơi đặt nhiều cơ sở quân sự, bao gồm 1 đường băng dài 3 km.
Hồi tháng 4, Lầu Năm Góc cực lực phản đối việc Trung Quốcđưa một máy bay trinh sát Y-8 đến đá Chữ Thập sơ tán 3 công nhân bị bệnh. Ngay trong cùng tháng, Phó chủ tịch Quân uỷ trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long ngang nhiên thăm phi pháp đá Chữ Thập, trở thành sĩ quan cấp cao nhất của nước này đặt chân lên một bãi đá ở Biển Đông trong nhiều năm qua.
“Đá Chữ Thập là khu vực nhạy cảm vì được cho là trung tâm của các hoạt động quân sự trong tương lai của Trung Quốc tại Biển Đông”, Reuters dẫn lời chuyên gia Ian Storey Viện SEAS Yusof Ishak (Singapore) nhận định. Theo ông, thời điểm triển khai tàu USS William P.Lawrence cũng rất đáng chú ý vì diễn ra trước thềm chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama bắt đầu từ ngày 22.5.
Liên quan các diễn biến ở đá Chữ Thập, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), ngày 11.5 nhận xét với Thanh Niên: “Dù Trung Quốc triển khai tàu chiến và chiến đấu cơ phản ứng tàu khu trục Mỹ, nhưng may mắn chưa xảy ra sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể viện hành động của Washington để tăng cường sức mạnh quân sự ở Trường Sa”.
Trong khi đó, trước tình trạng Trung Quốc tăng cường quân sự trên Biển Đông, tiến sĩ Satoru Nagao thuộc Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản, đề xuất cách thức Việt Nam có thể phản ứng để bảo vệ chủ quyền của mình. Ông cho rằng: “Việt Nam có thể thực hiện các hoạt động dân sự ví dụ như tổ chức du lịch bằng máy bay đến các đảo và bãi đá, kết hợp cùng các nước khác phát triển hạ tầng vì mục tiêu chung như cứu hộ cứu nạn”.
Ngô Minh Trí
|
Trùng Quang